Doanh nghiệp Việt Nam vẫn “hờ hững” với dữ liệu?

Khoảng 2-3 năm trở lại đây, chúng ta được nghe và bàn luận khá nhiều về big data, về moblie, về công nghệ điện toán đám mây, về việc sử dụng dữ liệu người dùng để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, những doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng dữ liệu và sử dụng công nghệ như thế nào để tạo ra lợi thế cho mình?

Hãy xem xét hai ngành sở hữu lượng người dùng rất lớn và bắt buộc phải sử dụng dịch vụ online, đó là thương mại điện tử (TMĐT) và tìm kiếm việc làm. Nói về TMĐT hẳn không thể không nhắc đến gã khổng lồ về bán lẻ Amazon. Với việc phân tích hành vi, thói quen mua hàng của người dùng, Amazon có thể gợi ý gần như chính xác sản phẩm tiếp theo người dùng sẽ mua. Do đó, với Amazon, việc xác định khách hàng sẽ mua gì ở lần tiếp theo mới đáng quan tâm, còn chuyện khách hàng mua sắm ở lần đầu tiên là chuyện đương nhiên.

Không những vậy, Amazon còn tạo ra cầu nối giữa những người đang cân nhắc trong việc mua sắm và những người đã có kinh nghiệm mua sắm bằng giải pháp “Ask an Owner”. Trong chưa đầy một năm, hàng triệu câu hỏi đã được hỏi và trả lời, đồng thời cung cấp một lượng dữ liệu cực lớn về nhu cầu thị trường, thói quen người dùng cho Amazon.

Một khi đã truy cập vào Amazon, bạn gần như không thể thoát khỏi họ
Một khi đã truy cập vào Amazon, bạn gần như không thể thoát khỏi họ

Quay trở lại Việt Nam, nếu một lần bạn vào Lazada hoặc Zalora (2 doanh nghiệp TMĐT đến từ nước ngoài) tìm kiếm tai nghe, hoặc giày dép, có giá trong khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng, gần như ngay lập tức, bạn sẽ được những doanh nghiệp này “đeo bám” ở hầu hết những trang web bạn truy cập vào. Họ sẽ đưa ra cho bạn vô số gợi ý về mẫu mã, kiểu dáng, thương hiệu trong tầm tiền bạn có khả năng chi trả, cho đến khi bạn tìm thấy chính xác sản phẩm mình muốn mua.

Đó là chuyện của những công ty nước nước ngoài, vậy các công ty Việt Nam đang làm gì? Phải nói thật là tôi khá hài lòng với các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam, bởi họ không đeo bám tôi như những doanh nghiệp nước ngoài kia. Tôi không cảm thấy bị làm phiền hay thúc đẩy ham muốn mua hàng bằng việc tạo ra vô số gợi ý phù hợp với nhu cầu của mình. Có chăng thì chỉ là một vài từ khoá SEO hoặc 1 vài hình ảnh quảng cáo mờ nhạt mà không hề có đề xuất cụ thể nào phù hợp với nhu cầu của tôi. Hay nói cách khách, tôi coi đó là những thông tin nhiễu.

Tại sao giữa một rừng các doanh nghiệp TMĐT hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam không thể tạo ra lợi thế bán hàng cho mình bằng việc nghiên cứu hành vi, thói quen, sở thích của khách hàng, rồi thực hiện việc “đeo bám”, gợi ý, đề xuất nhằm thúc đẩy ham muốn mua sắm của khách hàng? Nhiều doanh nghiệp chỉ trông chờ vào hành vi mua sắm theo mùa của khách hàng, hoặc ăn may khi sản phẩm này có thể bán được số lượng rất lớn trong tuần này, nhưng sang tuần sau thì không còn ai mua, chứ không thể thực sự biết khách hàng cần gì.

Nhiều doanh nghiệp TMĐT sẽ phản bác rằng “chúng tôi cũng đang sử dụng rất nhiều công nghệ đấy chứ”. Tất các những công nghệ đó có thể tạo ra giá trị gì khi không thể biết thực sự khách hàng muốn gì? Hãy nhớ rằng khách hàng muốn mua một sản phẩm, một dịch vụ, chứ khách hàng không quan tâm tới việc doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ gì. Đơn giản là hãy sử dụng dữ liệu để chỉ cho khách hàng biết là mình đang cần gì.

Ở lĩnh vực tìm kiếm việc làm, các trang tìm việc ở Việt Nam hiện cũng có vẻ không khả quan hơn. Có 2 vấn đề với các trang tìm việc ở Việt Nam là cung cấp nhiều thông tin nhiễu và không có tuỳ biến cá nhân hoá người dùng.

Bạn ở đâu trong giữa một rừng thông tin như thế này?
Bạn ở đâu trong giữa một rừng thông tin như thế này

Mục tiêu của người dùng khi sử dụng dịch vụ tìm kiếm việc làm là tìm được công việc phù hợp với mức lương mong muốn. Tuy nhiên, những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lại thường xuyên đưa ra những đề xuất không phù hợp với mục tiêu cụ thể người dùng. Và hầu hết các doanh nghiệp đều không đưa ra được mức lương cụ thể cho từng đề xuất.

Mỗi người dùng khi sử dụng dịch vụ tìm kiếm việc làm đều phải khai báo khá nhiều trường thông tin, từ bằng cấp, chuyên môn, những ngành nghề liên quan. Từ những dữ liệu này, kết hợp với tuần suất tìm kiếm của một ngành nghề cụ thể, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoàn toàn có thể biết được chính xác nhu cầu của người dùng về loại ngành nghề, trình độ nào, từ đó đưa ra đề xuất phù hợp. Tuy nhiên người dùng lại thường xuyên nhận được những thông tin nhiễu về những loại hình công việc không liên quan. Ví dụ: Tôi muốn tìm việc về mỹ thuật thiết kế, trình độ cấp cao, đồng thời khai báo thêm 2 trường thông tin khác là báo chí và quản lý marketing. Thì trong thực tế, tôi thường xuyên nhận được thông báo việc làm về marketing, quản lý marketing, hoặc thiết kế trình độ cấp dưới, bởi có lẽ, những loại hình công việc đó có nhiều nhu cầu tuyển dụng hơn. Đến một lúc nào đó, những thông báo việc làm kiểu đó sẽ được người dùng ưu ái xếp vào thư mục “spam”.

Vấn đề tiếp theo là các trang tìm kiếm việc làm hiện nay hoàn toàn không có ý định cá nhân hoá người dùng. Mặc dù người dùng đã khai báo khoảng 3 trường thông tin về nhu cầu tìm việc, nhưng khi vào một trang tìm việc, người dùng sẽ vẫn cứ bị lạc giữa 1 rừng các lựa chọn giữa các ngành nghề mà không hề được tối ưu hoá bằng cách tách riêng loại hình công việc đã khai báo. Thậm chí đôi khi các trường công việc còn bị thay đổi, từ “thiết kế” thành “mỹ thuật thiết kế”, hoặc “nghệ thuật thiết kế” hoặc ngược lại. Ngay cả những công việc nổi bật cũng không được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đề xuất cho phù hợp. Một người vào tìm công việc báo chí thì rõ ràng là không có nhu cầu với quản lý cửa hàng hay giám đốc vùng của một tập đoàn nào đó, tuy nhiên khi vào một trang tìm kiếm việc làm, người dùng sẽ không bao giờ nhận được đề xuất về công việc phóng viên ảnh nằm trên trang chủ. Có lẽ khi các doanh nghiệp đã bắt đầu lớn mạnh, họ tạo ra cho mình quy trình để đơn giản hoá việc quản lý, nhưng việc này đồng nghĩa với việc khi cần phải thay đổi thì họ lại không sẵn sàng, bởi hoặc là quy trình để thay đổi, dù là một chi tiết nhỏ nhất cũng đòi hỏi sự rườm ra của cả bộ máy, hoặc thay đổi đó không nằm trong quy trình có sẵn, do đó họ không dám chắc sự thay đổi đó có mang lại hiệu quả hơn việc sử dụng quy trình cũ hay không.

Ở đây, ta thấy tư duy thử và sai chưa thật sự được phát huy. Và vậy là dù đang sử dụng rất nhiều công nghệ trong việc vận hành bộ máy, nhưng chỉ một vài thay đổi nhỏ để khiến khách hàng hài lòng cũng sẽ rất khó được các doanh nghiệp cân nhắc. Do vậy những dữ liệu về khách hàng vẫn chỉ là những dữ liệu, nó chưa sẵn sàng cho việc được sử dụng để cung cấp sự hài lòng cho khách hàng.

Theo Nss