Vài năm trở lại đây, chúng ta thấy ông Park Hang-seo đã nổi lên như một ngôi sao sáng, là một anh hùng của ngành thể thao VN. Ông chính là một huấn luyện viên (HLV) xuất sắc nhất của chúng ta.
Chúng ta hãy phân tích về sự hiện diện và hành trình “nổi tiếng” của ông. Đồng thời, cố gắng tìm hiểu thêm về sự tương đồng trong cuộc sống, dưới nhãn quan của doanh nhân, qua đó có thể rút ra một số bài học cần thiết trong công việc kinh doanh.
Vai trò của HLV
Là HLV, ông luôn phải thấu hiểu những thành viên của toàn đội, biết điểm mạnh và điểm yếu của từng thành viên để sắp xếp các vị trí phù hợp nhất sao cho có thể tạo nên sức mạnh tổng hợp và lớn nhất cho cả đội.
Là người có đầu óc tổ chức, chiến lược gia và cả chiến thuật gia để có thể lèo lái đội ngũ vượt qua từng khó khăn, thử thách để đạt được mục tiêu của từng trận và mục đích lớn của cả đội.
HLV đồng thời là linh hồn của cả đội, có tác dụng động viên, nâng tinh thần đoàn kết, tạo nên sự phối hợp nhuần nhuyễn của mọi thành viên trong đội. Với những trách nhiệm và tố chất trên, HLV hầu như là người quyết định chất lượng của cả đội.
Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế là không phải HLV nào cũng đạt kết quả như nhau, vì mỗi HLV đều có một phong cách và bí quyết riêng, chính vì vậy mà ông Park đã nổi lên như một vị anh hùng.
Vai trò của đội ngũ
Đội ngũ bao gồm những cá nhân tập họp lại một cách đa dạng, đa phong cách, có chung một mục đích (nhưng ở các mức độ và hoàn cảnh khác nhau). Các đội ngũ khác nhau có thể có những chất lượng chênh lệch nhau rất lớn, nhưng lại là nơi thực thi mọi hoạt động.
Thực chất, yếu tố “quyết định” đến thành công không phải từ HLV mà là từ ông chủ và đội ngũ. Chỉ có đội ngũ đủ năng lực, đồng lòng hợp sức thì thì mới có đủ “điều kiện cần” để đi tới đích (“Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”). Còn HLV giỏi và phù hợp là yếu tố “mấu chốt”, là “điều kiện đủ” để dẫ dắt đội ngũ đi tới đích theo con đường ngắn nhất và đỡ bị tổn thất nhất.
Chính vì vậy nên nếu “mấu chốt” nào không đủ năng lực, không đạt được mục tiêu thì ông chủ có quyền thay ngay “mấu chốt” khác…
Cách đây hơn 10 năm, Bầu Đức (ông chủ) đã đầu tư một cách bài bản vào Học viện HAGL JMG Arsenal, tạo nên một thế hệ cầu thủ giỏi và có năng lực tốt. Ngoài ra nhiều CLB khác cũng đã phát triển đáng kể. Các cá nhân đã đạt được tiêu chuẩn khá tốt, bởi được đào tạo một cách chính quy về kỹ thuật, kỹ năng và thể chất.
Nhưng qua nhiều đời HLV, các đội VN vẫn loay hoay để tìm ra chính mình, nhiều khi chơi theo ngẫu hứng, lệch pha nên chỉ đạt được kết quả ở mức trung bình.
Nhận thức ra vấn đề và với tầm nhìn “vươn ra châu lục và thế giới”, ông chủ cần tìm ra một người dẫn dắt phù hợp nhất cho toàn bộ đội ngũ.
Dựa vào tiêu chí nào để chọn HLV?
Trước khi được lựa chọn làm HLV cho U23 VN, ông Park chỉ là một trợ lý HLV và cũng đã bị VFF từ chối vì ông là “vô danh”. Ông đã là trợ lý của một HLV giỏi, tầm cỡ quốc tế… nhưng đã mất việc và hết thời tại quê nhà. Ông đã cố gắng đi xin việc ở nhiều nơi và đã may mắn bén duyên tại VN. Chỉ sau khi các đội tuyển VN ghi được nhiều chiến tích thì ông mới thực sự nổi danh.
Vậy tại sao Bầu Đức phải sang tận Hàn Quốc để mời ông làm HLV?
Ông Park là người chăm chỉ, ham học hỏi và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ HLV Hiddink, người đã đưa Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002. Nhưng có lẽ quan trọng nhất là người có con mắt tinh đời và đang có khát vọng được cống hiến ở phần cuối của sự nghiệp.
Nói sau khi thành công thì dễ, nhưng để khởi đầu và làm mới là khó.
Tiêu chí của ông chủ là tìm ra “người phù hợp” nhất chứ chưa chắc đã phải “giỏi nhất” hoặc “nổi tiếng” chỉ vì tầm cỡ của các đội VN thời bấy giờ còn quá thấp nên mọi sự “phù hợp” sẽ có giá trị cao hơn nhiều so với sự “cao cường”, cho đến khi đạt được tầm cỡ nhất định.
Thực tế đã chứng minh là ông Park không những đã phù hợp cho việc dẫn dắt các đội VN vượt qua nhiều thách thức, gian truân, bứt phá để lên một tầm cao và đẳng cấp mới, mà còn phù hợp cho cả giai đoạn tiếp theo là củng cố địa vị và phát triển.
Áp dụng đối với doanh nghiệp
Nếu chủ doanh nghiệp có tầm nhìn như Bầu Đức, thì không thể chỉ trông chờ vào đội ngũ hiện tại, tự loay hoay xoay xở để cố gắng tìm ra sự bứt phá. Chủ doanh nghiệp có thể hiểu rằng khả năng của công ty sẽ là vô tận nếu biết cách tổ chức, tổng hợp sức mạnh và khai thác triệt để mọi tiềm năng.
Nhiều khi bên trong có thể nhìn nhận ra rất nhiều vấn đề nhưng không phải lúc nào cũng nói ra hoặc hệ thống hóa được. Nhiều khi biết các vấn đề nhưng chưa chắc đã giải quyết được. Chưa nói đến việc có thể có nhiều cái nhìn phiến diện, thiếu tính nhất quán hoặc chiến lược bài bản.
Chính vì vậy mà doanh nghiệp luôn cần đến những sự hỗ trợ của một hay nhiều trong những tác nhân bên ngoài để đạt được mục tiêu cần thiết, trong đó có thể kể đến những vị trí cơ bản dưới đây:
- Cố vấn (Advisor, Counselor, Mentor): giúp đỡ về ý tưởng thường đối với cấp cao, thường là dài hạn
- Tư vấn (Consultant): đưa ra kiến thức và phương pháp luận cho từng vụ việc hay dự án, thường là ngắn hạn
- Huấn luyện viên (Coach): song hành và theo sát doanh nghiệp theo một dự án trong một thời gian dài
Câu chuyện về ông Park Hang-seo có thể giúp doanh nghiệp nhìn ra sự cần thiết của việc tìm ra và lựa chọn nhà cố vấn, tư vấn hay HLV phù hợp nhất cho từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.
Lê Ngọc Quang