Vượt bẫy thu nhập trung bình: Chỉ là giấc mơ?

Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Lời cảnh báo đã trở thành hiện thực?

Với nhiều khả năng tăng trưởng cả năm chỉ khoảng 5,6-5,8%, 2014 lại đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện con số tăng trưởng khiêm tốn. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đáng để lọt vào mắt xanh của họ.

Không phải ngẫu nhiên mà trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, các tập đoàn nước ngoài lại liên tục rót vốn vào Việt Nam. Chẳng hạn như thương vụ mua lại Metro Việt Nam 880 triệu USD của một tập đoàn Thái Lan, các dự án đầu tư bất động sản trị giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ USD hay hầu hết thương hiệu ăn uống nổi tiếng thế giới đều đã đến Việt Nam.

Trong mắt nhà đầu tư ngoại, yếu tố dài hạn chính là điểm hấp dẫn của Việt Nam. Họ vẫn kỳ vọng với những cải cách trong nước cũng như những mối quan hệ quốc tế mới sẽ đưa kinh tế Việt Nam bước sang một thời kỳ sáng sủa hơn, giống như công cuộc đổi mới nền kinh tế vào năm 1986 đã giúp Việt Nam từ nước nghèo trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tuy vậy, ván cờ đặt cược vào Việt Nam không phải là không có rủi ro.

Tăng trưởng GDP hằng năm của Việt Nam
Tăng trưởng GDP hằng năm của Việt Nam

Thực vậy, việc chuyển mình từ nghèo sang trung bình thấp đã là khó, nhưng thách thức còn lớn hơn khi muốn lên mức thu nhập trung bình cao hay thậm chí bắt kịp các quốc gia giàu nhất thế giới. Nhìn sang các nước Đông Nam Á khác, ngoại trừ Singapore, liệu có nước nào đã thành công ở khía cạnh này dù tham vọng hay nỗ lực phấn đấu của họ đâu có thua gì Việt Nam?

Vào thập niên 1950, ông Robert Solow, Giáo sư Kinh tế thuộc Đại học MIT, đã công bố mô hình tăng trưởng kinh tế mang tên ông “Mô hình tăng trưởng kinh tế Solow”, dùng để giải thích nguồn gốc tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Trong đó, với hai yếu tố rất cơ bản là số lao động và vốn, cùng yếu tố tổng các năng suất tổng hợp (gọi là TFP, có thể đại diện cho yếu tố này bằng sự phát triển của công nghệ), mô hình Solow đã giải thích đúng khá nhiều trường hợp thành công cũng như thất bại của các quốc gia trong nỗ lực tăng trưởng để bắt kịp với thế giới phát triển.

Có hai kết luận quan trọng từ mô hình Solow mà các nước đang phát triển như Việt Nam có thể chiêm nghiệm. Đó là khi thu nhập tăng lên, tăng trưởng có xu hướng chậm lại và công nghệ (hay tổng quát hơn là năng suất lao động) mới là yếu tố quyết định để một quốc gia có thể duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững. Và dường như đây chính là những thách thức lớn cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và trong các năm tới.

Nếu nhìn lại hơn 20 năm qua, giai đoạn tăng trưởng 7-8% năm của Việt Nam đã nối tiếp bằng một giai đoạn chậm lại khá dài kể từ năm 2009 đến nay. Với các nguồn lực như vốn, nguồn lao động, tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng giảm sút trong khi năng suất lao động của Việt Nam thuộc dạng thấp nhất khu vực thì việc tăng tưởng chậm lại trong các năm gần đây cũng là điều dễ hiểu, theo cảnh báo của Solow. Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã phát đi một thông điệp gây sốc rằng trong 20 năm tới, nếu Việt Nam muốn trở thành một quốc gia giàu có như Hàn Quốc, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm phải đạt 9%/năm. Mức tăng cao như thế là không tưởng với điều kiện của nền kinh tế hiện giờ, vì ngay cả những năm tăng trưởng cao nhất, thành tựu mà Việt Nam đạt được chỉ dừng lại ở mức hơn 8% mà thôi. Lực cản về “bẫy thu nhập trung bình” dường như ngày càng hiện rõ tại Việt Nam.

Thực ra, lời cảnh báo về cái bẫy nguy hiểm này không phải chỉ mới xuất hiện gần đây mà trước đó vào năm 2009 Trung tâm ASH, tổ chức hàng đầu thế giới về nghiên cứu về khu vực công, đã lên tiếng về điều này. ASH cho rằng bước vào ngưỡng thu nhập trung bình thấp là cột mốc quan trọng của Việt Nam, nhưng thách thức để vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp là rất lớn. Theo đó, để gia tăng năng suất lao động hòng vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần nhanh chóng đổi mới thể chế, đặc biệt là về giáo dục, luật pháp và hệ thống tài chính. Tuy vậy, đây là vấn đề không dễ khi nhiều quốc gia tương tự như Việt Nam đã từng thất bại.

Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, chẳng hạn, đã thực hiện những thay đổi lớn về cơ cấu khi chuyển nền kinh tế phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên sang tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, nhưng cuối cùng đã không thành công. Dù mức sống của người dân đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn loay hoay với mức thu nhập trung bình và nền kinh tế không thể phát triển một hệ thống sáng tạo, marketing cũng như tạo dựng các thương hiệu đủ để cạnh tranh với thế giới.

Câu chuyện đó có thể lặp lại với Việt Nam. Phát biểu trên tạp chí Harvard Magazine gần đây, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Nguyễn Xuân Thành cho rằng nếu không thay đổi triệt để, Việt Nam sẽ không thể thâm nhập vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, không thể đáp ứng được lực lượng lao động đang tăng lên và sẽ vướng vào giai đoạn tăng trưởng thấp mà sẽ khiến mức sống của người dân thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng.

Thế nhưng, cơ hội dành cho Việt Nam không phải là không có. Các hiệp định kinh tế và thương mại lớn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã và đang mang lại sức ép cạnh tranh cho Việt Nam, tạo động cơ để Việt Nam buộc phải cải tổ chính mình. Hiện tại, Chính phủ đang ráo riết thực hiện quá trình cải tổ hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân đang được xem là chìa khóa quyết định để Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình như phát biểu mới đây của Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Vũ Tiến Lộc.

Theo NCĐT