Tư duy lại quản trị trong thời bất an

“Trước biến cố này, giới doanh nhân cần xác định thế đứng chủ động trong chiến lược chinh phục thị trường trong nước và vươn ra thế giới; nhất là phải đóng góp cho xã hội trong tư cách một trí thức – doanh nhân – công dân”. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Trung Nguyên, đã nói như thế trước gần 100 doanh nhân trong tọa đàm “Doanh nhân 2030 hướng về biển Đông” do Saigon Times Club và CLB Doanh nhân 2030 tổ chức tại trụ sở TBKTSG chiều 19-5-2014.

9a45b_toa_dam_2030
Quang cảnh buổi tọa đàm “Doanh nhân 2030 hướng về biển Đông” do Saigon Times Club và CLB Doanh nhân 2030 tổ chức chiều 19-5-2014.Ảnh: UYÊN VIỄN

Nhận diện “gã hàng xóm xấu tính”

Từ góc độ một chuyên gia nghiên cứu lịch sử, GS. Nguyễn Khắc Thuần, Viện trưởng Viện Châu Á học, kiến giải sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt hạ trên vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam là một sự kiện nằm trong hệ thống thực thi quan niệm bành trướng được hình thành từ thời TầnThủy Hoàng. Quan niệm bành trướng đó được xây trên ba nền tảng tư tưởng chính: chính sách viễn giao cận công (tức, trong đối ngoại, xa thì giao hảo, gần thì đánh), tiền Nam hậu Bắc (giải quyết phía Nam trước, khống chế phía Bắc sau) và tàm thực (tằm ăn dâu).

Và để giải quyết ba tư tưởng trên, Trung Quốc đưa ra một loạt quan điểm kỳ lạ để biện minh: nhất thể hóa biên giới quốc gia với biên giới dân tộc, nhất thể hóa biên giới quốc gia với biên giới tự nhiên và nhất thể hóa biên giới quốc gia với biên giới văn hóa.

“Nước Trung Quốc mạnh, nhưng tâm tính khác thường. Họ giỏi nhiều thứ nhưng có những thứ cơ bản nhất họ lại không biết hoặc cố tình không hiểu. Nhưng vấn đề của ta là chưa hiểu mình, hiểu người. Hãy xem sách giáo khoa chỉ nói về lãnh thổ đất liền mà không nói gì tới biển, cách mà chúng ta giáo dục lịch sử bao giờ cũng phiến diện sáo mòn khô khan khiến dân chúng không muốn tiếp cận lịch sử đất nước. Đồng thời, ta cũng không hiểu sự khó lường của anh láng giềng xấu tính để ứng phó chủ động. Trong khi đó, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ thủ đoạn, xưa thì họ gặm nhấm Việt Nam trên bộ, nhưng ở thời hiện đại, họ lại chuyển qua gặm nhấm trên biển”, GS. Thuần nói.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, thì từ ngàn xưa, Trung Quốc không chỉ gây sự với Việt Nam bằng gươm đao, quân sự, mà thường tiến hành liên tục những trận đánh lạ lùng trong kinh tế. Ví dụ trong thời Bắc thuộc, Trung Quốc nắm kinh tế Việt Nam nhưng chỉ quản lý hai thứ thiết yếu: muối và sắt. Nắm muối và sắt là nắm cả nền kinh tế thời đó.

Cần nhớ Trung Quốc rất hay kích động nội bộ Việt Nam lục đục để thế nước suy yếu hoặc mua chuộc đồng bào ít người, các nước chung quanh ta chống lại ta (như ngày nay đang tìm cách ly gián khối ASEAN). Còn phá hoại nông nghiệp, thì từ thời Tống, đã có chuyện triều đình Trung Quốc không cho dân chúng nước mình xuất khẩu bò cái sang nước khác, trong khi đó, họ sang Việt Nam mua móng bò cái… với mục đích phá hỏng nền nông nghiệp (rất giống với hiện nay, họ ráo riết cho thu mua lá điều, rễ tiêu…).

Sao lục từ những luận chứng trong sách sử, GS. Thuần rút ra kết luận: “Làm ăn với Trung Quốc phải luôn thận trọng”.

“Thua hai hiệp trên sân nhà”

Đứng từ góc độ kinh tế, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Trung Nguyên, cho rằng: “Cho đến nay, chỉ có Trung Quốc cản trở Việt Nam phát triển chứ thế giới chẳng ai ngăn cản cả. Cho dù đôi khi ta vẫn thấy Mỹ hay một số quốc gia lớn khác vẫn muốn chúng ta phát triển theo cách của họ. Nhưng những lúc như thế, Trung Quốc lại gây náo loạn cả lên. Cần nhận thức vấn đề không còn là tương quan giữa Trung Quốc với Việt Nam mà là Trung Quốc với toàn cầu, chúng ta với thế giới”.

Cũng nói về câu chuyện độc lập và sự chủ động trong kinh doanh, từ trải nghiệm của một người đầu tư trực tiếp từ trước năm 1975, ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Việt Hương – Bình Dương, cho biết mình vừa trải qua những ngày căng thẳng nhất do tác động của tình hình thời sự trên biển Đông.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo ông, cái bất ổn và bất bình thường nhất nằm sâu trong một đời sống kinh tế còn lệ thuộc. Ở đây, đơn cử là câu chuyện lệ thuộc nguồn nguyên phụ liệu của Trung Quốc.“Đừng nói nhập siêu, xuất siêu mơ hồ. Mà nên cụ thể hóa: nhập siêu là nhập của Trung Quốc, xuất siêu là xuất qua Mỹ. Trên bình diện kinh tế mà nói, chuyện nhập, tạo ra sản phẩm và bán ra là một con đường đi rất bình thường.

Nhưng với Việt Nam lại bất bình thường. Tôi lấy ví dụ trong lĩnh vực may mặc, cái ngành xuất khẩu mũi nhọn đạt từ 18-20 tỉ đô la Mỹ/năm(*) nhưng 70% nguyên phụ liệu Việt Nam lấy từ Trung Quốc, chúng ta chỉ còn 30%, trong đó chúng ta phải chịu thuế má, công nhân, mặt bằng, điện nước,… đủ thứ chi phí sản xuất. Trong khi chúng ta hoàn toàn đủ tư cách, bản lĩnh, tiềm lực về nguyên phụ liệu. Nhưng tại sao chúng ta bỏ lỡ 70% đó?”.

Ông Chi tự lý giải bằng ba nguyên nhân: chính sách cho việc phát triển nguyên phụ liệu còn quá dè dặt, cơ sở kỹ thuật lỗi và chính sách hỗ trợ vốn, ưu đãi cho các xí nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều bất hợp lý… “Chúng ta thua trên sân nhà không phải với những sản phẩm cao siêu, mà ở những sản phẩm rất thông dụng. Không phải chỉ thua một hiệp (là nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc), mà khi hoàn tất đàm phán TTP, chúng ta sẽ phải gián tiếp mua nguồn nguyên phụ liệu thông qua các quốc gia, vùng lãnh thổ theo thỏa ước đặt ra. Nguy cơ tiếp tục thua hiệp hai trên sân nhà rất cao”.

Tư duy lại quản trị trong thời bất an

Kéo gần hơn với hơi thở thời sự của vụ việc công nhân biểu tình quá khích tại Bình Dương, Hà Tĩnh, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nguyên liệu Sài Sòn – SFC, một doanh nhân sinh năm 1972, nói: “Tôi coi như lớn lên trong thời bình, không có ký ức về chiến tranh. Nhưng suốt những ngày qua, tôi đã nghĩ tới chiến tranh và bất ổn, từ đó, nhìn lại mình, tìm giải pháp quản trị mới”.

Từ góc độ quản trị thông tin, theo ông Quỳnh, kiến thức của người dân, doanh nhân về vấn đề chủ quyền biển đảo đã hạn chế, hiểu biết thực tế còn hạn chế hơn. Vì vậy, điều mà ông sẽ làm ở công ty của mình đó là tổ chức những buổi nói chuyện về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Bên cạnh đó, những lúc này, theo ông Quỳnh, nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn tới đời sống, nguyện vọng, chăm sóc tốt hơn cho người công nhân, nhân viên của mình. “Bấy lâu nay, công ty tôi có 300 nhân viên, nhưng tôi không trả lời được bao nhiêu người đang ở nhà trọ, cuộc sống của họ ra sao. Sự việc xảy ra ở Bình Dương, tôi nghĩ như một sự thức tỉnh đối với chủ doanh nghiệp trong việc phát huy vai trò công đoàn, chăm lo kỹ hơn, thấu hiểu và hỗ trợ nhiều hơn cho đời sống của người lao động”, ông Quỳnh nói.

Trước diễn biến thời sự rất xấu thời gian qua, cũng có doanh nghiệp chia sẻ rằng họ phải tìm cách gạt cảm xúc riêng để ổn định tinh thần người lao động. “Tôi nói với nhân viên của mình rằng, đó chỉ là những cuộc đụng độ với nhau bằng vòi phun nước trên biển, đừng lo lắng gì, việc của anh chị là phải bán hàng cho thật tốt!”.

Một chuyện liên quan, gần đây nhiều người đặt vấn đề thay thế hàng tiêu dùng Trung Quốc bằng hàng Việt Nam, theo nữ doanh nhân trẻ Việt Hòa: “Điều tiên quyết là hàng Việt Nam phải đảm bảo chất lượng. Muốn thế, chúng ta không chỉ có trách nhiệm với sản phẩm mà còn có trách nhiệm đối tác với nhau”.

Bà Hòa cũng nêu ra thực tế gần đây trong tình hình đời sống nhiều bất an, nguồn tiền bạc, nhân lực Việt Nam chảy ra nước ngoài ồ ạt. Bà đặt thẳng câu hỏi, liệu doanh nhân có nhất thiết phải trốn chạy khỏi đất nước mình như thế không? GS. Nguyễn Khắc Thuần cho rằng, điều đó phản ánh sự bất an của xã hội. Ông nhắc lại câu chuyện ông Mạc Cửu, một thương gia người Hoa đã khai sinh vùng Hà Tiên (Kiên Giang) khoảng đầu thế kỷ 18, nổi tiếng với quan niệm kinh doanh chính là “làm cho tiền đẻ ra tiền”, nhưng điều đó nhất thiết xây dựng trên nền tảng “người sống với người, con người bảo vệ con người”.

Vấn đề đó không dừng ở quản trị doanh nghiệp hay quan điểm kinh doanh thuần túy, mà chắc chắn còn là ẩn dụ về đối sách quản trị quốc gia hướng đến tính bền vững, nhất là trong bối cảnh vận mệnh đất nước đứng trước nhiều thách thức như hiện nay.

Khôi phục lại niềm tin quan trọng hơn đền bù

Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư thương mại SMC:

– Sự việc những ngày qua ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của giới doanh nhân trong nước và nước ngoài. Sự thiệt hại trong kinh doanh ở một số doanh nghiệp đã nhìn thấy rất rõ, nhà máy của doanh nghiệp này bị công nhân biểu tình kích động đập phá, tạm dừng hoạt động chắc chắn sẽ tác động dây chuyền đến những doanh nghiệp khác. Đơn cử như khu vực dự án của Formosa ở Hà Tĩnh bị một số đối tượng quậy phá làm ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng của công ty. 3.000 tấn thép chở từ phía Nam ra đã phải lưu kho, làm phát sinh thêm một khoản chi phí 540 triệu đồng. Đó là chưa kể những thiệt hại chưa thể tính vì số hợp đồng gia công cho các đơn vị khác do chưa thể giao hàng nên nhà máy phải giảm sản xuất…

Đừng chỉ nói đến thiệt hại về vật chất. Thiệt hại về tinh thần lớn hơn rất nhiều. Điều tôi lo ngại nhất là sẽ có sự trì trệ trong kinh doanh khi niềm tin của giới này đã bị tổn thương. Các nhà đầu tư nước ngoài đã từng tin Việt Nam là nơi ổn định, sự việc vừa qua cho họ cảm giác không phải như vậy. Một số doanh nhân người Đài Loan và Trung Quốc mà tôi biết họ đã bỏ nhà máy bay về nước.

Các quan chức địa phương và Chính phủ đã nói sẽ hỗ trợ phần nào thiệt hại cho doanh nghiệp. Nói thế thôi, chứ bù được bao nhiêu? Cái quan trọng lúc này là phải làm điều gì đó để lấy lại niềm tin vốn là thứ đã không dễ giữ gìn. Hãy gia cố cho những niềm tin đã tồn tại và khôi phục lại niềm tin đã mất!

Chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào

Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Công ty cổ phần May Sài Gòn 3:

– Đứng ở góc độ kinh doanh của ngành dệt may có thể thấy các doanh nghiệp Trung Quốc cần cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp may mặc Việt Nam vốn đang là nhà sản xuất hàng may mặc lớn trên thế giới. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần họ.

Trước mắt, có thể không cần quá lo về những ảnh hưởng có thể xảy ra giữa hai bên về mặt kinh doanh. Dù vậy, doanh nghiệp may mặc cũng phải tìm nguồn cung để cân đối và đảm bảo sự ổn định. Đề phòng trường hợp, nếu một nguồn cung tăng giá, doanh nghiệp vẫn có nguồn cung khác để thay thế. Ngoài ra, hiện doanh nghiệp dệt may cũng đang tập trung phát triển thêm nguồn cung nguyên liệu trong nội địa để tận dụng các hiệp định thương mại sắp tới, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc đa dạng nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phải là chuyện cần làm từ trước, chứ không phải đến thời điểm này.

Hiện nguồn cung nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc chiếm khoảng 30% trong tổng nguồn cung nguyên liệu cho Sài Gòn 3, còn lại là từ Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam. Từ mấy năm trước, chúng tôi đã tìm các nguồn cung thay thế từ ASEAN để tận dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, theo hiệp định thương mại đa phương ASEAN-Nhật Bản, và hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản.

Biết là phụ thuộc, nhưng… !

Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát:

– Hành động của một nhóm người lợi dụng các cuộc biểu tình của công nhân đòi Trung Quốc rút giàn khoan để đập phá đã gây ra thương tổn cho một số doanh nghiệp. Chúng tôi may mắn vì khách hàng đã thông cảm và đồng ý cho công ty dời thời hạn giao hàng thêm vài ngày. Hiện công ty đang tăng cường sản xuất để kịp hoàn thành các đơn hàng.

Có lo lắng cho những ngày tới không? Có rủi ro về nguồn nguyên liệu đầu vào không? Tôi thấy chưa thể nói gì vào lúc này, bởi lẽ, đặc thù của ngành sản xuất như chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào khách hàng. Các công ty đặt gia công của các nước trong ngành may mặc, da giày đều tìm đến Trung Quốc và đặt văn phòng đại diện tại đây. Khi đặt hàng, họ chỉ định luôn nguồn nguyên liệu và thường là từ Trung Quốc. Việc phát triển mẫu cũng dựa trên nền tảng là mẫu hàng tại Trung Quốc.

Biết là phụ thuộc, nhưng… biết làm sao!