ERP cho doanh nghiệp: Cần hay không?

Triển khai đầu tư giải pháp quản trị doanh nghiệp (DN) nào cho hiệu quả và làm sao đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm tăng khả năng cạnh tranh, là hai câu hỏi lớn đang khiến nhiều DN băn khoăn trước một “rừng” các chương trình khuyến mại chào mới về sản phẩm CNTT lẫn các giải pháp ứng dụng quản trị DN. Một trong nhiều sản phẩm chủ lực được chào mời khá rầm rộ trên thị trường trong thời gian gần đây là ERP (Enterprise Resource Planning) – Giải pháp quản lý toàn diện.

Có một trở ngại “dở khóc dở cười” của hầu hết các công ty phần mềm khi quảng bá và tung sản phẩm ERP vào thị trường là hàng rào nhận thức của khách hàng với câu hỏi “ERP là gì?”. Bởi các chuyên viên CNTT của DN – người nắm rõ nhất về ERP – thì không có quyền quyết định có nên đầu tư hay không. Trong khi đó, chủ DN – người đóng vai trò quyết định thì lại không hiểu ERP là gì và nó cần thiết như thế nào. Phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến vế thứ hai: ERP cần thiết với DN như thế nào?

Theo Ông Hoàng Minh Châu, Phó Tổng giám đốc FPT, lâu nay nhiều DN có nhìn nhận sai lầm khi triển khai ERP là triển khai tin học hoá DN bằng một phần mềm quản lí. ERP không phải là triển khai phần mềm mà là triển khai quá trình xây dựng hệ thống quản trị DN tiên tiến thông qua việc tin học hoá toàn diện các hoạt động của DN.

Theo nhận định của các chuyên gia, ngày nay đối với 1 DN, ERP là xu thế tất yếu. Bản thân xu thế này là hệ quả của 5 xu thế quan trọng khác, việc nhận thức đúng các xu thế thời đại và kịp thời thay đổi cho phù hợp với các xu thế đó là phần quan trọng nhất trong việc hoạch định chiến lược của mỗi DN.

Xu thế thứ nhất liên quan đến việc internet đang thay đổi thế giới hàng ngày, hàng giờ. Nếu như các đường cao tốc chỉ có thể rút ngắn khoảng cách địa lí thì internet thực sự xoá bỏ chúng… Nói cách khác trong tương lai mọi công ty đều sử dụng internet.

Xu thế thứ hai là toàn cầu hoá, đây là xu thế do các nước phát triển chủ động, các nước lạc hậu bị động phải đi theo. Trong quá trình toàn cầu hoá, sự cạnh tranh quốc tế sẽ thay thế dần cạnh tranh nội địa. Các DN không còn sự bảo trợ của Nhà nước. Trong tương lai gần, một công ty không có khả năng cạnh tranh quốc tế sẽ thua ngay tại thị trường nội địa.

Xu thế thứ ba là tốc độ thay đổi ngày càng cao. Chúng ta dễ dàng quan sát thấy sự thay đổi đến chóng mặt của mẫu mã sản phẩm cũng như công nghệ chế tạo ra chúng. Nếu như đặc trưng của thập niên 80 là chất lượng, thập niên 90 là tái cấu trúc thì đặc trưng của thập niên chúng ta đang sống là tốc độ. Việc tiếp cận với nhiều thông tin hơn đã thay đổi sâu sắc lối sống của người tiêu dùng. Khi hoạt động kinh doanh theo yêu cầu của thị trường phải đạt tốc độ rất cao thì chính bản thân của kinh doanh cũng thay đổi. Trong tương lai chỉ có những công ty có khả năng phản ứng nhanh chóng với những thay đổi của thị trường mới có khả năng tồn tại và phát triển.

Xu thế thứ tư là quyền lợi của khách hàng ngày càng được coi trọng hơn, người tiêu dùng hiểu biết hơn, yêu cầu ngày càng cao và có nhiều lựa chọn hơn cho một sản phẩm dịch vụ bất kỳ. Trong tương lai chỉ có những công ty hiểu rõ nhu cầu và đáp ứng quyền lợi của khách hàng mới có khả năng tồn tại và phát triển .

Xu thế thứ năm là sự hình thành xã hội thông tin. Trong thời gian gần đây, chúng ta hay nghe cụm từ “nền kinh tế tri thức”. Nền kinh tế này còn có một tên gọi khác là xã hội hoá thông tin. Xét từ góc độ thị trường, cơn hồng thuỷ thông tin đã thay đổi người tiêu dùng một cách sâu sắc và toàn diện. Họ không chỉ có thông tin về giá cả, sản phẩm của một hãng quen dùng mà còn có đủ thông tin về các sản phẩm thay thế của các hãng cạnh tranh. Sự tiếp cận với nhiều thông tin cũng mở ra cho các DN những cơ hội kinh doanh mới. Thông tin trở thành một lợi thế cạnh tranh. Vì vậy trong bối cảnh này, DN không thể tồn tại và phát triển nếu bản thân nó lại thiếu thông tin.

Do vậy, theo các chuyên gia CNTT, để thích ứng với các xu thế trên, ERP là một trong những việc quan trọng nhất mà DN phải làm. Một hệ thống ERP online trên mạng internet cho phép các DN có nhiều địa điểm phân tán khai thác có hiệu quả hệ thống kết nối toàn cầu cũng như lãnh đạo của các DN có thể kiểm soát điều hành trực tiếp DN ngay cả khi đang đi công tác xa (xu thế 1). ERP thực sự giúp các DN sẵn sàng tham gia quá trình toàn cầu hoá bằng một hệ thống quản trị tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế. ERP còn giúp DN khả năng phản ứng nhanh với những thay đổi của thị trường, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. ERP là hệ thống thông tin của DN có thể tồn tại và phát triển trong xã hội thông tin.

Về cơ bản hệ thống ERP thường bao gồm các ứng dụng phục vụ tác nghiệp, các ứng dụng phục vụ kiểm soát, giám sát và các ứng dụng cung cấp thông tin hỗ trợ ra quyết định. Nó có thể mang lại cho DN rất nhiều lợi ích như: tác nghiệp nhanh hơn, chính xác hơn, tiết kiệm chi phí thu nhập thông tin; thông tin đầy đủ và kịp thời hơn;khả năng chia sẻ thông tin cao hơn;cung cấp công cụ kiểm soát tốt để giảm tồn kho; giảm công nợ cũng như các biện pháp kịp thời để hỗ trợ bán hàng tốt hơn, tạo ra tính đồng bộ giữa kế hoạch, sản xuất và khả năng tiêu thụ; tăng lợi nhuận cho DN; đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng… Việc phân tích các số liệu trong mối quan hệ với các loại định mức có thể giúp ích cho lãnh đạo trong việc điều chỉnh và lập kế hoạch thông tin cho thời gian tiếp theo. Ngoài ra, việc triển khai ERP còn mang lại cho DN một lợi ích rất quan trọng khác là được tiếp cận với tính chuyên nghiệp và khoa học của môn quản trị quốc tế. Một DN ứng dụng ERP đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm toán quốc tế sẽ có hình ảnh tốt hơn. Và quan trọng nhất, không có ERP, DN khó có thể nhìn thấy điểm yếu điểm mạnh của chính mình, vì thế ít có khả năng cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngày nay, điểm khác biệt giữa hai DN hàng đầu không còn là nguyên vật liệu, quy trình sản xuất, công nghệ chế tạo… vì hầu như tất cả đều theo một chuẩn quốc tế chung. Do vậy, yếu tố thành đạt, tạo sự khác biệt trong việc chạy đua cạnh tranh giữa các DN nằm ở chính hệ thống ERP. Bởi “trong tương lai những công ty có hệ thống thông tin xuất sắc mới có khả năng tồn tại và phát triển”.

(Nguồn: TGTM)