5 kế hoạch tiếp thị nâng tầm doanh nghiệp

w620h405f1c1-files-articles-2015-1087150-dn597-mar060315-xay-dung-ke-hoach

Để xây dựng một kế hoạch tiếp thị có khả năng đưa doanh nghiệp lên một tầm cao mới, trước hết, hãy phát triển một tư duy tiếp thị có tầm nhìn xa.

1. Linh hoạt là chìa khóa vạn năng

Đối với nhà tiếp thị, việc tung ra sản phẩm hay dịch vụ mới không chỉ là sự kết hợp giữa bộ óc kinh doanh và sự tham vọng, mà còn là khởi đầu của vô vàn thử thách mới.

Bất kỳ ai muốn tạo dựng thành công lâu dài cũng cần phải nhìn xa hơn những gì mà doanh nghiệp mình hiện đang tồn tại, đưa ra dự đoán về những biến đổi và điều kiện mới trong thị trường và ngành hoạt động.

Câu hỏi “điều gì sẽ xảy ra nếu” và những lợi nhuận tiềm năng luôn phải đi cùng nhau trong từng kế hoạch tiếp thị tổng thể của doanh nghiệp. Những gì cần phải làm để một khách hàng hiện tại mở rộng hầu bao?

Việc tung ra sản phẩm hay dịch vụ mới sẽ hỗ trợ ra sao đến việc mở rộng tầm với đến khách hàng mới? Nhưng câu hỏi thường bị bỏ quên nhất chính là điều gì sẽ phải làm nếu những dự đoán của doanh nghiệp trở thành hiện thực?

Trừ phi kế hoạch tiếp thị của doanh nghiệp có một sự “co giãn linh hoạt”, cùng với khả năng thay đổi quy mô hoạt động cần thiết để phản ứng một cách nhanh chóng và hiệu quả trước những biến đổi bất thường của thị trường, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rất nhiều rào rản trong việc biến đối những thách thức ấy thành cơ hội cho sự tăng trưởng dài hạn về sau.

2. Hoàn hảo quá trình hơn là kế hoạch

Không bao giờ tồn tại một kế hoạch hoàn hảo chứa đựng tất cả những câu trả lời cho mọi nhu cầu trong kinh doanh, theo John Jantsch, nhà sáng lập Duck Tape Marketing.

Tuy nhiên, John khẳng định đó là một cách tư duy cần thiết để giúp doanh nghiệp theo dõi thị trường, quan sát khách hàng cặn kẽ và luôn nắm bắt thật rõ nhu cầu và nỗi lo âu của họ.

Không phải kế hoạch tiếp thị, mà cách doanh nghiệp hoạch định thường xuyên các chương trình tiếp thị sẽ giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trước những quá trình biến đổi trong nền văn hóa người tiêu dùng.

Nói theo cách chia sẻ của Iain Ellwood, nhà cộng tác của công ty tiếp thị Senate với tờThe Economist, khả năng nắm bắt các cơ hội trong thị trường không đến từ sách vở, mà thông qua một quá trình tư duy trước khi bắt tay vào việc ghi chép.

3. Tạo ra bộ công cụ mở rộng thị trường

Tư duy không chỉ bao gồm khả năng mà còn là sự quyết tâm xử lý với những công việc doanh nghiệp buộc phải làm để đưa tổ chức của mình đi xa hơn. Điều ấy liên quan đến việc phải tư duy cẩn trọng trong đánh giá rủi ro và lợi nhuận, khi nào phải vượt qua chướng ngại vật và đâu là lúc phải đổi sang hướng đi mới.

Nhưng để tư duy hiệu quả hơn, doanh nghiệp cần đến một bộ công cụ hỗ trợ, đó là những thành tố tạo nên một kế hoạch tiếp thị hoàn chỉnh song hành với các kế hoạch B. Việc này sẽ giúp mang đến những giá trị bổ sung và phụ trợ cần thiết cho tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp.

Ví dụ, trong nền tảng của kế hoạch tiếp thị trực tiếp, danh sách email khách hàng, mạng xã hội và danh sách các hãng truyền thông cho hoạt động PR là những công cụ cần thiết trong việc quảng bá một sản phẩm mới, mở rộng tại thị trường mới hay thâm nhập vào một nhóm khách hàng mới.

Theo giới nghiên cứu tại The Wharton School, thuộc Đại học Pennsylvania, bất kỳ công cụ nào liên quan đến tiếp thị trực tiếp, yếu tố có khả năng nâng lên tầm cao mới, quy mô mới là một điều cần thiết để tồn tại và phát triển lâu dài trong thế giới ngày nay.

4. Xem xét năng lực bản thân

Trong lúc xác định khả năng mở rộng hoạt động doanh nghiệp, trước hết hãy xem xét nguồn lực nội tại và tự hỏi bằng cách nào doanh nghiệp sẽ tận dụng chúng cho các mục tiêu tăng trưởng kế tiếp.

Nên xem xét mỗi thị trường mới như một trường hợp kinh doanh riêng biệt, nhưng không nhất thiết doanh nghiệp phải nghĩ rằng mình sẽ bằt đầu từ con số không. Đơn giản hơn, đâu là những khoản phí và nguồn lực bổ sung đưa vào hoạt động kinh doanh hiện tại để tạo lực đòn bẩy cho hoạt động kinh doanh mới?

Khi lên kế hoạch cho kế hoạch tiếp thị, đảm bảo rằng doanh nghiệp sử dụng tất cả mọi nguồn lực đang có, nhưng nếu thiếu hụt, hãy nghĩ đến một sự lựa chọn khác. Đó là hạn chế kế hoạch lớn ban đầu thành một chương trình thử nghiệm nhỏ hơn tại một số thị trường khu vực, để giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và quản lý chi phí tốt hơn.

5. Giữ thông điệp tiếp thị đúng hướng

Một thử thách doanh nghiệp sẽ gặp phải trong lúc mở rộng hoạt động doanh nghiệp chính là duy trì giá trị cốt lõi vốn từng thu hút những khách hàng đầu tiên và nuôi dưỡng lòng trung thành của họ.

Đến lúc này, hãy tự hỏi đâu là những điều tạo nên sự khác biệt giữa doanh nghiệp với đối thủ trong từng thị trường, trong từng nhóm đối tượng khách hàng, trong từng phân khúc sản phẩm dịch vụ và đưa ra câu trả lời thật cụ thể, rõ ràng.

Bắt đầu việc hoạch định kế hoạch tăng trưởng bằng cách đảm bảo rằng những gì đã thực sự lôi kéo và giữ chân khách hàng sẽ được doanh nghiệp chú ý đến và tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn nếu cần thiết.

Ngoài ra, hãy để khách hàng giúp doanh nghiệp công việc khảo sát này. Hãy hỏi thăm họ và doanh nghiệp sẽ có được những cách nhìn nhận sâu sắc nhất, qua đó biết cách tận dụng tốt hơn thông điệp quảng bá để khắc họa câu chuyện về doanh nghiệp.

Theo DNSG.