Xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư: Sở “nóng” lòng, Bộ kêu đừng “nóng vội”

 

DSC_0303.JPG
Các địa phương tự xây dựng cơ sở dữ liệu của mình

 

Đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu dân cư từ trung ương đến địa phương tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội là vấn đề nóng được đặt lên bàn nghị sự tại Hội thảo Phát triển CNTT – TT quốc gia 2013 tại TP Huế ngày 30/8/2013.

Ông Ngô Hải Phan, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (BCĐ), Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp đã trình bày tóm tắt một số định hướng triển khai “Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020“. Mục tiêu của đề án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó, đề án đảm bảo công dân chỉ phải khai thông tin về nhân thân một lần duy nhất với cơ quan hành chính nhà nước và không phải cung cấp lại khi thực hiện các thủ tục hành chính khác có liên quan. Đề án cũng nhằm đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư.

Tuy nhiên, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đặt vấn đề: cần phải nghiên cứu giải quyết vấn đề đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng dữ liệu như thế nào giữa Trung ương và địa phương để phát huy hiệu quả cũng như tránh lãng phí. Ông Thọ đơn cử: dự án xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư do Trung ương triển khai quá chậm, các địa phương đã ‘nóng vội” nên đã tự xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư của riêng địa phương mình. Điều này dẫn đến hệ lụy là  khi Trung ương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đồng bộ từ trên xuống, lúc đó sẽ có trường hợp  cơ sở dữ liệu của địa phương không thể sử dụng được. Điều này gây lãng phí lớn về kinh phí đã đầu tư. Vì vậy, ông Thọ kiến nghị: Trung ương nên phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc triển khai đề án cũng như đề nghị khi xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư nên tiến hành làm thí điểm tại một số địa phương để rút kinh nghiệm, tránh làm dàn trải vì sẽ không mang lại hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT) cho rằng: Hiện BCĐ quốc gia đã họp bàn và đưa ra giải pháp triển khai đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo đó đề nghị các địa phương nên tạm ngừng các dự án riêng của địa phương mình để chờ triển khai tổng thể cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, dự kiến tiến độ thực hiện đến năm 2020.

Bức xúc trước việc phải chờ đợi quá lâu của tiến độ triển khai đề án cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh cho rằng: các địa phương không thể đợi đến 2020, để nghị BCĐ cần xem xét cách tiếp cận vấn đề như thế nào để việc triển khai đề án được nhanh chóng và hiệu quả. Ông Hỷ để nghị: nên phân cấp kinh phí để địa phương triển khai, các cơ quan Trung ương có nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc triên khai của địa phương để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Tuy nhiên, ông Ngô Hải Phan, cho rằng các địa phương không nên “nóng vội” trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư tại địa phương. Nếu các địa phương triển khai không đồng bộ tại 63 tỉnh, thành cả nước sẽ gây tình trạng những mô hình dữ liệu dân cư khác nhau sẽ không kết nối, liên thông  được.

Đồng tình với ông Hỷ, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng chia sẻ: rất phấn khởi vì lần đầu tiên đưa ra đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ông Sơn đánh giá cao tính khả thi của đề án. Mặc dù vậy, ông Sơn vẫn băn khoăn về phương thức triển khai như thế nào cho hiệu quả. Do đó, Bộ TT&TT nên tổ chức hội thảo để bàn cách tiếp cận và hướng dẫn cụ thể cho địa phương triển khai thực hiện.

Đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp đưa ra sáng kiến: nên xây dựng mô hình dịch vụ thông tin và khai thác thông tin. Bộ TT&TT nên ban hành các chuẩn thông tin để các doanh nghiệp, địa phương căn cứ  triển khai xây dựng mô hình cơ sở dữ liệu dân cư đảm bảo tính đồng bộ.

Giải đáp những bức xúc của các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho rằng: Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90 qui định cấu trúc cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, Nghị định chưa bắt đầu triển khai đã “vướng”. Thứ trưởng phân tích: văn bản này do Bộ Công an xây dựng trình Chính phủ thông qua.Do đó, hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư theo qui định của NĐ 90 nhằm phục vụ cho ngành công an. Tuy nhiên, một số bộ, ngành khác cũng có nhu cầu sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu này. Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, đồng bộ từ trung ương đến địa phương để cho nhiều cơ quan nhà nước cùng khai thác, sử dụng. Hiện nay, kinh phí để triển khai đề án vẫn chưa có nên vẫn còn khó khăn trong tiến độ triển khai.

Theo ICTnews