Bạn có sợ… thành công?

Sợ là cảm xúc tiêu cực xuất hiện từ việc nhận thức các mối đe dọa. Đây là một cơ chế tồn tại cơ bản xảy ra trong phản ứng với một kích thích cụ thể, chẳng hạn như đau hoặc mối nguy hiểm đe dọa. Thường người ta sợ khi chưa biết rõ những rủi ro sắp tới nó đến mức thế nào.

Nếu như sợ thất bại là một lẽ hết sức bình thường của tất cả mọi người, thì sợ thành công lại là một điều lạ, điều khó tin, có thể ít khi được nghe hoặc để ý đến. Thực tế là nỗi “sợ thành công” có thể tồn tại song song và bao gồm cả nỗi sợ thất bại.

Thành công đồng nghĩa với sự thay đổi lớn về bản chất của một sự việc. Người tìm đến thành công cũng luôn mong muốn sự thay đổi. Nhưng nhiều khi sự thay đổi lại không nằm trong “vùng an toàn” mà người ta đang cảm thấy “an phận” lâu nay.

Người ta có thể nghi ngờ về sự xứng đáng đạt được thành công, hay “ngại ngùng” nếu đạt được điều mong muốn. “Sợ thành công là một vấn đề rất độc đáo và thường phát sinh khi chúng ta đang cố gắng tạo sự thay đổi và tiến về phía trước trong cuộc sống. Nỗi sợ này rất gần gũi vì những gì được suy diễn về tương lai có ảnh hưởng lớn đến chúng ta.” – Ti Caine, một nhà tư vấn về cuộc sống tại Sherman Oaks, California (Mỹ). Theo Caine, đa số mọi người không biết làm thế nào để đối phó với nỗi sợ thành công vì điều này thuộc về tương lai và không thể dự đoán trong khi thường tập trung vào việc khắc phục quá khứ.

Tại sao sợ thành công?

Những lo ngại về thành công có xu hướng xoay quanh một số thay đổi mà thành công mang đến, trong đó có sự xoay chiều, cô đơn, mất mát gì đó, chủ yếu do thiếu thông tin.

Cũng có một số chứng rối loạn thần ở một số nhà lãnh đạo quyền lực, bởi sự lo sợ mất vai trò, quyền lực hoặc bị phân ly trong tổ chức họ đang dẫn dắt. Trường hợp này chủ yếu là do sự thiếu tầm nhìn và hiểu biết dẫn đến thiếu tự tin và thiếu sự chuẩn bị cho tâm thế thành công.

Phụ nữ đặc biệt sợ thành công vì có thể dẫn tới sự mất thân thiện trong mắt người khác. Nhiều khi, một số người sợ thành công vì họ sợ có người khác sẽ chơi xấu hoặc lợi dụng họ.

Trên thực tế, một số người có thể đã trải qua quá nhiều thất bại hoặc cảm giác cô đơn trong cuộc tìm kiếm thành công. Họ đang thấm thía nỗi sợ hãi thất bại và thiếu lối thoát. Đột nhiên khi có cơ hội hoặc có người dẫn dắt để đến thành công thì những cảm giác sợ sệt ập đến, họ sợ thất bại trước khi nhìn thấy thành công khiến cho họ nghi ngờ dẫn đến do dự, trì hoãn… để rồi cơ hội sẽ lặng lẽ qua đi.

Có thể có những trường hợp đối với những người hiếu thắng thì rất lo sợ thất bại, thua cuộc hoặc bị mất mặt. Trong một xã hội hoặc môi trường bị ảnh hưởng bởi văn hóa “ăn thua”, như show diễn như ở phim Mỹ, Hàn luôn tạo hình ảnh hoành tráng của người thắng cuộc và tủi nhục của người thua cuộc, làm cho người ta tìm mọi cách để “trốn tránh thất bại”.

Trong nhiều trường hợp, để đạt được thành công, người ta phải đối diện với thử thách, và dám chấp nhận thất bại. Thế nhưng, vì những thông điệp văn hóa “ăn thua”, họ sẽ không dám nỗ lực hết mình, chẳng thà yên vị chứ không dám chấp nhận đánh cược với thất bại hay thành công. Vì thế sẽ từ chối nghĩ đến thành công.

Một số nhà lãnh đạo sau khi đạt được những thành công đáng kể thì lại vướng vào những rối loạn hành vi nhất là khi con đường đến thành công khác với suy nghĩ của họ. Họ có thể cho rằng “mục tiêu đặt ra là quá lớn” và “tầm thường cũng là đủ tốt rồi”… Đây là hành vi được mô tả là “tự phá hoại mình” (self-sabotage) dẫn tới nỗi sợ thành công và triệt tiêu nổ lực.

Tước đi quyền được thất bại đồng nghĩa với tước đi quyền được thành công. Nhiều người nhận thức sai khi phủ nhận hoặc trốn tránh thất bại. Từ đó sẽ lảng tránh những hoạt động có tính rủi ro và tìm cách biện hộ, tìm lý do để biện minh thất bại không liên quan tới mình. Họ sẽ tìm đến “vùng an toàn” để ẩn náu. Đó cũng là nguyên nhân để họ từ chối tìm đường đến thành công.

Xử lý thế nào?

Bạn có thể đã từng được nghe giới thiệu một giải pháp hoặc một hướng kinh doanh mới nào đó, hoàn toàn mới lạ đặc biệt táo bạo hoặc mang tính đột phá để mang đến kết quả “không ngờ”, phản ứng đầu tiên của bạn trước khi phân tích cụ thể là nghi ngờ “chém gió”, sau đó là câu hỏi “đã có nơi nào làm”, “họ có thành công không”… (đã là mới và đột phá thì làm gì có ai đó đã làm).

Sau khi bạn đã phân tích đầy đủ, biết rõ đích đến là “sán lạn”, phướng án hoàn toàn khả thi nhưng con đường đi đến thành công đầy gian nan thử thách… Sau khi đã trả lời được các câu hỏi “nếu thất bại”, bạn tỏ ra có “hào khí”, thì đến lượt câu hỏi “nếu thành công”, có thể bạn bắt đầu do dự vì những thay đổi quá lớn…

Lúc này, bạn nên đặt ra một số câu hỏi sau đây cho bản thân: Có phải tầm nhìn của bạn đã chưa đạt tới mức độ thành công mà bạn đang có cơ hội để nắm bắt không? Có phải đó là ước mơ ngoài tầm tay? Có phải đích đó là của ai đó chứ không phải của mình? Tại sao lại không phải là của mình? Nếu bỏ lỡ cơ hội thì hệ lụy sẽ ra sao? Nếu đối thủ dùng cơ hội này thì hệ lụy sẽ ra sao? v.v…

Sau đó bạn đặt ra những kịch bản thành công, sẽ làm gì khi đạt thành công, sẽ phải vượt qua thách thức và điểm yếu gì, chấp nhận những rủi ro nào để đạt được mục tiêu… Những điều này giúp bạn chuẩn bị cho “tâm thế thành công” và vượt qua nỗi sợ thất bại cũng như thành công.

Tóm lại, để thành công, bạn phải vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình và “chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất” của đời bạn. Hãy thoát khỏi tâm lý thắng thua đồng thời chấp nhận và đối diện với thất bại là một phần của cuộc sống để hướng đến thành công.

Lê Ngọc Quang