Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban đồng tình với đề nghị mở rộng diện được ưu đãi thuế của Chính phủ.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến chiều nay có nhiều quy định lợi cho doanh nghiệp như: giảm thuế suất, mở rộng diện ưu đãi thuế…

Thuế suất giảm từ 25% xuống 23%

Trong Tờ trình về dự án Luật, Chính phủ kiến nghị giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%. Đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%.

Mức thuế suất này được Chính phủ cho là đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực (Trung Quốc, Indonesia, Malaysia: 25%; Philippin: 30%). Đồng thời, không gây tác động giảm thu đột ngột tạo sức ép về cân đối ngân sách của năm áp dụng cũng như không xáo trộn nhiều tới hệ thống chính sách ưu đãi.

Theo tính toán của Chính phủ về tác động ngân sách, giả định năm 2014 chính sách thuế TNDN không có sự thay đổi thì dự kiến thu ngân sách nhà nước từ thuế TNDN khoảng 150.800 tỷ đồng. Nếu điều chỉnh thuế suất từ 25% xuống 23%, dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 12.064 tỷ đồng, nếu áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thì dự kiến giảm thu ngân sách năm 2014 thêm khoảng trên 2.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, được áp dụng thuế suất thấp hơn, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa sẽ có điều kiện tăng tích tụ, tích luỹ tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao được năng lực cạnh tranh.

Riêng hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam sẽ chịu mức thuế suất 32% – 50%.

Đề xuất của Chính phủ đã nhận được sự đồng tình của đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách.

Mở rộng diện được ưu đãi thuế

Tương tự, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban đồng tình với đề nghị mở rộng diện được ưu đãi thuế của Chính phủ nhằm bảo đảm phù hợp với chính sách ưu đãi được quy định tại các đạo luật chuyên ngành.

Theo đó, Dự án Luật bổ sung chính sách ưu đãi thuế đối với tổ chức tài chính vi mô; hoạt động nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, làm muối, sản xuất giống cây trồng và giống vật nuôi; ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng,…

Cụ thể, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được áp dụng thuế suất 20%.

Những lĩnh vực được bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 10% gồm có: Dự án đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; Thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí (không áp dụng cho các loại hình báo chí khác); Hoạt động xuất bản; Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường…

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ chú trọng tới lĩnh vực nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, hợp tác xã nông nghiệp, công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường, công nghệ phụ trợ của một số lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm với mức thuế suất ưu đãi là 10% trong thời gian 10 năm.

Không tán thành ưu đãi cho Khu công nghiệp

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN), Chính phủ trình UBTVQH cho bổ sung quy định doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại KCN (trừ KCN thuộc các thành phố trực thuộc TƯ) được miễn thuế TNDN trong 2 năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 4 năm tiếp theo.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách không tán thành với quy định này.

Lý do, theo ông Phùng Quốc Hiển, chính sách ưu đãi thuế đối với KCN đã được áp dụng song thực tế đã dẫn đến tình trạng ưu đãi tràn lan, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Việc phần lớn các doanh nghiệp đều lựa chọn đầu tư vào KCN tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi về hạ tầng, giao thông đã làm giảm hiệu quả chính sách thu hút đầu tư vào phát triển vùng miền khó khăn, đặc biệt khó khăn.

“Xuất phát từ những bất cập, hạn chế nêu trên, trong lần sửa đổi toàn diện Luật thuế TNDN năm 2008, chính sách ưu đãi này đã được bãi bỏ trên cơ sở xem xét, cân nhắc thận trọng”, ông Hiển cho biết.

Theo Cafef