Những nền kinh tế “tí hon”

Kinh tế của các “tiểu quốc” cho thấy một góc nhìn khác về tăng trưởng và mô hình tăng trưởng trong tác động qua lại của toàn cầu hóa.

Quốc đảo Namru
Quốc đảo Namru

Trong 5 năm qua, tăng trưởng ở các nước phát triển đã chậm lại. Từ 1990-2007, các nước có thu nhập cao, GDP tăng khoảng 2,3% mỗi năm. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến năm 2013, tăng trưởng bình quân chỉ 2%. Vấn đề tương tự cũng xảy ra đối với các “tiểu quốc gia”. Đây là những quốc gia có ít hơn 1,5 triệu người, tổng cộng có khoảng 29 triệu dân ở 48 nước kiểu này, theo phân loại của Ngân hàng Thế giới.

Trong 5 năm qua, GDP bình quân đầu người ở các nước này đã giảm 2,3%. Mặc dù quần đảo Marshall (quốc gia thuộc quần đảo Micronesia, ở châu Đại Dương) đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng bình quân 8%, nhưng St Kitts và Nevis (Saint Kitts và hòn đảo láng giềng Nevis tạo thành đảo quốc Saint Kitts và Nevis, phía Tây của đảo là biển Caribe, và phía Đông là Đại Tây Dương) lại giảm 12%, còn Antigua và Barbuda (một đảo thuộc quần đảo Leeward nằm ở West Indies trong biển Caribe, là một trong hai đảo chính tạo thành quốc gia Antigua và Barbuda) giảm 21%.

Báo cáo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải thích lý do kinh tế của những hòn đảo nhỏ này suy yếu trong những năm gần đây. Có hai vấn đề nổi bật. Đầu tiên là quy mô nhỏ bé khiến các dịch vụ đắt đỏ mà không đạt tiêu chuẩn. Thứ hai, hoạt động thương mại thường khó khăn hơn đối với các quốc gia nhỏ, bị cô lập.

Chẳng hạn, Kiribati (một quốc đảo 100.000 dân, ở giữa Thái Bình Dương, 5 giờ bay từ Hawaii) có chi phí cố định kinh doanh rất cao, khiến hàng hóa xuất nhập từ đây có chi phí tăng vọt. Kiribati là quốc gia duy nhất trên thế giới nằm ở cả hai bên kinh tuyến 180 của Trái đất. Đây cũng là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hai vấn đề này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Từ năm 2007 đến 2011, theo IMF, chi tiêu chính phủ so với GDP tại các nước nhỏ cao hơn 9% so với các nước lớn hơn. Mức chi này gây ra áp lực nợ công, có thể dẫn đến tăng trưởng thấp hơn. Mặt khác, các quốc gia nhỏ thường tập trung xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ duy nhất nên rất khó khăn trong việc mở rộng và đa dạng hoá thị trường. Nếu không có sự đa dạng hóa xuất khẩu, các quốc gia như vậy sẽ dễ bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế.

Các hòn đảo nhỏ bé Nauru (diện tích 21km2, ngoài Thái Bình Dương và có dân số 10 ngàn người) là rủi ro điển hình khi chỉ tập trung vào một mặt hàng duy nhất. Phân lân trở thành nền tảng của nền kinh tế Nauru từ năm 1906 khi hòn đảo này là thuộc địa của Đức. Phân lân được xuất khẩu chính sang Úc và New Zealand, những quốc gia cần cải tạo đất cằn cỗi cho sản xuất nông nghiệp. Những mỏ phân lân đã khiến Nauru trở nên giàu có và thu nhập bình quân đầu người của quốc gia này xếp hạng cao nhất khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên, mỏ phân lân cũng phá hủy nghiêm trọng môi trường Nauru. Nguồn phân lân đang cạn kiệt và được dự báo sẽ chỉ còn khai thác được trong vòng 5 năm.

Theo IMF, trong khoảng thời gian 1980 – 2010, các nền kinh tế nhỏ chỉ tăng chậm hơn một chút (0,7% một năm) so với các nước lớn hơn. Nhưng sau năm 2000 mọi thứ trở nên tồi tệ. Đặc biệt, trong những năm 2000, các quốc gia nhỏ ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với các thị trường tài chính toàn cầu, và do đó bị ảnh hưởng nặng trong thời kinh tế suy thoái.

Trong những năm 2000, du lịch tại các đảo quốc nói trên bùng nổ với doanh thu từ du lịch tăng 50% từ năm 1995 đến năm 2008. Tuy nhiên, sau năm 2008, thị trường du lịch thế giới giảm 10%. Đối với các quốc gia nhỏ, doanh thu du lịch chiếm khoảng 25% tổng thu nhập, sự suy giảm này gây thiệt hại rất lớn.

Bên cạnh đó, những cải cách chính sách gần đây của EU đã gây khó khăn cho nhiều tiểu quốc đảo vốn phụ thuộc vào xuất khẩu đường và chuối. Ví dụ năm 2005, Liên minh Châu Âu đã giảm giá 36% đối với đường thô, theo từng giai đoạn trong vòng 4 năm. Kinh tế Mauritius, đảo quốc ở vùng Đông Nam Ấn Độ Dương và cách phía Đông Madagasca 900 km, cách quần đảo Réunion thuộc Pháp 200km, trong năm 1970 đã gần như hoàn toàn phụ thuộc vào đường. Cây mía chiếm 90% diện tích đất canh tác cũng như 45% diện tích của hòn đảo được dành để trồng mía.

Tuy nhiên, nền kinh tế được xếp hạng “tự do nhất thế giới” đã phát triển mạnh mẽ nhờ đầu tư vào khu chế xuất. GDP đầu người của đảo quốc 1,3 triệu dân này năm 2013 đạt hơn 9,2 ngàn USD. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Mauritius là 2,788 tỷ USD với các mặt hàng xuất khẩu chính gồm dệt may, đường, hoa cắt, đường mật, cá…

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mauritius, theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, lượng vốn FDI vào quốc đảo đã tăng 11% năm 2013, đạt 1,46 tỷ USD. Dự báo năm 2014, con số này ước đạt 1,6 tỷ USD.

Theo DNSG