Bảo vệ sự riêng tư: Thách thức lớn nhất của Internet trong 5 năm tới

Để sự phát triển của Internet nằm trong tầm kiểm soát, thế giới sẽ phải vượt qua rất nhiều thách thức đang đặt ra trong 5 năm tới.>>> Người lướt web sẽ bớt bị “do thám”Bảo vệ sự riêng tư: Thách thức lớn nhất của Internet trong 5 năm tới

Vinton Cerf, Biz Stone, John Battelle, Martha Stewart và hơn 750 thành viên khác của Viện quốc tế về Khoa học và Nghệ thuật Kỹ thuật số (IADAS) đã đưa ra tâm điểm của những thách thức lớn nhất đối với con người mà kỷ nguyên Internet sẽ mang lại trong 5 năm tới đây.

Bảo vệ sự riêng tư

Thách thức: Hơn bao giờ hết, con người đang chia sẻ rất nhiều thông tin về đời sống riêng tư của bản thân thông qua các mạng xã hội trực tuyến như Facebook và Twitter. Họ cũng lưu trữ ngày càng nhiều thông tin trên các đám mây dữ liệu và trên điện thoại di động, một cách “mở đường” phát triển cho các công ty chuyên thu lượm thông tin cá nhân đem bán.

Giải pháp cần làm: IADAS tin rằng, công nghiệp số sẽ phải giải quyết các tranh chấp cá nhân bằng việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu, đưa ra các chính sách rõ ràng và nâng cao ý thức người dùng. “Một công ty như kiểu Facebook, bằng quyền lực rộng khắp mà nó đang tạo ra đối với các dữ liệu xã hội của người dùng, cần chịu trách nhiệm trước công chúng”, tờ Business Insider khẳng định.

Bảo vệ quyền tác giả

Thách thức: Luật bản quyền có vẻ như đang trở nên lạc hậu so với những gì mà công nghệ số mang lại. Âm thanh, video, sách điện tử, và các bài báo điện tử đang được sao chép và chia sẻ tràn lan trên mạng chỉ bằng một cú click chuột hay một vài thao tác đơn giản. Thế nhưng, những chính sách để bảo vệ quyền sở hữu cho tác giả hầu như không có tính khả thi.

Giải pháp cần làm: Việc cho ra đời các luật bản quyền mới và sát với thực tế hơn là điều cần thiết. Theo IADAS, để Internet phát huy được tối đa sức mạnh của nó, luật bản quyền mới phải phản ánh được mối quan hệ giữa công nghệ và sự sáng tạo trong trí tuệ của con người.

Đảm bảo tính khách quan

Thách thức: Những người đề xuất về tính khách quan trên Internet cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) nên đánh giá tất cả các trang web một cách công bằng. Vint Cerf, người từng được biết đến như là “Cha đẻ của Internet” đã rất ủng hộ nguyên tắc này. Theo ông, điều đó cho phép thúc đẩy sự cạnh tranh và cải tiến nhờ sự lựa chọn các nội dung và dịch vụ nhất từ phía mỗi cá nhân.

Giải pháp cần làm:Các nhà lãnh đạo cũng như giới làm luật cần cùng nhau nhận thức để đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo có thể đối xử công bằng với tất cả các đối tượng tham gia Internet”, IADAS cho ý kiến. “Tuy nhiên, những giải pháp này cũng phải cho phép các ISP được linh hoạt trong quản lý các mạng và dịch vụ của họ”.

Duy trì ứng dụng web mở

Thách thức: Chúng ta tạo nên các trang web bằng cách thiết kế các giao thức và phần mềm”, Tim Berners-Lee, Giám đốc World Wide Web Consortium, viết trên tờ Khoa học thường thức Mỹ, “Quá trình này hoàn toàn do chúng ta kiểm soát, nên chúng ta có quyền lựa chọn những gì chúng ta muốn”. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các mạng xã hội và thiết bị cá nhân được xây dựng dựa trên các hình mẫu riêng, web đang trở thành một môi trường nguy hiểm. IADAS cảnh báo rằng các ứng dụng di động và mạng xã hội có thể sẽ hạn chế tính tương tác và quyền lực cộng đồng của web.

Giải pháp cần làm:Nếu Internet là một tổng thể lớn hơn tất cả các phần nhỏ nằm trong nó, chúng ta phải làm tốt hơn công việc duy trì sự liên kết nội tại đó. Người sử dụng Internet hoàn toàn có khả năng kiểm soát và định hình lại hệ thống Internet mà họ đang sử dụng”, Jonathan Zittrain, tác giả của cuốn sách “The Future of the Internet and How to Stop It” (Tương lai của Internet và cách ngăn chặn nó) đưa ra gợi ý.

Tăng cường bảo mật

Thách thức: Không ai có thể phủ nhận được tính tiện ích của việc lưu trữ dữ liệu trực tuyến. Tuy nhiên, sự tiện ích này cũng có giá của nó. Không ít cá nhân nêu ra lo lắng về việc các thông tin của họ trong Facebook hay ngân hàng dữ liệu bị sử dụng với mục đích xấu. Bài học nhãn tiền về việc các công ty bị tấn công hạ tầng kỹ thuật số, vụ việc giữa các quan chức Trung Quốc với Google hồi đầu 2010, hay gần đây nhất khi chính phủ các quốc gia náo loạn vì những bí mật mà Wikileaks tiết lộ…

Giải pháp cần làm: Tăng cường tính bảo mật trên Internet đang là trách nhiệm của tất cả mọi người. Các chính phủ, các doanh nghiệp và mỗi cá nhân đều phải cân nhắc xem liệu họ có chia sẻ các thông tin cá nhân của họ ở mức độ như thế nào để tránh các vấn đề nhạy cảm bị khai thác. Đó là cách đầu tiên để đảm bảo bí mật riêng tư cho chính họ.

Theo PCWorld