Theo AFP, các chuyên gia tại ĐH Harvard (Mỹ) phát triển được công nghệ chuyển thông tin từ não người này sang người khác khi hai người ở cách nhau 5.000km.
“Loại công nghệ này hiện thực hóa giấc mơ “thần giao cách cảm” của chúng ta. Nhưng đây không phải là ma thuật. Chúng tôi dùng công nghệ để tương tác điện từ với não người” – ông Giulio Ruffini, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Trong thí nghiệm, một người tại Ấn Độ đeo máy điện não đồ không dây có kết nối với Internet sau đó nghĩ về các lời chào hỏi đơn giản như “hola” hay “ciao”. Một máy tính sẽ chuyển các suy nghĩ trên thành một dạng mã nhị phân kỹ thuật số thể hiện bằng các chuỗi 0 và 1.
Tin nhắn này được gửi đến Pháp và truyền cho người nhận thông qua một robot. Người này có thể thấy ánh sáng lóe lên trong tiềm thức. Chủ thể ở Pháp không được nghe hoặc thấy thông điệp mà người ở Ấn Độ gửi, nhưng có thể nhận được tín hiệu phù hợp với tin nhắn trên.
Hiện tại, mức độ sai sót của việc truyền tin “thần giao cách cảm” vào khoảng 15%, tức một mức độ nhỏ đáng kể. “Tôi hi vọng rằng trong tương lai, nghiên cứu này có thể giúp chúng ta thay đổi cách giao tiếp với nhau” – giáo sư Ruffini cho biết.
Giáo sư Alvaro Pascual-Leone của ĐH Harvard, một thành viên khác của công trình nghiên cứu, cho biết ông đang suy nghĩ về việc làm một thí nghiệm nhằm giúp những người ở khoảng cách xa thực hiện các cuộc giao tiếp từ não bộ đến não bộ thông qua Internet mà không cần nói chuyện hoặc gõ phím.
Theo Tuoitre