Các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt đang có xu hướng mở rộng quan hệ tại Châu Á bên cạnh việc duy trì khai thác những thị trường truyền thống như Nhật, Mỹ.
Kiếm thêm thị trường
Dù kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, song doanh thu từ xuất khẩu phần mềm của doanh nghiệp Việt từ đầu năm tới nay không quá ảm đạm, thậm chí vẫn có những tín hiệu vui. Điển hình như FPT, tổng doanh thu từ xuất khẩu phần mềm 6 tháng đầu năm 2012 đạt 100% kế hoạch, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoặc CMCSoft, từ 1/4/2012 đến hết tháng 7/2012, tổng doanh thu từ xuất khẩu phần mềm cũng xấp xỉ 500.000 USD, gần đạt mục tiêu đề ra theo kế hoạch của công ty.
Hai thị trường Nhật, Mỹ tiếp tục là thị trường truyền thống lớn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt. Đơn cử, doanh thu từ thị trường Nhật chiếm tới 54% trong tổng doanh thu phần mềm xuất khẩu của FPT và khoản doanh thu này đang tăng trưởng với tốc độ gần 40%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ thị trường Mỹ của FPT cũng được dự đoán đạt mức 50% trong năm 2012. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu phần mềm vào những thị trường truyền thống này đang có dấu hiệu của sự kém “xuôi chèo mát mái”.
Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Trần Vũ Việt Anh, Giám đốc Khối gia công phần mềm – CMCSoft dẫn chứng: “Kinh tế Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng của thiên tai và suy giảm kinh tế thế giới, vì vậy việc tìm kiếm đối tác mới tại thị trường này rất khó khăn. Từ đầu năm đến nay, CMCSoft đã có thêm một vài đối tác mới tại thị trường Nhật nhưng giá trị hợp đồng không lớn”.
Bởi vậy, việc tìm thêm những thị trường mới, những khách hàng tiềm năng mới là điểm chung tất yếu của các doanh nghiệp Việt. “Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng từ khu vực Đông Nam Á. Hiện nay có rất nhiều công ty đa quốc gia tập trung tại đây do những thuận lợi về môi trường kinh doanh, chính sách ưu đãi, nguồn nhân lực lớn… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được một số đơn hàng từ các nước Bắc Âu”, ông Trần Vũ Việt Anh chia sẻ.
Ông Nguyễn Ích Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Xuất khẩu phần mềm Tinh Vân cũng cho hay, do Mỹ và Châu Âu vẫn tiếp tục khó khăn về kinh tế, khó mở rộng thị trường nên Tinh Vân sẽ tập trung xuất khẩu phần mềm vào 2 thị trường Nhật, Singapore, dịch chuyển tỷ trọng doanh số sang chủ yếu ở 2 thị trường này.
Còn đại diện FPT cho hay Nhật Bản và Mỹ vẫn là hai thị trường chính, song những năm vừa qua FPT đã đầu tư để xây dựng nền móng ban đầu cho thị trường Châu Âu. Năm 2012, FPT đang đón nhận những tín hiệu sáng từ thị trường Đức.
Vẫn “bí” nhân lực
Cơ hội thị trường cho hoạt động xuất khẩu phần mềm đang rộng mở. Đơn cử ngay ở Nhật, nhu cầu làm gia công phần mềm của thị trường này mỗi năm lên tới khoảng 10 tỷ USD nhưng năm 2011, “đại gia” FPT cũng mới kiếm được khoảng 35 triệu USD từ các hợp đồng gia công phần mềm cho khách hàng Nhật.
Tuy nhiên, có vẻ như các doanh nghiệp Việt vẫn luẩn quẩn với căn bệnh kinh niên là không đủ nhân lực đáp ứng trình độ kỹ thuật, chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm… .
Đại diện FPT cho biết trong nửa đầu năm 2012, FPT nhận thêm được nhiều hợp đồng từ những khách hàng lớn (trong đó có những hợp đồng triệu USD) nhưng lại luôn trong tình trạng thiếu nhân lực. Phát triển nguồn nhân lực luôn là nhu cầu rất “nóng” trong khi nguồn cung nhân lực từ thị trường có xu hướng suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Để tự cứu mình, FPT đã chọn giải pháp đầu tư vào các trung tâm đào tạo tân binh (sinh viên mới tốt nghiệp) và kỹ sư có kinh nghiệm để đảm bảo nguồn lực cho nhu cầu phát triển của công ty. Năm 2012, FPT đặt mục tiêu đào tạo được 1.200 tân binh, trong 6 tháng đầu năm đã đạt khoảng 760 người. Dự kiến trong năm 2013 sẽ có 5.000 kỹ sư phần mềm và tới năm 2016 tăng lên 10.000 người.
FPT có thể tự cứu mình nhưng điểm mặt anh tài trong khối doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu phần mềm tại Việt Nam thì không có nhiều doanh nghiệp dám “chịu chơi” như vậy!
Theo ICTnews