Ai cũng lạc quan còn DN chưa hết lo sợ

Nhiều doanh nghiệp đã vạch ra kế hoạch kinh doanh cho năm mới với sự thận trọng dù 2014 được xem là bắt đầu cho thời kỳ tăng tăng mới. Dường như, khi rất nhiều nhận định từ chuyên gia tới các cơ quan quan lý đều rất lạc quan thì các DN vẫn chưa hết lo sợ sau những năm dài bầm dập vì khó khăn.

Thận trọng vì lo sợ

Công ty Cổ phần Vật tư Xăng Dầu – Comeco (COM) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2014. Theo đó, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 5.500 tỷ đồng và 28 tỷ đồng, tăng 5,2% và 9,7% so với kết quả thực hiện 2013.

Đây là kế hoạch được HĐQT của Comeco thông qua, thông báo lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và sẽ chờ ĐHCĐ thông qua trong mùa đại hội vào khoảng tháng 3-4 tới.

Trong năm 2013, COM đặt kế hoạch 5.100 tỷ doanh thu, 25 tỷ lợi nhuận sau thuế và kết quả đạt được đều đã vượt kế hoạch lên tương ứng thành 5.230,7 và 25,5 tỷ đồng.

So với mức tăng 2-2,5% trong năm vừa qua, kế hoạch tăng 5,2-9,7% trong năm 2014 là một bước tiến đáng kể thể hiện sự tin tưởng vào một năm kinh tế thuận lợi hơn sau hai năm cộng đồng DN trầy trật tái cơ cấu mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn bộc lộ từ 2011.

doanh-nghiệp, cổ-phiếu, kế-hoạch-2014, kinh-doanh, Comeco, Tường-An, Vinamilk, Thép-Hòa-Phát, Tôn-Hoa-Sen

Tuy nhiên, với vị thế ít người biết đến về DN kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu này cùng với cơ chế giá xăng dầu mới, những kế hoạch mà Comeco đặt ra, nhất là chỉ tiêu lợi nhuận dường như còn khá khiêm tốn.

CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2014 với lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, thấp hơn mức 66 tỷ đồng vừa đạt được trong năm 2013.

So sánh với năm trước, kế hoạch TAC đặt ra cho năm nay gần như không thay đổi, lợi nhuận vẫn 50 tỷ đồng và doanh thu chỉ nhích chút ít lên 4.100 đồng. Điểm đáng lưu ý là kế hoạch của TAC trong vài năm gần đây đều thấp hơn thực tế thực hiện của năm liền trước cho dù DN này chịu ảnh hưởng không lớn từ cuộc khủng hoảng vài năm qua.

Kế hoạch kinh doanh của của Công ty cổ phần Vận tải Sản phẩm khí quốc tế – Gas Shipping (GSP) năm 2014 là đặt 55,14 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 8,5% so với kế hoạch năm 2013. DN này hiện vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh chính thức năm 2013. Tuy nhiên, với công việc kinh doanh tập trung vào nhiệm vụ khai thác đội vận chuyển LPG phục vụ cho Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVGas… , kế hoạch của GSP không có đột phá.

Tại ĐHCĐ Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng xác định doanh thu và lợi nhuận năm mới tăng lần lượt 19% và 3%.

Thuận lợi nhiều nhưng chưa thể bứt phá?

Có thể thấy, năm 2014 đến với nhiều tín hiệu khá tốt. Trước hết, đó là nền tảng kết quả kinh doanh 2013 với đa phần các DN chứng kiến sự cải thiện về doanh thu, lợi nhuận nhờ vào chi phí lãi vay giảm mạnh trong năm qua.

Trong khó khăn, hàng loạt các DN lớn vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về cả doanh thu, lợi nhuận như VNM, HPG, HSG, GAS, REE… Rất nhiều DN chìm ngập trong khó khăn đã nhanh chóng thoát lỗ như LGC, VHG; vượt kế hoạch mạnh mẽ như TRC, TCM, PVT, PET, LHC, SZL, NHS, FIT, CNG…

doanh-nghiệp, cổ-phiếu, kế-hoạch-2014, kinh-doanh, Comeco, Tường-An, Vinamilk, Thép-Hòa-Phát, Tôn-Hoa-Sen

Sự phục hồi cũng như tín hiệu lạc quan đã được phản ánh thông qua VN-Index. Trong năm 2013, chỉ số này tăng gần 22%, chốt cuối năm ở mức 504,63 điểm.

Trong những tuần đầu năm mới 2014 và cuối năm Quý Tỵ, VN-Index đã tiếp tục tăng tốc và lần đầu tiên vượt 550 điểm sau 4 năm và vẫn duy trì được ngưỡng này trong hai phiên đầu năm mới Giáp Ngọ.

DN bớt khó khăn hơn khi lãi suất giảm, vay nợ giảm, huy động vốn dễ hơn, lạm phát đứng ở mức thấp và dự báo sẽ không có biến động lớn trong năm 2014, sức tiêu dùng có tín hiệu phục hồi… Tiền đề khá tốt nhưng kế hoạch được đặt ra lại khá thận trọng, kỳ vọng khá dè dặt.

Trong trường hợp Comeco, kế hoạch tăng 9,7% lợi nhuận cũng là đáng kể nhưng so với vị thế là DN sở hữu hệ thống phân phối bán lẻ rộng khắp TP.HCM và tình hình lợi nhuận sụt giảm liên tục trong các năm trước đó, từ mức 63,2 tỷ đồng năm 2009, xuống 36 tỷ 2010, 33 tỷ 2011 và 24,5 tỷ trong 2012 thì có lẽ kỳ vọng vẫn còn quá thấp, nhất là khi mà cơ chế xăng dầu đang thuận lợi hơn cho các DN đầu mối và qua đó chiết khấu hoa hồng cho các DN trong lĩnh vực này sẽ được “đảm bảo”.

Với Dầu thực vật Tường An, kế hoạch của DN này xem ra quá an toàn, chỉ tiêu năm mới luôn thấp hơn con số đạt được trong năm liền trước.

Sự thận trọng của các DN được đặt ra trong bối cảnh chính họ đang đánh giá nền kinh tế đang tốt dần lên.

Ông Lê Phước Vũ, chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen nhân dịp đầu năm mới cho rằng, năm 2014, nền kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi. Kinh tế Việt Nam đang và sẽ dần đi vào ổn định, hướng tới đẩy nhanh tái cơ cấu, cải thiện cung cầu, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Theo vị doanh nhân này, 2014 là năm khởi đầu cho một chặng đường hồi phục cho cộng đồng DN nói chung.

Một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư tài chính cũng chia sẻ về đà phục hồi của nền kinh tế 2014 sẽ tiếp tục với nền tảng là lạm phát sẽ được kiềm chế, lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định và quan trọng hơn là niềm tin vào nền kinh tế đã vững hơn cùng với nỗ lực tái cơ cấu của nhiều DN trong các năm vừa qua.

Đánh giá về khả năng bứt phá trong năm nay, đại diện một DN cho rằng, có nhiều yếu tố thuận lợi cho DN làm được điều này. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất có lẽ ở chính suy nghĩ của các DN và người dân. Tất cả dường như đã trở nên thận trọng hơn sau bao biến cố liên quan tới tiền bạc, gánh nặng nợ… trong năm vừa qua. Theo đó, cho dù nhiều điểm đã rất thuận lợi nhưng sự đột phá có lẽ khó đạt được trong năm nay.

Mặc dù vậy, ở tầm vĩ mô, nhiều chuyên gia đang đặt kỳ vọng rất nhiều vào sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế, nhất là các ngành như ngân hàng, nông nghiệp, thủy sản, dệt may, điện…

Theo Vietnamnet