Chuyển đổi số như thế nào?

Nói đến “chuyển đôi số” nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nghĩ đến việc tìm kiếm và triển khai thật nhiều ứng dụng CNTT với hi vọng sẽ có bước nhảy vọt hoặc chí ít cũng mang đến hiệu quả bất ngờ. Thế nhưng thực chất chỉ là bức tranh đẹp mà không thể nhìn thấy trên đời thực được nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Bức tranh đẹp được vẽ ra với một tương lai xán lạn để làm đích cho bạn hướng tới, nhưng nếu bạn tìm được đường đi để biến bức tranh đó thành hiện thực thì nó cũng đầy chông gai, dù sao như vậy cũng là hạnh phúc rồi, bằng không nếu bạn lạc vào mê cung thì ngay cả con đường chông gai kia cũng sẽ không thể tìm thấy được.

Chuyển đổi số là gì?

Chuyển đổi số (digtal transformation), theo cách nhìn tổng thể, là những bước chuyển đổi mà ở đó công nghệ số giúp cho tổ chức giải quyết những vấn đề trong quá trình hoạt động một cách toàn diện, có nghĩa là các giải pháp số sẽ thay thế cho những cách làm truyền thống.

Chuyển đổi số nó có tác động lan tỏa rộng rãi lên toàn xã hội bởi sự phụ thuộc tương hỗ giữa các cá nhân và tổ chức và thường sự lan tỏa này rất nhanh khiến người không tham gia sẽ bị lạc lõng và bị tụt hậu hoặc đánh bật nhanh chóng.

Đặc trưng của thời đại ngày nay là “cá nhanh nuốt cá chậm” thì “cá to mà chậm” vẫn có thể bị “cá bé mà nhanh” nuốt trôi một cách dễ dàng. Để tồn tại và vượt lên, bạn buộc phải là “cá nhanh” mà ở đó “chuyển đổi số” là vũ khí sắc bén và “huyệt đạo” cơ bản giúp bạn trở thành “cá nhanh” và chiến thắng.

Như vậy chuyển đổi số không còn là trào lưu mà là vòng cuốn tất yếu của lịch sử. Điều này không có nghĩa là bạn cứ đứng yên để vòng cuốn sẽ lôi bạn đi theo, thực chất là nếu bạn không khéo thì sẽ bị văng ra khỏi vòng cuốn và cuối cùng vẫn theo luật tự nhiên là “số người thất bại luôn nhiều hơn số người thành công”.

Rủi ro chuyển đổi số

Thật sai lầm nếu bạn coi “chuyển đổi số” đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hoặc ứng dụng thật nhiều CNTT, khi đó bạn sẽ phải đương đầu với rất nhiều rủi ro, không những không mang đến hiệu quả mà doanh nghiệp còn có thể đắm chìm vào những xung đột và đổ vỡ không đáng có.

Không đồng bộ

Hiện nay đang có vô vàn những ứng dụng công nghệ thông tin, nếu doanh nghiệp đầu tư theo cảm hứng hoặc chỉ nghe theo tư vấn của các nhà cung cấp thì ban đầu có vẻ như cái gì cũng hay, cũng tốt và phù hợp, nhưng đến khi sử dụng thì không phải như vậy.

Các ứng dụng rời rạc nếu không thể kết nối hoặc trao đổi thông tin với nhau có thể vẫn hoạt động và giải quyết các công việc cục bộ được nhưng nhiều khi lại là rào cản cho công tác quản trị hoặc cho những bước phát triển tiếp theo.

Thêm vào đó đội ngũ nhân sự các cấp chưa sẵn sàng, chưa đủ nhận thức cũng như các quy trình hoạt động của doanh nghiệp chưa đảm bảo cho quá trình liên thông dữ liệu đều là những sự không đồng bộ gây nhiều khó khăn trong công cuộc “chuyển đổi số”.

Đánh trống bỏ dùi

Văn hóa doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Với những phong cách cũ thường gặp như “phát động phong trào” hoặc “hô khẩu hiệu” rồi sau đó đâu lại vào đấy hoặc lại lan man sang những vấn đề hoặc mục tiêu khác… thì doanh nghiệp sẽ khó lòng đạt được mục tiêu cần thiết.

Trong khi đó lãnh đạo chưa có đầy đủ thông tin và định hướng một cách rõ ràng, những dự án đề ra có thể không có đích cụ thể, không có giới hạn hoặc mô tả rõ ràng thường dẫn tới sự phát sinh liên tục và dẫn đến miên man có thể gây nên sự chán nản ở nhiều phía rồi đến sự bỏ cuộc.

Một khi doanh nghiệp chưa có đủ sự chuẩn bị sẵn sàng cũng như nhận thức của con người và quy trình chưa theo kịp thời đại số cùng với sự quyết tâm và cam kết của lãnh đạo thì việc “đánh trống bỏ dùi” luôn luôn có cơ hội xảy ra.

Chi phí quá sức chịu đựng

Các ứng dụng CNTT thì rất nhiều và thường không hề rẻ, thêm vào đó chi phí triển khai và các phát sinh khác có thể lên rất nhiều. Đa số các dự án ứng dụng CNTT đều là “đắt đỏ” so với mọi cỡ của doanh nghiệp, bất kể là lớn hay nhỏ.

Những chi phí này đều ở mức “phải gắng gượng”, “đã khó lại càng khó”… đối với mọi doanh nghiệp và nếu chạy theo công nghệ, không được kiểm soát thì nhiều khi dẫn tới mức độ quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Bắt đầu từ đâu?

Doanh nghiệp nên bắt đầu ngay bằng việc xây dựng chiến lược “chuyển đổi số” và thiết lập một kế hoạch tổng thể (master plan) dài hạn để có một bức tranh toàn cảnh cho tương lại và hoạch định mục tiêu và con đường đi rõ ràng, đồng thời với việc lên kế hoạch ngân sách để chuẩn bị cho các bước đường mới.

Sau đó doanh nghiệp cần nhanh chóng bắt tay ngay vào công việc tái cấu trúc, chuẩn bị cho đội ngũ nhân sự, các cơ chế, quy trình và xây dựng một mô hình quản trị sẵn sàng và phù hợp với thời đại số. Đây thường là một bước khá gian nan vì doanh nghiệp phải vượt qua vô vàn rảo cản của chính mình. Đế khi doanh nghiệp ở vị trí tương đối sẵn sàng thì chuyển đổi số mới có thể có cơ hội được triển khai suôn sẻ.

Quá trình chuyển đổi số sẽ luôn bắt đầu từ việc Số hóa nghĩa là dữ liệu hóa bao gồm cả việc chuyển đổi những tài liệu cũ (analog như giấy tờ, băng hình…) sang dạng số (digital), thiết lập hệ thống dữ liệu và xử lý dữ liệu tiến tới việc quản trị số, tăng hiệu quả kinh doanh, nhưng vẫn hoàn toàn dựa trên mô hình kinh doanh truyền thống.

Tiếp theo là giai đoạn Công nghệ số, ở đây doanh nghiệp dùng các ứng dụng công nghệ để xử lý và trao đổi dữ liệu trong nội bộ và với các đối tác, tăng cường sự kết nối đã có sự tham gia đa chiều, tạo nên tốc độ phản ứng cực nhanh, doanh nghiệp bắt đầu phải có sự thay đổi về mô hình sao cho phù hợp với trình độ phát triển mới.

Sau đó giai đoạn Chuyển đổi số đích thực mới có thể được tiến hành, ở đó các công nghệ tiên tiến của thời đại 4.0 mới có cơ hội được tung hoành rộng khắp trên toàn doanh nghiệp, với sự kết nối đa phương toàn diện. Lúc này doanh nghiệp sẽ tự động chuyển đổi mô hình trong một hệ sinh thái hoàn toàn mới và khách hàng sẽ được trải nghiệm những dịch vụ ở mức độ thâm sâu nhất.

Chuyển đổi số thực sự là một trong những cuộc cách mạng lớn của thời đại, đang tác động cực kỳ mạnh tới toàn xã hội bao gồm tất cả các loại hình doanh nghiệp cũng như khách hàng. Muốn hay không muốn, các doanh nghiệp phải trải qua một cuộc tái cấu trúc cơ bản để có thể bước chân vào cuộc cách mạng vĩ đại này nếu không muốn bị thải loại.

Lê Ngọc Quang