Thời của điện toán đám mây

Chỉ vài năm từ khi xuất hiện, điện toán đám mây đã trở thành xu thế công nghệ không thể đảo ngược. Số công ty theo đuổi điện toán đám mây ngày một nhiều, số dịch vụ cũng ngày một phong phú.

Phục vụ chính quyền, doanh nghiệp

Công viên Phần mềm Quang Trung và IBM Việt Nam đã hợp tác xây dựng nền tảng điện toán đám mây nhằm củng cố và hợp nhất nguồn dữ liệu của chính quyền và phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp.

Trung tâm đám mây hàng đầu Việt Nam

Ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết, dựa trên năng lực, kinh nghiệm và uy tín của IBM trong việc triển khai các hệ thống điện toán quy mô lớn và tầm quan trọng của việc xây dựng một trung tâm dữ liệu (TTDL) và trung tâm cung cấp dịch vụ chính phủ điện tử TP.HCM, QTSC quyết định chọn giải pháp ĐTĐM theo tư vấn của IBM. “Triển khai dịch vụ mới bao giờ cũng khó khăn nhưng quan trọng nhất là tạo dựng niềm tin đối với người dùng. Ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, cần phải đảm bảo an ninh thông tin, dữ liệu… Với kinh nghiệm sẵn có, QTSC sẽ đáp ứng mong đợi của người sử dụng”, ông Dũng nhận định.

Đối với khách hàng chính phủ, ĐTĐM tạo môi trường CNTT hoạt động ổn định, an toàn, an ninh. Hiện, ngày càng nhiều chính phủ như Mỹ, Anh, Nhật, Singapore… lựa chọn ĐTĐM là hạ tầng cung cấp dịch vụ công. TP.HCM đặt TTDL tại CVPMQT và lựa chọn giải pháp ĐTĐM của QTSC làm hạ tầng cho dịch vụ công cũng là theo xu hướng đó.

“Tại Việt Nam, ngoài IBM thì Cisco, HP và một vài hãng khác cũng đang có những giải pháp cung cấp dịch vụ ĐTĐM và QTSC sẽ phối hợp với họ để đưa ra các giải pháp tốt  nhất”.

Là đơn vị đầu tiên triển khai dịch vụ ĐTĐM cho các hoạt động quản lý nhà nước, QTSC luôn nhận được sự ủng hộ của chính quyền TP.HCM và được đánh giá rất cao. Giải pháp QTSC triển khai xây dựng trên nền ĐTĐM là theo mô-đun: Mô-đun tính toán sử dụng công nghệ máy chủ phiến IBM; Module lưu trữ sử dụng công nghệ SAN, sao lưu dự phòng băng từ của IBM, SUN; Module quản lí, ảo hóa bao gồm các thành phần quản lí cung cấp dịch vụ, ảo hóa, quản lí giám sát, quản lí lưu trữ trên giải pháp PM IBM Tivoli, RedHat, VMware; Module bảo mật mạng bao gồm các thành phần tường lửa lớp mạng, tường lửa ứng dụng web, phòng chống xâm nhập IPS/IDS, Antivirus/Antispam, Router/Switch dùng công nghệ từ Checkpoint, Cisco, IBM, TrendMicro, ForeScout…

Ông Dũng giải thích, với kiến trúc module, việc thêm các tài nguyên tính toán, lưu trữ theo yêu cầu sẽ được triển khai nhanh chóng, không ảnh hưởng đến hệ thống đã có. Các mô-đun tạo thành “đám mây” tài nguyên. Các máy chủ ảo, vùng lưu trữ ảo, tường lửa ảo, ảo hóa mạng sẽ được cấp phát theo yêu cầu với cơ chế cung cấp tự động từ trung tâm quản lí vận hành.

Theo ông Dũng, dự án được triển khai giai đoạn đầu phục vụ cho ứng dụng CNTT của chính quyền TP.HCM và sẽ được mở rộng đáp ứng nhu cầu hạ tầng CNTT phục vụ chính phủ điện tử tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Trong tương lai, dự án sẽ được phát triển phục vụ rộng rãi cho các doanh nghiệp (DN) như cung cấp dịch vụ hệ thống máy chủ, lưu trữ, phần mềm (PM)… Hệ thống sẽ đáp ứng nhu cầu hosting Cổng thông tin điện tử Thành phố (CityWeb) với trên 80 website thành viên; hệ thống email với trên 10.000 hộp thư và trung tâm điều khiển mạng MetroNet (NOC) quản lí, giám sát các thiết bị CNTT, quản lí giám sát kết nối của các sở ban ngành trên địa bàn.

Từ Greenmail đến ERP…

Khi mở rộng đối tượng sử dụng các dịch vụ ĐTĐM sang các DN, các DN đang hoạt động tại QTSC sẽ là đích phục vụ đầu tiên. QTSC đề nghị 2 gói dịch vụ:

Hạ tầng CNTT như là dịch vụ (Infrastructure as a Service – IaaS), nền tảng CNTT như là dịch vụ (Platform as a Service – PaaS). IaaS nhắm đến đối tượng chính là các DN gia công (outsourcing). Với gói dịch vụ này, các DN có thể thuê các máy chủ ảo, cài đặt hệ thống kiểm thử PM, hệ thống chạy thử nghiệm PM lên các máy chủ ảo này. Việc cho thuê hạ tầng máy chủ ảo giúp các DN gia công sử dụng chi phí đầu tư hiệu quả, chi trả theo mức độ sử dụng.

Còn PaaS sẽ phục vụ cho đối tượng là các DN cung cấp PM. Các DN PM sẽ thuê các nhóm trung tâm dữ liệu ảo của QTSC và cài đặt các PM của mình như ERP, CRM, quản lý nhân sự, quản lý tài sản. Khi đó, các PM này sẽ được cung cấp rộng rãi hơn đến khách hàng của các DN theo hình thức PM như là một dịch vụ. Điều này cho phép đưa các gói PM của DN đến tận tay người sử dụng với giá thành thấp. Cả nhà cung cấp PM và người sử dụng đều hưởng lợi do chỉ trả những chi phí theo đúng mục đích sử dụng.

Trước mắt, QTSC Online – một công ty thành viên của QTSC sẽ cung cấp cho DN dịch vụ cho thuê dịch vụ mail (Greenmail) dựa trên ĐTĐM của Google. QTSC Online sẽ lần lượt giới thiệu những sản phẩm, giải pháp tiện ích ứng dụng cho DN như hệ thống PM ứng dụng của Google cho điện thoại di động Android, PM quản lý DN nhỏ MyERP, đồng bộ hoá dữ liệu cho máy để bàn đám mây (Cloud Desktop) hoặc các công cụ chỉnh sửa hình ảnh Aviary… Được hỗ trợ từ Google, QTSC Online sẽ giúp các DN giảm thiểu chi phí vận hành hệ thống CNTT theo tiêu chí 4 không (không cần đầu tư máy chủ; không phải mua bản quyền; không rủi ro; không cần bảo trì hay nâng cấp hệ thống). DN chỉ tập trung sản xuất, kinh doanh.

Cần nhận thức sớm

Các doanh nghiệp (DN) luôn mong muốn đầu tư các ứng dụng CNTT với chi phí hợp lý, “dùng bao nhiêu, trả bấy nhiêu” và sớm mang lại hiệu quả hoạt động. Giải pháp Điện toán đám mây (ĐTĐM) ngày càng hoàn thiện, góp phần cho xu thế này. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay của ĐTĐM là vấn đề nhận thức của DN.

Từ nhu cầu đến dịch vụ

Nhu cầu ứng dụng CNTT trong các DN không ngừng tăng. Tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore 2 (VSIP 2), các DN luôn muốn có hạ tầng CNTT và các phần mềm (PM) dịch vụ sử dụng ngay nhưng đầu tư ban đầu thấp. Do vậy, Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT), nhà cung cấp các dịch vụ hạ tầng mạng, viễn thông tại đây đã mạnh dạn triển khai ĐTĐM cho DN thuê.

“Hướng đi của đa số DN nước ngoài tại Việt Nam là không mua máy chủ hay PM. Ban đầu, họ sử dụng dịch vụ quy mô nhỏ, ít tính năng nhưng khi phát triển, mở rộng thì họ chỉ đầu tư phần mở rộng thêm mà không bỏ đi những gì đã đầu tư”, ông Nguyễn Minh Tân.

Ông Nguyễn Minh Tân, Tổng giám đốc VNTT cho biết, không như những dịch vụ mua bán thuần túy như bán máy chủ, máy tính, thiết bị lưu trữ, thiết bị mạng, thiết kế hệ thống…, để cung cấp các dịch vụ như trên, các DN sẽ phải đầu tư rất lớn cho thiết bị, hệ thống cấp nguồn, làm lạnh, đảm bảo duy trì hoạt động ổn định của toàn hệ thống. Hơn nữa, việc đảm bảo vận hành, bảo trì thiết bị và duy trì nguồn nhân lực CNTT cũng như việc mua phần mềm bản quyền là một trở ngại lớn cho DN. Đặc biệt, các khoản đầu tư càng khó khăn cho những DN mới thành lập. Các DN như thế có thể sử dụng những dịch vụ thuê ngoài từ hạ tầng cho đến các ứng dụng PM, chỉ trả chi phí đúng với dịch vụ họ cần.

Thời điểm được xem như công nghệ ĐTĐM mới vào Việt Nam là tháng 09/2008. Theo ông Tân, sau khi tìm hiểu, nhận thấy đây là xu thế, VNTT đã hợp tác với IBM, Cisco đầu tư xây dựng mô hình ĐTĐM tại VSIP 2. “Chúng tôi thấy mình thích hợp cho việc xây dựng mô hình dịch vụ này. Trên hệ thống, khách hàng có thể sử dụng ngay dịch vụ, thiết kế sử dụng với số lượng máy chủ, bộ xử lý, bộ nhớ tùy theo nhu cầu. Tất cả đều được tích hợp trên một cổng thông tin (portal) DN dựa trên nguồn tài nguyên có sẵn. Trong quá trình sử dụng nếu khách hàng cần nâng cấp hệ thống thì cũng dễ dàng”, ông Tân cho biết.

Đầu tư và tiềm năng

VNTT thiết kế, xây dựng TTDL theo chuẩn quốc tế Tier 3: TIA-942 về đảm bảo an ninh, vận hành liên tục, tối ưu hóa năng lượng sử dụng (TTDL xanh) nhằm cho thuê IaaS, SaaS; đầu tư khoảng 20 tỷ đồng cho hệ thống an ninh thông tin (ANTT), thực hiện nghiêm chính sách ANTT, chuẩn hóa và tuân thủ quy trình, áp dụng và thực hiện tốt tiêu chuẩn bảo mật quốc tế, cải tiến và ứng dụng công nghệ hiện đại.

VNTT được thành lập từ những cổ đông là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex IDC, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). VNTT là một trong những đơn vị đầu tiên làm việc với IBM về hệ thống ĐTĐM tại Việt Nam. Trong chiến lược phát triển, công ty đã hợp tác với các hãng PM nổi tiếng như Microsoft, SAP, Oracle nhằm mang lại những cam kết quốc tế trong việc cung cấp các dịch vụ SaaS.

Trong giai đoạn đầu (từ tháng 1/2009 đến 1/2011), VNTT đầu tư 60 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu dịch vụ CNTT cho các DN.

Lãnh đạo VNTT còn cho biết, trong số hơn 600 nhà đầu tư tại VSIP 2, có 95% DN nước ngoài là khách hàng tiềm năng của VNTT và hơn 30% DN nước ngoài đã sử dụng giải pháp ĐTĐM. Các DN nước ngoài rất quan tâm và hưởng ứng các dịch vụ này khi họ làm việc tại đây. Dự kiến, Công ty sẽ hoàn vốn trong 5 năm. VNTT sẽ tiếp tục mở rộng phục vụ các DN khác bên ngoài khu công nghiệp. Khi số DN sử dụng đạt trên 1.000, VNTT sẽ đầu tư giai đoạn 2.

Tập đoàn Thức ăn chăn nuôi De Hues (Hà Lan) tiếp cận công nghệ từ tập đoàn mẹ. Ngay khi sang Việt Nam, họ đã tìm hiểu và mạnh dạn thuê ngoài toàn bộ hạ tầng hệ thống thông tin của VNTT. Hiện, hạ tầng này đã được kết nối với Tập đoàn De Hues ở Hà Lan và các nhà máy tại Bến Cát (Bình Dương), An Lão (Hải Phòng). Nhà máy ở Đồng Nai đang trong giai đoạn xây dựng. De Hues đang chuẩn bị đưa vào sử dụng PM quản lý nhân sự (HR) và PM kế toán do VNTT cung cấp trên nền Web (SaaS).

Ông Tân nói, các DN nước ngoài đa phần đều đã biết và làm quen với dịch vụ ĐTĐM nên tại Việt Nam, họ cũng tin dùng và ứng dụng công nghệ này. Một số DN trong nước còn e ngại ứng dụng ĐTĐM thường là do thói quen, nếp nghĩ. Họ muốn bỏ tiền ra cho những sở hữu cụ thể (nhìn thấy được) và lo ngại bị đánh cắp, rò rỉ thông tin, sợ sự tấn công của virus, hacker… Lo lắng đó là có căn cứ và VNTT đã cam kết thực thi những chính sách bảo mật tốt nhất, chỉ có khách hàng có “chìa khóa” mới truy cập được vào hệ thống của mình qua mật khẩu dùng một lần trong một khoảng thời gian xác thực.

Ông Tân nhấn mạnh, với sự phát triển tiếp theo của Internet, xu hướng hội nhập và kinh doanh không biên giới, nền tảng ĐTĐM sẽ đáp ứng nhu cầu đầu tư tiết kiệm, mang lại hiệu quả. Trong tương lai, khi sử dụng PM quản lí của nước ngoài như Oracle, SAP, Microsoft, DN Việt Nam có thể thuê lưu trữ tại Việt Nam với chi phí rẻ. Hơn nữa, DN các nước trong khu vực cũng có thuê hạ tầng ĐTĐM tại Việt Nam.

( Theo PCW )