Hàng năm, có hàng chục ngàn doanh nghiệp mới được thành lập. Ngày hôm nay, có nhiều người đang trăn trở với các ý tưởng của mình và ấp ủ ước mơ một ngày nào đó sẽ triển kha. tàn
Tuy nhiên, cái “ngày nào đó” quả là khó đoán chính xác và không ít người chấp nhận câu trả lời: “khi nào có đủ điều kiện”. Điều kiện ở đây có thể hiểu là đạt một trình độ hoặc kinh nghiệm nào đó, tập hợp được một số người cùng chí hướng, môi trường kinh doanh hoặc luật pháp thông thoáng hơn…
Và điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là… có một khoản tiền tương đối. Ở đây chỉ xin bàn một chút về vấn đề “tiền ở đâu ra” để thành lập doanh nghiệp và vai trò của nó trong bước khởi sự.
Có một nghịch lý mà lại không nghịch lý là phần lớn các cự phú trên đời bắt đầu sự nghiệp từ hai bàn tay trắng chứ không phải có tiền ngay khi khởi sự.
Các trường đại học và giáo trình trên toàn cầu thường chỉ dạy cách làm ông chủ, tức là phải điều hành kinh doanh như thế nào. Tiếc rằng họ không và không thể dạy bạn khi còn là một người bình thường thì phải làm sao để trở thành ông chủ.
Nếu bạn có trình độ cao, làm cho một công ty lớn, lương thừa sống và dùng tiền tích lũy được để thành lập một công ty, trong khi vẫn muốn giữ chỗ làm cũ, thì chắc chắn rằng công ty ấy sẽ chẳng đi tới đâu. Thực tế không có công ty nào thành công và trụ vững được theo kiểu này.
Đột ngột có một món lớn (do trúng số chẳng hạn) ra mở công ty để thỏa chí cũng là một con đường khác dễ dẫn đến thất bại.
Tiếp quản một gia sản (tiền hoặc cơ sở kinh doanh) mà mình chưa từng lăn lộn cùng nó cũng dễ khiến ta sa lầy và tuột dốc.
Huy động vốn bằng cách vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp cũng đưa rất nhiều người tới thảm bại. Bắt đầu nhỏ để lớn dần lên không thể áp dụng cho mọi ngành hàng và khó trụ vững trong môi trường cạnh tranh ngày một khốc liệt.
Vậy phải làm sao khi chưa có cơ sở tài chính vững chắc cho việc thành lập doanh nghiệp? Nếu bạn từng được đào tạo bài bản, trong đầu sẽ rất dễ nảy sinh những câu hỏi kiểu thế này: Theo tính toán thì cần xxx triệu đồng thì mới có thể khởi sự được, vậy thì :
– Kiên trì tiết kiệm tiền và chờ đợi ư? Đến khi nào thì đủ? Tới lúc đó có còn cơ hội cho mình không?
– Đi vay ư? Ai cho vay khi ta còn là lính mới? Ý tưởng cần nhiều tiền mới làm được thì làm sao vay đủ?
– Vận may? Ai biết khi nào nó tới?
– Bán tài sản (nếu có) đi ư? Cuộc sống hiện tại còn chưa ổn mà gây thêm rắc rối thì có nên không? Lo kinh doanh đã mệt giờ lại lo thêm cuộc sống nữa thì có chịu nổi không?
– Đem ý tưởng đi liên kết với người có tiền? Cũng khó, và liệu rồi có bị họ thôn tính không?
Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến những người có gan thì mới có thể làm giàu. Người có gan có thể có hoặc không có đủ những câu trả lời cho các câu hỏi trên nhưng chắc là chúng (những câu hỏi về tiền) đã không đủ mạnh để ngăn họ hành động.
Một trực giác bén nhạy sẽ dẫn dắt người ta trong những bước đầu tiên nhiều hơn rất nhiều những kiến thức chuyên môn sách vở hoặc số tiền mà họ đang có trong tay. Trực giác này đương nhiên không phải là tất cả và cũng sẽ chẳng đi đến đâu nếu không được kết hợp với một phẩm chất rất quan trọng – lòng dũng cảm.
Cái này đôi khi biểu hiện ra ngoài như một thứ “máu liều”, điều này cũng khiến nhiều người nhận lầm nguyên nhân thành công của nhiều doanh nhân: “Ấy là do hắn có máu liều và may mắn gặp thời”.
Theo tôi, nếu chúng ta chỉ muốn hoặc có khát vọng chứ không phải bị bức trở thành ông chủ thì có lẽ phải chấp nhận một quan điểm: “Thất bại là điều bình thường và cần chuẩn bị đón nhận” vì thực ra, những doanh nghiệp lớn nhất thế giới cũng đã không dưới một lần đứng trước bờ vực phá sản.
Bạn có thể tạo vốn cho mình bằng nhiều cách nhưng phải dựa trên một niềm tin rằng thử thách về tiền là do chính mình (chứ không phải hoàn cảnh khách quan) tạo ra và chúng được tạo ra với mục đích là để vượt qua.
Điều này hiển nhiên đúng: bạn muốn làm ông chủ – một việc khó hơn việc bạn đang làm – một việc dễ thất bại hơn những việc bạn từng thành công.
Không có công thức nào về số lượng vốn cần có cho việc khởi sự doanh nghiệp, cũng như cách để có số vốn đó mà chỉ có dũng khí mới giúp bạn thành công trong bước đầu thâm nhập thương trường mà thôi. Tôi tin rằng đa số các nhà doanh nghiệp từng trải đồng ý về điểm này.
Theo Hoclamgiau.