Trong bối cảnh cạnh tranh trực diện ngày nay, sự xáo trộn nguồn nhân lực luôn là nỗi lo của hầu hết doanh nghiệp. Tuyển được người giỏi đã khó, nhưng giữ được họ còn khó hơn. Để giải quyết thực trạng này, biện pháp khả thi nhất mà rất nhiều doanh nghiệp đã áp dụng là đào tạo tại chỗ.
Song, tâm huyết thì có, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ kỹ năng trong việc thực hiện giải pháp này. Và lời khuyên chung của các chuyên gia nhân sự, chuyên gia đào tạo nguồn nhân lực là phải bắt đầu từ tầm nhìn và quyết tâm của chủ doanh nghiệp.
Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đều xuất thân từ công ty gia đình. Điều này đồng nghĩa với việc mọi quyền hành đều tập trung trong tay người trực tiếp điều hành – tức chủ doanh nghiệp. Khi công ty lớn lên, mô hình quản lý cũ không còn phù hợp nữa, bắt buộc doanh nghiệp phải tuyển thêm người và phân chia trách nhiệm, quyền hạn cho từng vị trí, bộ phận.
Nhưng có một thực tế là sự chuyển giao này không phải lúc nào cũng đúng nghĩa. Ở khá nhiều doanh nghiệp, sự phân công quyền hạn chỉ mang tính hình thức (người được chuyển giao chỉ có chức mà không thực sự có quyền). Điều này góp phần lý giải vì sao mà một số công ty có trưởng phòng nhân sự mà mọi kế hoạch tuyển dụng vẫn phụ thuộc vào giám đốc, hay có chủ trương đào tạo từ đầu năm mà cuối năm kết quả vẫn không như mong đợi.
Và trong trường hợp này, nguyên nhân chính là do chủ doanh nghiệp quá ôm đồm, vì cầu toàn mà kiêm luôn cả công việc đã giao cho cấp dưới, dẫn đến việc họ trở nên thụ động (thậm chí bất mãn, chán chường), mọi kế hoạch đều rơi vào tình trạng “nửa chừng xuân”.
Để đào tạo nhân viên giỏi, đặc biệt là những người quản lý cấp trung, mỗi doanh nghiệp đều có những bí quyết riêng, phù hợp với hoàn cảnh, đặc thù của đơn vị mình. Với giải pháp đào tạo tại chỗ, muốn thành công, phải bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn và quyết tâm của người đứng đầu.
Vì xét cho cùng thì trên có “thông” dưới mới “thoáng” – nghĩa là nếu người lãnh đạo cao nhất có cái nhìn bài bản, lâu dài về kế hoạch phát triển nguồn nhân lực thì họ mới quyết tâm tìm kiếm giải pháp, lựa chọn – sẵn sàng giao quyền cho người đủ khả năng thực hiện và dự trù cả kinh phí lẫn thời gian chịu đựng tốn kém.
Và lúc ấy, người trực tiếp chịu trách nhiệm đào tạo nhân viên chỉ việc phát huy hết khả năng, tâm huyết của mình mà không phải e dè trước mỗi quyết định trong quyền hạn của mình. Dĩ nhiên, họ cũng phải chịu mọi trách nhiệm trước người đứng đầu doanh nghiệp cũng như chịu sự giám sát từ “trên cao”.
Theo ông Phan Huy Tân – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Trung Nhật, để cấp dưới trở thành người giỏi, vai trò chính của chủ doanh nghiệp nằm ở việc phát hiện ra người có khả năng, mạnh dạn giao việc, thường xuyên giám sát, khích lệ, sẵn sàng trợ giúp khi cần thiết và tin tưởng giao quyền.
Còn việc đào tạo tại chỗ thì nên giao cho người có chuyên môn phụ trách, mời chuyên gia giỏi về công ty trực tiếp giảng dạy hoặc cho nhân viên đi học ở các trung tâm đào tạo chuyên sâu có uy tín. Riêng trong trường hợp người lãnh đạo đủ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và khả năng truyền đạt thì có thể trực tiếp đứng lớp để đào tạo nhân viên. Trong CLB Doanh Nhân Sài Gòn, khá nhiều doanh nghiệp hội viên đã áp dụng phương thức này.
Chị Lê Hải Yến – Phó giám đốc Công ty SOPHY, anh Huỳnh Văn Thiện Thanh – Tổng giám đốc HNP, anh Tô Văn Thuận – chủ doanh nghiệp tủ sắt Hưng Thuận, anh Nguyễn Xuân Tùng – Giám đốc Công ty bao bì Nam Việt… từng miệt mài cắp sách đi học rồi truyền đạt lại cho nhân viên. Anh Cao Tiến Vị – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn đã từng đứng lớp để vừa chia sẻ kiến thức, vừa “truyền lửa” cho nhân viên. Hay trong chương trình đào tạo MBA của Kinh Đô, một trong số những giảng viên chính là ông Trần Kim Thành – Chủ tịch HĐQT của Công ty.
Quy trình điều hành doanh nghiệp thường được thiết lập theo các bước: lãnh đạo ấn định mục tiêu rồi giao cho từng bộ phận liên quan, các bộ phận có trách nhiệm lập kế hoạch hành động, lãnh đạo cùng những người có liên quan thảo luận rồi đưa ra kết luận, bộ phận liên quan tổ chức thực hiện với sự giám sát – hỗ trợ của lãnh đạo.
Kinh nghiệm từ nhiều doanh nghiệp cho thấy sự phối hợp nhịp nhàng này luôn mang lại những kết quả tốt đẹp vì luôn phát huy được tinh thần sáng tạo tập thể. Riêng trong quá trình đào tạo nhân viên, điều cần lưu ý với mỗi chủ doanh nghiệp là nên tập trung vào 4 yếu tố: kỹ năng tư duy, năng lực quản lý, kỹ năng giao tiếp và tính chuyên nghiệp.
Theo DNSG.