Vai trò của tư vấn độc lập trong triển khai ERP

Đơn vị tư vấn độc lập sẽ hỗ trợ rất lớn cho DN trong việc xác định các yêu cầu ban đầu của bài toán, đồng thời lựa chọn sản phẩm cũng như đối tác cung cấp dịch vụ triển khai và hỗ trợ. Một số đơn vị tư vấn của nước ngoài cũng cung cấp luôn dịch vụ tái cấu trúc doanh nghiệp (thay đổi về quy trình, cơ cấu tổ chức…) để sẵn sàng với việc triển khai ERP.

Dưới đây là bài phỏng vấn ông Quang Nguyễn, chuyên gia tư vấn độc lập, do báo Saigontimes thực hiện.

PV Tuyết Ân: Các doanh nghiệp Việt Nam thường rất ít sử dụng vai trò của nhà tư vấn độc lập. Có hai vấn đề đặt ra:

  • hoặc các doanh nghiệp e ngại sự tham gia của nhà tư vấn sẽ làm “đội” gói đầu tư lên;
  • hoặc vai trò của nhà tư vấn ERP tại Việt Nam hiện còn mờ nhạt, chưa tạo đủ niềm tin trong doanh nghiệp.

Theo anh thực tế này cần được lí giải ra sao?

Ông Quang Nguyễn: Dĩ nhiên là khi thuê nhà tư vấn độc lập cho các dự án, người ta sẽ phải trả tiền (để nhà tư vấn có thể sống và trau dồi kiến thức, sau đó lại tiếp tục đi tư vấn, nếu không nhận phí, nhà tư vấn hoặc sẽ chết hoặc sẽ mất tính độc lập của mình và trở thành “cò” phần mềm, điều này là rất nguy hiểm). Việc chi phí cho nhà tư vấn làm cho gói đầu tư “đội” lên thì cần phải xem lại. Thí dụ như việc chọn phần mềm, làm hồ sơ thầu, chấm thầu…, nếu không có sự hỗ trợ của phía tư vấn, nhiều doanh nghiệp đã phải loay hoay mất từ 1 đến 2 năm mà vẫn không làm xong, chi phí và thiệt hại cho sự trễ nải này có là bao so với số tiền mà doanh nghiệp phải trả cho nhà tư vấn. Có nhiều lí do để cho doanh nghiệp phải loay hoay, đắn đo, băn khoăn… trong một thời gian dài trong dự án  ERP. Một là dự án tương đối lớn, đầu tư nhiều lại chưa từng làm qua (đa số doanh nghiệp VN làm ERP lần đầu), vì chưa từng làm nên làm ERP (cũng giống như những lần đầu của các công việc khác) có vẻ rất phức tạp, nhiều rủi ro, không liệu được các tình huống khó khăn… Các doanh nghiệp sẽ “lạnh giò”, sợ trách nhiệm… và như thế các chi phí vô hình do sự chậm trễ, kéo dài dự án sẽ bị đội lên. Với các doanh nghiệp có tầm nhìn hơi xa một chút, thì chi phí cho nhà tư vấn không phải là vấn đề. Việc giảm chi phí trong thời gian ngắn bằng cách không sử dụng tư vấn thì được, nhưng về lâu dài, các chi phí khác (thời gian, nhân lực, tiền bạc…) có thể đưa dự án dần đến thất bại…

Điểm thứ hai khá quan trọng tại thị trường Việt Nam. Uy tín và khả năng của các nhà tư vấn độc lập đang được thị trường xem xét khá kĩ. Dĩ nhiên là khả năng sẽ tạo nên uy tín, dù bất cứ phạm vi nào. Tuy nhiên, kinh nghiệm, kiến thức chưa phải là điều kiện đủ trong công tác tư vấn độc lập. Nhà tư vấn độc lập còn phải giữ tính độc lập của mình. Một nghịch lí trong thị trường tư vấn Việt Nam là có các nhà tư vấn, vừa độc lập, vừa… miễn phí. Họ vừa tư vấn chọn phần mềm, vừa là nhà cung cấp phần mềm nên họ có thể… miễn phí… để bán phần mềm hay là các dịch vụ triễn khai sau đó. Tính chất độc lập mất đi, khách hàng chỉ nghe những lời tư vấn một chiều – sao cho có thể bán được phần mềm và dịch vụ triễn khai. Uy tín của nhà tư vấn vì thế mà sẽ giảm sút hoặc mất đi.

Nhà tư vấn trong các dự án CNTT ngoài việc đưa các lời khuyến cáo độc lập, họ còn cần phải biết rõ mục đích của dự án là giúp doanh nghiệp được hưởng lợi từ dự án, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, giảm chi phí. Mục đích của dự án không phải chỉ nằm ở quyền lợi của một số phong ban, hay tệ hại hơn nữa khi công tác tư vấn chỉ nhằm vào quyền lợi của một số cá nhan lãnh đạo của doanh nghiệp. Khi không xác định được mục đích của công tác tư vấn một cách chính xác từ lúc khởi đầu, công ty tư vấn dễ bị sa lầy, dự án trì trệ và từ đó ảnh hưởng của tư vấn đến với dự án sẽ càng bị giới hạn hoặc có thể kéo theo việc mất uy tín của chính nhà tư vấn.

Thị trường tư vấn Việt Nam đang có nhiều tiềm năng nhất là khi các dự án ERP bị trễ nãi, kéo dài hoặc phải tái khởi động. Chúng tôi tin rằng nếu các nhà tư vấn chuyên nghiệp nhận biết được “thiên mệnh” của mình, nghiêm túc và dũng cảm trong công tác của mình, uy tín và hiệu quả càng tốt hơn, thì lợi ích của công tác tư vấn sẽ chứng minh một cách dễ dàng hơn.

PV Tuyết Ân: Theo kinh nghiệm của anh, thường thì những dự án đầu tư đạt đến quy mô nào (hoặc do đến vai trò của nhà tư vấn độc lập? Doanh nghiệp cỡ nào) sẽ nhất thiết phải dùng.

Ông Quang Nguyễn: Dự án ERP thật ra khó mà đầu tư  ít được, vì tính chất phức tạp của công việc. Nếu doanh nghiệp đầu tư để mở rộng hệ thống hiện có, hoặc triển khai hệ thống lần thứ hai, thì giá trị cộng thêm của nhà tư vấn không cao lắm vì doanh nghiệp có sẵn kinh nghiệm làm ERP rồi. Tuy nhiên nếu đây là lần đầu tiên doanh nghiệp triển khai một hệ thống CNTT có tính chất tổng thể – ảnh hưởng đến nhiều phong ban, doanh nghiệp sẽ rất cần một “trọng tài” để giúp cho những quyết định liên phong ban, cần một trọng tài cho việc chọn và kiểm tra nhà thầu và giúp nghiệm thu hệ thống etc…

Câu hỏi hiệu quả nhất khi quyết định thuê nhà tư vấn độc lập là:

1. Doanh nghiệp đã bao giờ làm các dự án như thế này chưa?

2. Nhà tư vấn thật sự có mang giá trị bằng cách cho những lời khuyên “độc lập” hay không?

3. Doanh nghiệp có cần học hỏi các kinh nghiệm này để trở thành một kĩ năng chính, cần thiết cho việc vận hành công ty mình hay không? Thường người ta thuê tư vấn là vì họ chỉ cần sử dụng các loại kĩ năng một lần trong một thời gian dài.

4. Chi phí cho nhà tư vấn có xứng đáng với giá trị mà họ mang lại hay không? Nếu doanh nghiệp cử nhân viên của mình kiêm nhiệm các công việc thì hiệu quả về thời gian và chất lượng cũng như tính độc lập sẽ ra sao?

(Theo SaigonTimes)