Dịch vụ kinh doanh tên miền được “cởi trói”

Bằng Quyết định 38/2014/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền từ ngày 1/9/2014. Theo đó, việc đấu giá, chuyển nhượng, quyền sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam có đuôi “.vn” sẽ được hợp pháp hóa. Vậy điều này đã tác động tới nhà đầu tư và thị trường kinh doanh tên miền? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị Lê Thúy Hạnh – Tổng Giám đốc Công ty Tiếp thị số (Digimarketing) JSC…

Với việc “bật đèn xanh” bằng Nghị định số 38/CP, theo chị kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ tên miền thực sự đã được cởi trói?

Đúng vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, bắt đầu từ tháng 9/2014, việc mua bán, đấu giá tên miền sẽ được công khai theo Quyết định trên. Theo đó, kho tên miền chưa đăng ký, tên miền hết hạn cùng kho số viễn thông (bao gồm số điện thoại cố định và di động) sẽ được đưa ra giao dịch, đấu giá theo quy trình dưới sự điều hành của BộTT&TT.

Có thể nói, việc Nhà nước chính thức “bật đèn xanh” cho việc kinh doanh tên miền hợp pháp sẽ tạo động lực cho các hoạt động đầu tư và giao dịch tên miền. Theo đó, các sàn giao dịch tên miền được dự báo sẽ trở nên sôi động hơn.

[object XMLDocument] Chị Lê Thúy Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty Tiếp thị số (Digimarketing) JSC
[object XMLDocument]Chị Lê Thúy Hạnh – Tổng Giám đốc Công ty Tiếp thị số (Digimarketing) JSC

Và khi thị trường tên miền được thúc đẩy,  tôi cho rằng nó sẽ có những đóng góp nhất định vào việc phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, nếu không có môi trường kinh doanh tên miền ổn định, hợp pháp, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ gặp khó khăn khi chuyển nhượng hay kinh doanh dịch vụ này.

Thực tế cho thấy, nếu có thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào tên miền, thị trường này sẽ tăng nhanh quy mô, số lượng. Khi nguồn cung dồi dào, giá bán tên miền sẽ rẻ hơn, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thêm cơ hội sở hữu những tên miền có giá trị.

Với quyết định này, đây còn là bước ngoặt lớn rất lớn, bởi các tổ chức, cá nhân đã đăng ký tên miền có đuôi “.vn” nếu xét thấy việc sử dụng tên miền không được hiệu quả, phù hợp thì có thể chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền. Các nhà đầu tư, các doanh nghiệp do đăng ký chậm, chưa sử dụng được tên miền trùng với tên thương hiệu, tên sản phẩm, dịch vụ sẽ có cơ hội đàm phán, đăng ký lại được tên miền, không phải là chuyển nhượng “chui” như trước đây.

Thưa chị, với việc cho phép đấu giá, chuyển nhượng tên miền được kỳ vọng là động lực rất lớn để “kích cầu” cho thị  trường cho tên miền quốc gia Việt Nam phát triển?

Theo tôi, việc chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền lần này hội tụ đủ các điều kiện để cho việc đăng ký, sử dụng và chuyển nhượng tên miền thuộc nhóm thương mại dưới tên miền quốc gia Việt Nam có đuôi “.vn” trở thành một thị trường hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư.

Việc chuyển nhượng tên miền quốc tế cho thấy, giá trị của mỗi tên miền được đem ra đấu giá, chuyển nhượng sẽ theo cơ chế thị trường và do thị trường quyết định. Điều đó có nghĩa là mỗi tên miền có giá trị đối với doanh nghiệp nhà đầu tư này nhưng lại không có ý nghĩa gì đối với nhà đầu tư khác. Điều này tùy thuộc vào việc nhìn nhận và mục đích sử dụng của mỗi chủ thể tham gia đấu giá, chuyển nhượng tên miền.

Được mệnh danh là “nữ hoàng tên miền”, chị có thể chia sẻ hiện chị sở hữu bao nhiêu tên miền và giá cao nhất mà chị  thu được từ chuyển nhượng tên miền?

Cho đến nay tôi đã sở hữu gần 3.000 tên miền. Trong số đó, có những tên miền có đuôi “.vn” của một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank, hay một số tên miền được rất nhiều người quan tâm như batdongsan.vn, nguoimau.vn, doanhnghiep.vn…

Theo tôi, tên miền đóng vai trò là một chiếc chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa iInternet. Đây là mảnh đất màu mỡ nhưng chưa nhiều người khám phá và còn là một tài nguyên, tài sản của mỗi quốc gia.  Đã là nhà đầu tư, kinh doanh tên miền hay bất động sản, vàng bạc… theo tôi đều giống nhau và vận động theo quy luật của thị trường. Nếu như bất động sản đang ở trong giai đoạn chững lại thì thị trường tên miền mới chỉ trong giai đoạn “khám phá” chập chững bước đi dù có nhiều giao dịch đã được thực hiện. Tên miền đắt giá nhất mà tôi đã chuyển nhượng có giá cao nhất là 2 tỷ đồng.

Với việc “cởi trói” cho dịch vụ kinh doanh tên miền, theo chị đây có phải là cơ hội cho các nhà đầu tư?

Theo thống kê, đến tháng 6/2014 của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), có hơn 500.000 tên miền đã được đăng ký nhưng chỉ có 280.000 tên miền đang duy trì trên hệ thống (đã kích hoạt). Điều đó có nghĩa có khoảng 220.000 tên miền đã được các nhà đầu tư đăng ký trước, đang chờ thời cơ bán ra.

Hiện một số nhà đầu tư tên miền cho rằng có nhiều cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường tên miền Việt Nam. Hiện nay, mức phí đăng ký tên miền Việt Nam chỉ vào khoảng vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng (“.vn” hoặc “.com.vn”). Họ khẳng định, chỉ cần bỏ ra khoảng 500.000 đồng đăng ký một tên miền đẹp, bỏ thêm tiền để duy trì . Sau đó, chuyển nhượng lại cho người có nhu cầu với giá tăng gấp hàng trăm lần.

Còn nhớ, năm 2012, Công ty BKAV đã phải bỏ ra hơn 2 tỉ đồng để mua lại tên miền www.bkav.com từ một công ty của Mỹ. Hoặc Công ty Thế giới Di động từng tiết lộ tên miền dienmay.com của công ty trị giá hàng tỉ đồng.

Tuy nhiên, kinh doanh tên miền đôi lúc không dễ dàng. Bởi nhiều nhà đầu tư bỏ ra hàng tỷ đồng để đăng ký và đóng phí duy trì tên miền nhưng khi sang nhượng nhiều khi chỉ thu được mức lợi nhuận khiêm tốn.

Kinh doanh đôi khi là sự may rủi, các nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro. Có lúc họ mua nhiều tên miền nhưng không bán được nhưng có lúc thu về hàng chục tỉ đồng trong nháy mắt. Đây là chuyện rất thường tình đối với thị trường kinh doanh dịch vụ tên miền đang chập chững những bước đi đầu tiên…

theo HLG