Ý tưởng kinh doanh là khởi đầu của sự nghiệp làm chủ. Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp không trụ được sau 2 năm hoạt động có một phần nguyên nhân là do khởi sự từ ý tưởng kinh doanh thiếu khả thi, chuẩn bị sơ sài, thiếu sự đồng thuận của các bên có liên quan.
Ý tưởng kinh doanh khả thi được khám phá trên cơ sở nhận diện đúng và phát huy những lợi thế nội tại, kết hợp với tận dụng tốt cơ hội bên ngoài.
Lợi thế nội tại
Lợi thế nội tại của người khởi sự được nhận diện trên cơ sở thấu hiểu về bản thân trên các khía cạnh: lĩnh vực đam mê, sự am hiểu và khả năng huy động nguồn lực.
Thông thường, sự đam mê là khởi nguồn cho sự hiểu biết và khả năng huy động nguồn lực giúp khởi sự thành công. Nếu chỉ có đam mê mà chưa hiểu biết đầy đủ thì cần tiếp tục quá trình học hỏi, tìm hiểu để đảm bảo kiểm soát được các hoạt động chuyên môn.
Bởi vì trong giai đoạn đầu khởi sự, người khởi sự còn đóng vai như người tự làm thuê cho chính mình, nếu không có sự hiểu biết đầy đủ thì khó lòng vượt qua được giai đoạn này.
Bên cạnh đó, người khởi sự cần thấu hiểu rõ khả năng của mình trong huy động nguồn lực để thực hiện dự án khởi nghiệp.
Khả năng huy động nguồn lực được hiểu trên hai góc độ là khả năng huy động tài chính và kết nối xã hội để đảm bảo các hoạt động được thuận lợi, nhất là sự kết nối với khách hàng (nhằm đảm bảo sản phẩm được tiêu thụ), nhà cung cấp (đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất với chi phí thấp và đạt được tiêu chuẩn yêu cầu); chính quyền địa phương (nhằm tận dụng được các ưu đãi và thuận lợi trong giải quyết các thủ tục pháp lý), nhà tài trợ (đảm bảo huy động đủ vốn cho quá trình khởi sự).
Cơ hội và thách thức từ bên ngoài
Chỉ với lợi thế nội tại chưa đủ để cá nhân đề xuất ý tưởng khả thi, mà cần phải kết hợp với việc nhận diện cơ hội bên ngoài, trách né các nguy cơ xảy ra khi khởi sự.
Các khía cạnh cần xem xét bao gồm thị trường, điều kiện đầu vào, vị trí, sự cạnh tranh trong ngành, xu hướng thay đổi công nghệ, sự thay đổi chính sách pháp luật và các yếu tố thuộc môi trường kinh tế – xã hội khác.
– Thị trường: thường là nguồn cảm hứng cho nhiều ý tưởng phát sinh. Quan sát thị trường người khởi sự thấy được khoảng trống của nhu cầu cần được đáp ứng và đó chính là khách hàng mục tiêu.
Sản phẩm của dự án khởi sự cần được thiết kế phù hợp (chất lượng, giá cả, sự khác biệt) với khách hàng mục tiêu đó. Cũng trên cơ sở phân tích thị trường mục tiêu và ý tưởng về sản phẩm, người khởi sự cần tư duy đến chiến lược liên kết với đối tác nào để marketing, lôi kéo khách hàng và phân phối sản phẩm phù hợp với năng lực, lĩnh vực và quy mô dự án khởi sự.
– Điều kiện đầu vào: Quan sát điều kiện cung ứng đầu vào giúp người khởi sự xác định rõ nguồn cung ứng đầu vào có thuận lợi cho ý tưởng khởi sự hay không. Điều quan trọng nhất cần tránh đối với dự án khởi sự là sự lệ thuộc vào một hoặc một nhóm nhà cung ứng.
– Xu hướng thay đổi công nghệ: Quan sát xu hướng công nghệ giúp người khởi sự biết được phương pháp tạo ra sản phẩm có thuận lợi với mình hay không, cần được lựa chọn phù hợp để sản xuất ra sản phẩm được thiết kế với giá thành thấp nhất.
Công nghệ bao gồm quy trình sản xuất; dây chuyền công nghệ, thiết bị; thiết kế nhà xưởng sản xuất, mặt bằng… để tạo ra sản phẩm. Sự khác biệt giữa các công nghệ cho ra sản phẩm khác nhau về chất lượng, giá thành.
Xu hướng thay đổi công nghệ thường mang đến cơ hội, cũng như thách thức đối với người khởi sự.
– Cơ sở hạ tầng: Quan sát cơ sở hạ tầng giúp người khởi sự xác định các cơ hội và thách thức trong việc kết nối thông tin, cung ứng nguyên liệu và phân phối sản phẩm.
– Sự cạnh tranh trong ngành – thường mang đến cơ hội hoặc/và thách thức cho ý tưởng khởi sự. Quan sát sự cạnh tranh giúp người khởi sự tư duy đến việc nên hợp tác với ai để tận dụng cơ hội và và tránh né rủi ro.
– Chính sách pháp luật: Chính sách nhà nước đối đầu tư vào lĩnh vực được chọn khởi sự tạo ra những cơ hội, thách thức về ưu đãi thuế, hỗ trợ lãi vay, điều kiện tiêu thụ, rào cản kỹ thuật, cạnh tranh toàn cầu.
Mô hình đề xuất ý tưởng trên cơ sở nhận diện lợi thế nội tại và tận dụng cơ hội bên ngoài được khái quát ở sơ đồ sau:
Đánh giá ý tưởng
Có nhiều hướng khác nhau để phát triển một ý tưởng kinh doanh. Để lựa chọn được hướng phù hợp với bối cảnh cũng như điều kiện cá nhân của người khởi sự, ý tưởng cần được đánh giá dựa trên một số tiêu chí nhất định
Ý tưởng kinh doanh cần xác định rõ tính khả thi về pháp lý, vị trí địa lý triển khai, thị trường mục tiêu, sản phẩm, công nghệ kỹ thuật sản xuất, mô hình tổ chức vận hành, dự kiến được dòng tiền và hiệu quả tài chính.
Người khởi sự cần xây dựng một ê-kíp với hội đủ những thành viên am hiểu về các khía cạnh nêu trên của dự án.
Việc làm trước tiên của ê-kíp đánh giá là xây dựng tiêu chí lựa chọn dự án, bao gồm: (1) Sự am hiểu của người khởi sự; (2) Tính rủi ro và khả năng kiểm soát được rủi ro; (3) Khả năng vận hành khai thác; (4) Kinh nghiệm của người khởi sự; (5) Hiệu quả tài chính.
Sau đó, ê-kíp phát triển nhiều hướng triển khai ý tưởng dự án trên các khía cạnh vị trí (chọn vị trí ở đâu), thị trường (quy mô của thị trường mục tiêu), sản phẩm (sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường mục tiêu đã chọn), công nghê (sản xuất ra sản phẩm như thế nào, chi phí đầu tư công nghệ bao nhiêu), quản lý vận hành dự án (mô hình tổ chức vận hành, vấn đề nhân sự, đào tạo), hiệu quả tài chính (xây dựng dòng tiền và các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính)… để lựa chọn phương án thích hợp cho các tiêu chí đã xác định.
Việc đánh giá ý tưởng dự án khởi sự kinh doanh được trình bày thành báo cáo gọi là báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án – là báo cáo phác thảo về ý tưởng của dự án.
Thông thường ý tưởng đầu tư mang tính chủ quan của người khởi sự và ê-kíp đánh giá. Để đảm bảo ý tưởng được triển khai thuận lợi, cần tranh thủ sự đồng thuận từ các cá nhân có liên quan.
Có hai mục đích của việc thực hiện bước này: thứ nhất là giúp người khởi sự nhận được sự phản biện để điều chỉnh ý tưởng, đặc biệt là nhận diện đầy đủ các rủi ro có thể xảy ra qua sự phản biện của đối tác; thứ hai là tranh thủ được sự ủng hộ để tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai.
Đối tượng cần nhắm đến để tranh thủ sự đồng thuận là gia đình, bạn bè, nhà tư vấn, đối tác huy động vốn, khách hàng, nhà cung cấp tiềm năng và cơ quan quản lý nhà nước địa phương liên quan.
Theo nhiều nghiên đã công bố, nếu một dự án có sự đồng thuận cao thì khả năng thành công của dự án cũng cao và ngược lại.
Kỳ sau: Khởi sự kinh doanh: Bài 2 – Triển khai dự án
Theo DNSG