Không gì đảm bảo là bạn sẽ có được lợi nhuận hay thậm chí chỉ là thu hồi vốn khi đầu tư mạo hiểm. Vì thế, hãy để ý thật kỹ những dấu hiệu cảnh báo một doanh nghiệp không đáng đầu tư.
80% doanh nghiệp nhỏ gặp thất bại khi bước vào thương trường. Thực tế nghe có vẻ phũ phàng nhưng lại không có gì đáng ngạc nhiên bởi từ việc lo trả nợ, huy động nguồn lực cho đến duy trì mạng lưới khách hàng, bất cứ chỗ nào cũng có thể phát sinh sự cố đáng tiếc. Để tránh rót vốn nhầm vào một doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, các nhà đầu tư cần để ý 5 dấu hiệu cảnh báo sau:
1. Sản phẩm không có gì đặc sắc: Một thách thức mà các doanh nghiệp mới thường gặp phải là làm thế nào để tách khỏi đám đông. Nếu không có một sản phẩm vượt trội về chất lượng hay sự độc đáo, doanh nghiệp sẽ dễ dàng bị đè bẹp.
Để xác định xem doanh nghiệp có thể tìm được chỗ đứng trên thị trường hay không, hãy nghiên cứu catalog sản phẩm của họ. Nếu không có gì mới hay nổi bật thì chắc chắn sản phẩm đó đã có người cung cấp. Những doanh nghiệp như thế, bạn nên tránh đầu tư vì nếu không, nhiều khả năng bạn sẽ chuốc lấy thất vọng sau này.
2. Thiếu tầm nhìn: Muốn sống sót, doanh nghiệp cần phải có một bản kế hoạch kinh doanh tốt, một tầm nhìn dài hạn về thị trường mục tiêu và cách thức thâm nhập thị trường.
Một trong những vướng mắc mà các doanh nghiệp nhỏ hay mắc phải là không có khả năng tiếp cận, lôi kéo sự chú ý của người tiêu dùng và thuyết phục họ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình. Hãy yêu cầu được xem các kế hoạch của doanh nghiệp. Nếu không có những tài liệu như thế thì đây là dấu hiệu bạn nên quên doanh nghiệp đó đi.
3. Không tăng trưởng: Một doanh nghiệp trẻ cần tăng trưởng nhanh và bền vững để có thể tồn tại được. Không có gì đảm bảo rằng những khách hàng ngày hôm nay sẽ tiếp tục trung thành với doanh nghiệp trong những ngày tới. Do đó, nhiệm vụ sống còn của doanh nghiệp là tìm được càng nhiều khách hàng mới càng tốt.
Hãy yêu cầu được xem sổ nhật ký bán hàng và danh sách khách hàng của doanh nghiệp. Nếu chỉ có 1-2 khách hàng lớn và thiếu kế hoạch tăng trưởng chủ động, doanh nghiệp sẽ khó có thể có một tương lai tươi sáng. Tốt hơn là bạn hãy dành tiền của mình đầu tư cho doanh nghiệp nào hiểu được tầm quan trọng của việc đa dạng hoá mạng lưới khách hàng.
4. Thị trường lắm cạnh tranh: Một thị trường với vài chục đối thủ cạnh tranh – chưa nói đến vài trăm – sẽ rất khó để doanh nghiệp có nguồn lực eo hẹp quảng cáo, tiếp thị bản thân và sản phẩm/dịch vụ của mình.
Vì thế, hãy tìm đến những doanh nghiệp khởi đầu từ những lĩnh vực ít cạnh tranh hoặc có sản phẩm độc đáo được cấp bằng sáng chế hay bảo hộ thương hiệu. Nếu còn nghi ngờ, hãy kiểu tra xem doanh nghiệp đó có phát triển, mở rộng được không. Thường thì khả năng thành công của doanh nghiệp sẽ cao hơn nếu doanh nghiệp đó có nhiều hơn một thị trường, nhất là khi áp lực cạnh tranh đang hiện hữu.
5. Không có kinh phí cho nghiên cứu và phát triển: Thị trường luôn luôn vận động đi lên để đáp ứng những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng và tốc độ phát triển của khoa học, công nghệ. Để thành công, doanh nghiệp phải nhanh chóng nhận thức được những thay đổi khi chúng xuất hiện và sớm điều chỉnh có lợi cho mình trước đối thủ cạnh tranh.
Hãy kiểm tra báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Nhanh chóng rút lui nếu doanh nghiệp đó không dành một phần lợi nhuận tương đối để chuẩn bị cho tương lai. Còn không, bằng mọi giá, doanh nghiệp phải có nguồn kinh phí dồi dào cho nghiên cứu và phát triển.
Không có gì đảm bảo là bạn sẽ có được lợi nhuận hay thậm chí chỉ là thu hồi vốn khi đầu tư mạo hiểm. Vì thế, hãy để ý thật kỹ những dấu hiệu cảnh báo một doanh nghiệp không đáng đầu tư. Nếu có thời gian, hãy thu thập các tài liệu cần thiết và tham khảo ý kiến tư vấn của một chuyên gia phân tích tài chính. Còn nếu không, hãy trung thành với những công ty đã có tên tuổi để tránh vướng vào con số 80% thất bại.
Theo Hoclamgiau.