Có nhiều lý do gây thất bại cho một dự án ERP. Dưới đây là 7 lý do phổ biến tại Việt Nam và cách khắc phục.
7. Cổ đông và cá nhân có thẩm quyền chính không chấp nhận hoặc không tích cực. Triển khai ERP là ‘một cuộc cách mạng’ sâu rộng, không một phòng ban nào có thể đứng ngoài, nhất là các trưởng bộ phận bởi họ còn phải tham gia giải quyết tranh chấp về quyền lợi cũng như các vấn đề khác nảy sinh. Trước đây, thông tin là ‘tài sản’ vô hình của các phòng ban, khi cần truy xuất, các phòng ban khác phải ‘xin’; nhưng với ERP các phòng ban buộc phải chia sẻ thông tin với nhau và đặc quyền dường như không còn nữa. Ngoài ra còn vấn đề phân chia lại công việc. Ai cũng muốn đùn đẩy trách nhiệm và kéo quyền lợi về phía mình. Để khắc phục, bằng mọi cách các cá nhân chủ chốt phải tham gia tích cực vào quá trình triển khai ERP.
6. Năng lực của người sử dụng cuối – end user. Trong dự án ERP, người sử dụng cuối cần các kỹ năng: Vi tính, nghiệp vụ, Anh văn (đối với giải pháp ERP ngoại) và khả năng sử dụng phần mềm. Do vậy, DN cần có kế hoạch huấn luyện và đào tạo thích hợp với từng kỹ năng và vị trí cho người sử dụng cuối.
5. Thủ tục kiểm soát thay đổi và các đặc tả phạm vi dự án không rõ ràng. Trong quá trình triển khai ERP, việc thay đổi yêu cầu của khách hàng là không thể tránh khỏi. Một quản trị dự án tốt phải biết thoả mãn tối đa nhu cầu của khách hàng nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch đã đặt ra. Đồng thời, tài liệu và thủ tục cần định nghĩa rõ dựa trên những yêu cầu ban đầu của khách hàng, đảm bảo các cá nhân trong dự án hiểu và thực hiện đúng.
4. Không xác định rõ mong muốn của khách hàng. Khách hàng luôn muốn cực đại hoá lợi ích khi đầu tư ERP mà quên đi các yếu tố khác như chi phí, trình độ nhân sự, mức độ trưởng thành của doanh nghiệp. Do đó, đơn vị triển khai cần xác định rõ mong muốn của khách hàng ngay từ đầu.
3. Chọn không đúng đối tác tư vấn. Vai trò tư vấn hết sức quan trọng, thậm chí quyết định sự thành bại cũng như chiến lược phát triển hệ thống ERP. Cần đảm bảo các tư vấn làm việc độc lập, trung thực, lâu dài và am hiểu ERP. 100% dự án ERP sẽ thất bại khi chọn đối tác tư vấn không đúng.
2. Truyền đạt và thông tin không tốt. Vấn đề phát sinh khi triển khai ERP cần được gửi đến đúng người có thẩm quyền để giải quyết cũng như thông báo những thay đổi mới cho các thành viên. Đảm bảo cho mọi người luôn luôn biết chúng ta đã, đang và sẽ làm gì.
1. Không có phương pháp triển khai rõ ràng. Để thành công, bất kỳ dự án nào cũng cần một phương pháp triển khai rõ ràng và khoa học. Có phương pháp vẫn chưa đủ, mà phải đảm bảo rằng quá trình triển khai dự án luôn tuân thủ theo phương pháp đã đề ra.
( Nguồn: TGVT-PCW VN )