Người Việt có câu “qua cơn lận đận, mới hiểu tận lòng nhau”. Qua sự vụ đáng tiếc xảy ra ở Bình Dương, Vũng Áng… nhà đầu tư nước ngoài đã thực sự cảm kích trước sự chân thành của chính quyền Việt Nam – người bạn tin cậy, luôn kề vai sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn thách thức.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát Dự án Formosa. Ảnh: VGP/Nguyên Linh |
Vừa qua, một số phần tử đã lợi dụng tâm lý bất bình của nhân dân trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam để kích động công nhân có những hành động quá khích, gây thiệt hại cho một số nhà đầu tư Trung Quốc và Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tất cả những người Việt Nam chân chính đều kịch liệt phản đối những hành động phá hoại này.
Ngay khi vụ việc xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “khẩn trương thực hiện đồng bộ các biện pháp, chủ động và kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra và xử lý nghiêm khắc những người có hành vi kích động, manh động, vi phạm pháp luật”.
Cũng trong văn bản này, Thủ tướng yêu cầu phải “bảo đảm an ninh trật tự và an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của mọi người, mọi doanh nghiệp. Bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài”.
Đặc biệt, bên cạnh việc chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại (Văn bản số 207/TB-VPCP), Người đứng đầu Chính phủ còn cử 2 Phó Thủ tướng trực tiếp dẫn đầu 2 đoàn công tác đến thực địa, gặp gỡ trao đổi với đại diện các doanh nghiệp bị thiệt hại và chính quyền địa phương triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp nhanh chóng ổn định, sản xuất kinh doanh trở lại.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, bắt giữ, khởi tố hàng trăm đối tượng gây rối, nhanh chóng ổn định an ninh trật tự, đồng thời lãnh đạo các tỉnh cũng đã trực tiếp đến xin lỗi, bàn bạc với các đại diện doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục sự cố.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Chính vì vậy, chỉ sau ít ngày, hầu hết các doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh đã ổn định, hoạt động bình thường trở lại. Công trường Formosa lại rộn tiếng máy reo, trên các bến cảng Việt Nam vẫn nhộn nhịp các chuyến hàng xuất nhập khẩu.
Cảm kích trước sự vào cuộc trách nhiệm, chân thành, hiệu quả của Chính phủ và chính quyền địa phương, Chủ tịch hiệp hội đầu tư Nhật Bản tại Đồng Nai chia sẻ: Sự việc vừa qua tại Đồng Nai là sự cố đáng tiếc. Với sự vào cuộc nhanh chóng của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền tỉnh Đồng Nai, chúng tôi rất trân trọng và cảm kích. Chúng tôi sẽ bám nhà máy, khôi phục lại sản xuất và tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất.
“Cách đây 2 năm, Trung Quốc và Nhật Bản có những mâu thuẫn với nhau về biển, đảo và công nhân Trung Quốc đã có hành vi đập phá các doanh nghiệp của chúng tôi ở Trung Quốc. Thiệt hại của doanh nghiệp Nhật Bản lúc đó là rất lớn, nhưng chính quyền Trung Quốc không có lấy một lời xin lỗi và không có động thái nào giúp đỡ các doanh nghiệp của chúng tôi”, ông Chủ tịch hiệp hội cho hay.
Còn ông Kimio Yamaguchi – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, trao đổi với phóng viên TTXVN: Hiệp hội của chúng tôi thông tin cho các doanh nghiệp cũng như các chủ doanh nghiệp từ Nhật Bản sang Việt Nam công tác để họ yên tâm về tình hình của Việt Nam. Hiệp hội của chúng tôi mong muốn tiếp tục cùng với doanh nghiệp phát triển kinh doanh tại đất nước các bạn.
Các doanh nghiệp ở Bình Dương đã hoạt động ổn định trở lại. Ảnh VGP/Đỗ Cường |
Ông Lee Jong Hoe, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại-Công nghiệp Hàn Quốc tại TPHCM, bày tỏ: Chính quyền tỉnh Bình Dương trong sự cố vừa qua đã có những giải pháp khắc phục rất nhanh chóng. Nhờ vậy đa phần các doanh nghiệp Hàn Quốc đã nối lại sản xuất bình thường.
“Đây là tin rất vui nên chúng tôi thông báo ngay cho chính quyền và các bạn biết để thế giới biết đất nước Việt Nam vẫn ổn định, môi trường đầu tư tốt”, ông Lee Jong Hoe nói.
Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn khu công nghiệp Việt Hương (Khu công nghiệp có 80% là doanh nghiệp Đài Loan) cho biết: Hầu hết doanh nghiệp đã làm việc trở lại. Ông cũng cho hay, qua tiếp xúc 15 doanh nghiệp Đài Loan mới đây thì có 1/2 số doanh nghiệp sẽ khuếch trương sản xuất ở Bình Dương. Đồng thời hiện có 2 đoàn nhà đầu tư Đài Loan chuẩn bị sang khảo sát môi trường đầu tư ở tỉnh này.
Những gì đã xảy ra là điều hết sức đáng tiếc, nhưng lẽ đời, trên chặng đường dài đi tới đích thắng lợi, tất yếu phải nếm trải và vượt qua những thử thách và cả những biến cố không mong muốn. Có thể xem sự vụ này như một “chướng ngại” mà các doanh nghiệp nước ngoài cùng Chính phủ Việt Nam phải băng qua để tiếp tục đồng hành trên con đường rộng mở. Người Việt có câu “qua cơn lận đận, mới hiểu tận lòng nhau”, chính qua vụ việc này các doanh nghiệp nước ngoài càng cảm nhận được Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn là người bạn chân thành tin cậy, luôn kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp.
Theo Vietnamnet