Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài và hết sức khó khăn, gian khổ thể hiện tầm nhìn và ý chí của lãnh đạo mong muốn đưa doanh nghiệp đến tầm cao mới và những bước phát triển vững chắc hơn phù hợp với thời đại số mà chúng ta đang và sẽ sống.
Vì sao cần chiến lược
Chuyển đổi số thực chất nó là một cuộc tái cấu trúc lớn, vì vậy doanh nghiệp cần vạch ra cho mình con đường đi liên tục, không chỉ một mà có thể cần nhiều đường, nhiều phương tiện để có thể cùng đưa doanh nghiệp tới đích, đó chính là “chiến lược chuyển đổi số”.
Cùng một lúc, doanh nghiệp sẽ có những đòi hỏi phải củng cố lại phạm vi hoạt động, tiến hành những thay đổi cải cách lớn trong việc quản lý và điều hành là phần cơ bản nhất của “chuyển đổi số” trong khi vẫn phải vật lộn với những vấn đề tài chính, phát triển kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển thương hiệu là những công việc thường xuyên của doanh nghiệp.
Để đáp ứng với những yêu cầu đòi hỏi mới, doanh nghiệp thường sẽ phải thay đổi quy trình, điều chỉnh cơ cấu các hoạt động, có khi cả cơ cấu thể chế, từ đó dẫn tới sự điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy và cơ cấu các nguồn lực nhằm phù hợp với hoàn cảnh và môi trường mới đồng thời tối đa hóa hiệu quả hoạt động.
Nếu không có chiến lược, chúng ta có thể gặp phải những sai lầm lớn trong quá trình tái cấu trúc như việc coi mục tiêu là ngắn hạn, chỉ cần đầu tư công nghệ và điều chỉnh nhân sự… thay vì xác định mục tiêu chiến lược lâu dài. Điều đó sẽ dẫn tới những hoạt động thiếu trọng tâm, mò mẫm vì mục tiêu và đường đi chưa rõ ràng (gọi là đi từng bước nhưng chưa chuẩn bị cho bước tiếp theo) hoặc cố sức cắt giảm chi phí nhằm cứu vãn hoạt động không hiệu quả…
Hình mẫu chiến lược
Chúng ta hãy lấy chiến lược chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta 1954-1975 là một chiến lược điển hình và làm mẫu để xây dựng các chiến lược của doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
- Tầm nhìn: “Hòa bình chúng ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
- Mục tiêu đồng thời là sứ mệnh: “Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước”. Anh bộ đội Cụ Hồ sẽ luôn luôn đeo sứ mệnh trên vai là niềm tự hào, vượt qua mọi gian khổ hy sinh để đạt được mục tiêu.
- Giá trị cốt lõi: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
- Lợi thế chiến lược: Lòng quyết tâm sắt đá, dân tộc Việt Nam quyết không sợ… “sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi”
Để đảm bảo đạt mục tiêu, Đảng ta đã vạch ra cùng một lúc 3 chiến lược lớn, đó là chiến lược trường kỳ kháng chiến là chiến lược chính và bất di bất dịch, chiến lược đường Hồ Chí Minh và chiến lược trên biển. Chiến lược là con đường đi được vạch ra, hoạch định để tới được đích (mục tiêu) và thường là không bao giờ bằng phẳng.
Mục tiêu chiến lược là điểm đến quan trọng nhất mà chúng ta luôn phải hướng tới, nhiều khi phải chấp nhận một số hy sinh mất mát nào đó, như “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng có thể bị tàn phá, song chúng ta quyết không sợ”.
Chiến lược Chuyển đổi số
Để xác định chiến lược Chuyển đổi số, doanh nghiệp cần xác định những yếu tố cơ bản sau đây:
- Tầm nhìn: Ước mơ, hoài bão xa vời của lãnh đạo hằng mong muốn đạt được.
- Sứ mệnh: Lý do cao cả để doanh nghiệp tồn tại hiện nay và trong tương lai.
- Giá trị cốt lõi: Giá trị cơ bản của doanh nghiệp mà không thể mang ra để trao đổi.
- Mục tiêu chiến lược: Mục tiêu cụ thể sẽ được xác định tùy theo đặc trưng và yêu cầu của doanh nghiệp (ví dụ: doanh nghiệp số, dẫn đầu trong lĩnh vực x…).
- Lợi thế chiến lược: Doanh nghiệp cần tìm ra lợi thế đặc biệt của mình cho chiến lược đã định.
Điều cơ bản là chúng ta cần hiểu rõ lộ trình của quá trình chuyển đổi số, dựa vào đó doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến lược phù hợp nhất cho chính mình. Chuyên gia tư vấn chiến lược có thể giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược và lộ trình thực hiện một cách bài bản và phù hợp với doanh nghiệp nhất.
Để đạt được mục tiêu “chuyển đổi số” chúng ta cần vạch ra một số chiến lược cơ bản song hành như “tái cấu trúc thể chế”, “chiến lược tái cấu trúc kinh doanh”, “chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin”… Tất cả đều cùng hướng tới mục tiêu đã định và chúng ta thấy rõ rằng chuyển đổi số sẽ tác động toàn diện tới các hoạt động kinh doanh.
Nhưng cũng như trên đã nói, nhiều khi doanh nghiệp vẫn phải chịu một số hi sinh, mất mát nào đó để đạt được mục tiêu cuối cùng, có điều cần phải tìm cách giảm thiểu những tổn thất không đáng có.
Kế hoạch tổng thể
Kế hoạch tổng thể (master plan) có thể vạch ra các cột (điểm) mốc cần phải trải qua từng bước để đạt tới mục tiêu cuối cùng. Cột mốc (milestone) là điểm được đánh dấu quan trọng trong hành trình đi đến mục tiêu. Cột mốc có thể là mốc về thời gian nhưng người ta thường coi mốc đánh dấu nhiệm vụ hoặc khối lượng công việc quan trọng phải hoàn thành làm cột mốc. Như vậy cột mốc có thể phụ thuộc hoặc không phụ thuộc vào mốc thời gian.
Ở mỗi giai đoạn nhất định, chúng ta cần lập kế hoạch thực hiện một số dự án cụ thể và những chương trình hành động kèm theo bao gồm những phần việc cơ bản nhằm đạt được từng cột mốc như trên.
Chúng ta có thể sử dụng biểu đồ “xương cá” để xây dựng kế hoạch tổng thể mà ở đó mỗi cột mốc được “vun đắp” bởi ít nhất 2 mũi “tấn công” và mỗi cột mốc sau sẽ phải càng tiến đến gần mục tiêu cuối cùng hơn.
Đánh giá kết quả
Mức độ trưởng thành
Doanh nghiệp có thể đánh giá mức độ thành công của chiến lược bằng các bậc thang trưởng thành từ 1* đến 5* như trên mô hình các mức độ trưởng thành (maturity) theo hình mẫu trên đây. Chúng ta có thể xác định mỗi cột mốc ở một vị trí nào đó trên các bậc thang trưởng thành, có thể “xê dịch” tùy theo điều kiện thực tế và ý chí của lãnh đạo.
Trước tiên chúng ta cần xác định vị trí hiện tại, doanh nghiệp đang ở đâu, đứng ở vị trí nào trên các “bậc thang” đó và từng bước đi tiếp tục sẽ như thế nào, trải qua những cột mốc nào để tới được đích.
Như vậy chúng ta có thể tổng kết đánh giá mức độ thành công và những vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai chiến lược chuyển đổi số một cách dễ dàng, có khoa học để từ đó rút kinh nghiệm cho những mốc tiếp theo.
Chỉ số sức khỏe doanh nghiệp
Là một kết quả tổng hợp bởi nhiều chỉ số đo đạc các hoạt động cơ bản của doanh nghiệp như:
- Doanh thu
- Sự hài lòng và trải nghiệm của khách hàng
- Đội ngũ
- Ngân sách, dòng tiền
- Lãnh đạo, quản trị
- Lợi nhuận
- …
Các chỉ số được đánh giá theo phương pháp quy về thang điểm nhất định như điểm 0-10 hoặc 0-100% để tạo nên “biểu đồ mạng nhện” (biểu đồ radar) cho từng giai đoạn hoặc từng cột mốc. Từ đó chúng ta có thể theo dõi sự “tiến bộ” hoặc thay đổi sau mỗi cột mốc nhất định.
Định vị chiến lược
Nói đến chuyển đổi số, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thường nghĩ tới CNTT và giao cho trưởng phòng IT phụ trách. Nhưng thực ra không phải vậy, yếu tố con người mới chính là yếu tố quyết định sự thành bại của quá trình chuyển đổi số trong đó ý chí quyết tâm và cam kết của lãnh đạo là mấu chốt của mọi chiến lược.
Trong thời đại số, nhiều doanh nghiệp mạnh cũng có thể đang trên đà suy thoái, nhưng lại khó lòng nhìn thấy phân khúc tiềm năng mới nếu không có sự thay đổi cơ bản về nhãn quan. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp loại bỏ những rào cản về nhiều mặt từ khoảng cách địa lý cho tới sự hoài nghi trước những điều chưa từng có. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thay đổi hệ giá trị và giúp doanh nghiệp tìm ra những “sân chơi” và “lối chơi” mới.
Hơn ai hết, lãnh đạo là người xác định rõ tầm nhìn chiến lược, có thể với sự trợ giúp của một số chuyên gia, cố vấn xây dựng nên chiến lược chuyển đổi số một cách bài bản cho doanh nghiệp mình. Lãnh đạo cũng là người xây dựng nền văn hóa mới, đó là văn hóa chuyển đổi số, nền văn hóa thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, ủy quyền và chia sẻ… có thể là khác lạ nhưng hoàn toàn cần thiết cho thời đại mới.
Lê Ngọc Quang