Kinh tế ngầm nằm ngoài quy định và luật lệ, nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế.
Một thực tế là mỗi khi nền kinh tế gặp khủng hoảng, con người thường có hành động tự vệ, thậm chí chấp nhận làm bất kỳ việc gì để có thể mang lại thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Đó có thể là các công việc không minh bạch, vi phạm pháp luật như buôn lậu hay buôn thuốc phiện.
Theo tờ The Economist, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và tỉ lệ thất nghiệp lên đến 25%, vào năm ngoái có tới 24% hoạt động kinh tế của Hy Lạp nằm ở khu vực kinh tế ngầm. Tức là nơi mà các hoạt động kinh tế diễn ra không chịu sự kiểm soát của Chính phủ, vì thế cũng không cần phải khai báo thu nhập và thuế.
Đối với Việt Nam hiện nay, có lẽ một trong những yếu tố hỗ trợ cho nền kinh tế qua được giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi thực hiện đổi mới vào năm 1986 là nhờ vào khu vực kinh tế ngầm. Nhưng ở một khía cạnh khác, khu vực kinh tế ngầm cũng chính là khu vực mang lại rủi ro lớn cho nền kinh tế nếu không được kiểm soát hiệu quả. Đó là việc Nhà nước sẽ mất đi một nguồn thu đáng kể và người lao động làm việc trong khu vực này cũng chịu rủi ro lớn, không thể tiếp cận mạng lưới an sinh xã hội một khi rơi vào cảnh khó khăn.
Vậy quy mô của nền kinh tế ngầm Việt Nam hiện nay là bao nhiêu? Câu hỏi thú vị này có lẽ đã được giải đáp phần nào khi mới đây một nghiên cứu được đăng trên tạp chí International Journal of Economics and Finance của Tiến sĩ Võ Hồng Đức (thuộc Đại học Mở TP.HCM và là thành viên của Cơ quan Điều hành Kinh tế Tây Úc) đã giúp khám phá ra nhiều điều đáng suy ngẫm về nền kinh tế ngầm Việt Nam.
Theo đó, quy mô của nền kinh tế ngầm hiện vào khoảng 27%, thuộc hàng cao so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á (ngoại trừ Singapore và Brunei vì không có thông tin so sánh). Điều đáng ngại hơn là tốc độ gia tăng quy mô kinh tế ngầm của Việt Nam là nhanh nhất trong giai đoạn 1999-2014, tăng gần gấp đôi kể từ năm 1999. Vì vậy, dù nghiên cứu này chỉ mang lại kết quả ước tính nhưng nó cũng là một lời cảnh báo đối với các nhà điều hành chính sách trong việc làm thế nào để đối phó với thách thức mới này.
Việc gia tăng của nền kinh tế ngầm sẽ khiến nguồn thu thuế của chính phủ sụt giảm. Điều này còn tác động tiêu cực đến số lượng và chất lượng của các dịch vụ công như y tế, giáo dục mà Nhà nước cung cấp cho người dân cũng như khiến cho nợ công tăng lên. Theo The Economist dựa vào dữ liệu của 11 quốc gia châu Âu, trung bình cứ mỗi một điểm phần trăm tăng lên của nền kinh tế ngầm so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ khiến nợ công/GDP tăng lên 0,4 điểm phần trăm.
Một nghiên cứu khác của Johnson, Kaufmann và Zoido-Lobaton (1998) chỉ ra rằng, khi nền kinh tế ngầm càng lớn, tệ nạn tham nhũng càng tăng. Nền kinh tế ngầm cũng gắn liền với hoạt động của thị trường tín dụng mờ khi doanh nghiệp và các cá nhân tránh giao dịch thông qua ngân hàng do bị Nhà nước kiểm soát và tiền mặt được lựa chọn là phương tiện thanh toán tối ưu giữa các bên. Ngoài ra, với việc gặp khó khăn khi vay vốn cũng như lãi suất đi vay không hề thấp, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng giảm đi đáng kể.
Dẫu vậy, khía cạnh tích cực không phải là không có. Ngoài việc giúp duy trì công ăn việc làm cho người lao động, nền kinh tế ngầm cũng hỗ trợ cho nền kinh tế chính thức. Ví dụ, thu nhập từ các hoạt động ngầm này có thể sẽ được các cá nhân chi tiêu trên thị trường chính thức và góp phần làm tăng GDP quốc gia.
Đó là lý do dù việc mở rộng của nền kinh tế ngầm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của chính phủ Hy Lạp, nhưng không vì thế mà họ làm mạnh tay. Đạo luật chống thất thu thuế đã được thông qua năm 2011 nhưng đến giờ vẫn chưa được triển khai. Họ lo ngại rằng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn bấp bênh, hành động này sẽ khiến các ông chủ doanh nghiệp không còn dám thuê lao động và cắt giảm kinh doanh. Và điều này sẽ lại ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người dân, còn ngân sách của chính phủ cũng không tăng được bao nhiêu.
Nhưng rõ ràng, về lâu dài, những rủi ro mà nền kinh tế ngầm này mang lại lớn hơn so với lợi ích ngắn hạn, đặc biệt khi quy mô của nó tăng trưởng quá nhanh. Có lẽ cách tốt hơn hết để kiểm soát nó là tạo động cơ để dần biến các hoạt động của khu vực này ra ánh sáng càng nhiều càng tốt, tức biến chúng thành các hoạt động kinh tế chính thức.
Theo nghiên cứu của Schneider và Enste (2000), tính phức tạp của luật lệ như những đòi hỏi về bằng cấp, giấy tờ chứng nhận kinh doanh, các luật lệ lao động đã làm giảm động cơ để người dân lựa chọn việc làm trong khu vực chính thức, trong khi chi phí hoạt động của doanh nghiệp cũng tăng lên. Vì vậy, một chính sách hướng tới môi trường kinh doanh và lao động tự do hơn sẽ là công cụ hữu ích để hạn chế đà tăng của khu vực kinh tế ngầm.
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Võ Hồng Đức, Việt Nam cũng nên cân nhắc giảm thuế để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, tạo động cơ để họ tiến hành các hoạt động kinh tế minh bạch hơn.
Theo DNSG