10 cách hiệu quả để gọi vốn khởi nghiệp

Cuộc sống không có những phép màu như truyện cổ tích. Đừng nghĩ rằng lúc nào cũng có một thiên thần đang chờ vung tiền cho bạn chỉ vì bạn có ý tưởng kinh doanh mới và hấp dẫn nào đó.

53255_9__67138_671_2465953

“Làm thế nào để có tiền mở doanh nghiệp?” là băn khoăn lớn nhất của các doanh nhân khởi sự.

Cuộc sống không có những phép màu nhưng bạn lại có nhiều cách sáng tạo để có vốn khởi nghiệp kinh doanh chứ không chỉ giới hạn ở một số lựa chọn ít ỏi như khi mua xe, mua nhà hoặc mua hàng tiêu dùng lớn khác. Nếu bạn khao khát trở thành một doanh nhân, trước khi vội vàng thử 1-2 cách huy động vốn để rồi thất vọng tràn trề vì chúng không đem lại hiệu quả gì cả,  đối bạn nên cân nhắc nhiều phương án để có sự chọn lọc thật nghiêm túc.

Dĩ nhiên, mỗi phương án có những ưu và nhược điểm riêng, có phương án không hấp dẫn hoặc không dành cho bạn. Chẳng hạn, những nhà đầu tư chuyên nghiệp thường rất chú trọng đến kinh nghiệm khởi nghiệp của bạn và thường đòi hỏi được cùng đứng tên sở hữu doanh nghiệp bạn sắp xây dựng để kiểm soát phần vốn họ bỏ ra. Nhưng nếu lần đầu mở doanh nghiệp, bạn sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu này.

Vì thế, vấn đề nằm ở chỗ bạn có đủ điều kiện đến đâu và sẵn sàng hy sinh cái gì để biến ước mơ của mình thành hiện thực. Dưới đây là danh sách 10 nguồn huy động vốn phổ biến nhất xếp theo thứ tự ưu tiên từ dưới lên trên kèm theo một số nguyên tắc để bạn cân nhắc chọn lựa theo khả năng và ý thích của mình:

10. Vay ngân hàng hoặc vay theo hạn mức thẻ tín dụng

Nhìn chung, một doanh nghiệp mới sẽ khó có thể huy động vốn bằng cách này nếu không có tài sản để thế chấp hay có lịch sử tín dụng trong sạch. Tại Mỹ, bạn có thể tìm đến Cục Quản lý Doanh nghiệp nhỏ (SBA) để nhờ họ kiếm cho bạn một khoản tín dụng mà không cần đáp ứng những điều kiện thế chấp thông thường.

9. Đổi cổ phần hay dịch vụ của mình lấy sự hỗ trợ bên ngoài

Nói một cách nôm na là bạn tận dụng những gì bạn có để đổi lấy thứ mà bạn cần. Chẳng hạn, bạn có thể thỏa thuận là bạn sẽ hỗ trợ hệ thống máy tính cho những người thuê khác trong một khu văn phòng để được miễn phí thuê mặt bằng tại đó. Hay bạn có thể sang tên một số cổ phần của công ty để đổi lấy dịch vụ tư vấn pháp lý và kế toán.

8. Đàm phán với khách hàng hoặc đối tác chiến lược để có tiền tạm ứng

Hãy tìm một khách hàng lớn hoặc một doanh nghiệp bổ trợ cho doanh nghiệp của bạn, những người thấy được tiềm năng trong ý tưởng của bạn và sẵn sàng ứng trước một khoản tiền để bạn thực hiện nó. Đổi lại, bạn sẽ cho họ quyền đứng tên, cấp phép hoặc gắn thương hiệu của họ trên sản phẩm mà bạn sẽ tung ra thị trường.

7. Tham gia một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp

Ngày nay, vườn ươm hay chương trình hỗ trợ lập nghiệp là khái niệm khá phổ biến ở các trường đại học, các tổ chức phát triển cộng đồng hay thậm chí các doanh nghiệp lớn. Ở đó, các doanh nhân mới sẽ được nhận nhiều đãi ngộ như cơ sở vật chất, dịch vụ tư vấn miễn phí và thậm chí cả vốn để khởi nghiệp.

6. Kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm

Hiện có nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp sẵn sàng bỏ tiền cho những doanh nghiệp mới có mô hình kinh doanh hiệu quả và nhiều tiềm năng phát triển. Họ thường tìm kiếm những ứng cử viên “nặng ký” có nhu cầu vốn đến vài triệu USD. Hãy thông qua mối quan hệ thân cận nào đó để có thể tiếp cận họ thành công.

5. Nộp hồ sơ cho nhóm các nhà đầu tư thiên thần

Ở nhưng đô thị lớn thường có các nhóm cá nhân giàu có sẵn sàng cấp vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển ban đầu với số tiền lên tới cả triệu USD. Hãy tận dụng các diễn đàn trực tuyến, các mối quan hệ nội bộ để tìm kiếm những nhóm nhà đầu tư quan tâm đến ngành nghề của bạn.

4. Thực hiện chiến dịch huy động vốn đại chúng (crowdfunding) trên internet

Đây là cách huy động vốn mới nhất hiện nay. Bằng cách này, ai cũng có thể tham gia góp vốn cho doanh nghiệp của bạn chỉ với một cách đơn giản là chuyển tiền trước cho một sản phẩm mà họ sẽ nhận sau này hoặc đóng góp để có được phần thưởng nào đó, như một chiếc áo phông chẳng hạn. Để tìm hiểu, bạn có thể vào Kickstarter – một trang web điển hình về huy động vốn đại chúng.

3. Xin tài trợ của chính phủ

Chính phủ thường có các nguồn tài trợ cho các dự án ứng dụng công nghệ mới hoặc phục vụ những mục tiêu cao cả như giáo dục, y tế hoặc hỗ trợ cộng đồng. Bạn có thể truy cập trang web của các bộ ngành để tìm hiểu thêm. Quy trình, thủ tục để được nhận tài trợ có thể tương đối phức tạp nhưng đổi lại, bạn sẽ không phải chia sẻ quyền quản lý doanh nghiệp với bất kỳ đối tượng nào khác.

2. Đề xuất nhu cầu với bạn bè và người thân

Thông thường các nhà đầu tư sẽ đánh giá uy tín của bạn dựa vào nguồn tài trợ này. Nếu bạn bè, người thân không tin tưởng, ủng hộ bạn thì đừng hy vọng người ngoài cuộc sẽ nhảy vào. Chính vì thế, đây là khoản đầu tư chủ đạo ngoài vốn tự có trong giai đoạn đầu của các doanh nghiệp.

1. Tự bỏ vốn khởi nghiệp

Chi phí mở một công ty hiện đã giảm xuống mức thấp kỷ lục và trên 90% các doanh nghiệp trong thời đại ngày nay ra đời hoàn toàn dựa vào vốn tự thân. Để tiết kiệm được một số tiền đủ lớn để khởi nghiệp, bạn có thể phải mất một thời gian nhưng ưu điểm là bạn không phải chia sẻ cổ phần hay quyền kiểm soát công ty của mình với bất kỳ ai. Doanh nghiệp của bạn hoàn toàn thuộc về bạn.

Tất cả các phương án nêu trên đều đòi hỏi nỗ lực và sự tận tâm từ phía bạn, không có gì bỗng dưng từ trên trời rơi xuống hay cho không biếu không cả. Mọi quyết định tài trợ đều dựa trên sự cân đối giữa chi phí ngắn hạn/dài hạn với khả năng thu hồi vốn, quyền sở hữu và quyền kiểm soát.

Tuy nhiên, với muôn hình vạn trạng các phương thức huy động vốn như hiện nay, bạn không có lý do gì mà không sống với giấc mơ của mình và biến nó thành hiện thực.

Theo Hoclamgiau.