Kinh tế châu Âu: họa đơn, họa kép

Vụ khủng bố chấn động nước Pháp và châu Âu tuần trước đặt ra câu hỏi, liệu nền kinh tế Pháp và châu Âu sẽ bị tác động ra sao?

b8ce8_france_europe_terror__lea_1
Cảnh sát Pháp canh gác ở sân bay Charles de Gaulle của Paris. Ảnh: Washingtontimes.Com

Hai kịch bản

Từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, các nhà kinh tế đã tập trung nghiên cứu để trả lời một câu hỏi mà họ cho rằng sẽ kéo dài nhiều thập kỷ: nền kinh tế các quốc gia sẽ bị tác động ra sao trước các đòn tấn công bất ngờ của chủ nghĩa khủng bố? Từ Bali đến New York, từ Madrid qua London… mỗi một đợt khủng bố tàn bạo đều để lại các di chấn nặng nề về chính trị, xã hội và kinh tế.

Nhưng nếu như các hậu quả về chính trị, xã hội tương đối dễ cảm nhận tức khắc thì những tác động kinh tế lại cần có độ trễ để có thể đo lường chính xác. Thường thì có hai kịch bản. Kịch bản thứ nhất, đó là các đợt khủng bố sẽ khiến đoàn kết quốc gia lên cao và khi đó sức mạnh tinh thần sẽ trở thành sức bật cho nền kinh tế. Tại Mỹ, sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, chủ nghĩa ái quốc của người dân Mỹ lên cao chưa từng thấy và suốt nhiều tháng sau đó, người dân Mỹ đã đẩy mạnh tiêu dùng với tinh thần như các chiến binh để tránh cho nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Cùng lúc đó, Chính phủ Mỹ cũng đưa ra các điều chỉnh chính sách như hạ lãi suất để kích thích kinh tế. Nhờ đó, dù gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng về vật chất, sàn chứng khoán phố Wall phải đóng cửa suốt một tuần nhưng nền kinh tế Mỹ chỉ suy giảm trong quí đó rồi bật tăng trở lại. Nhưng cũng có một kịch bản tệ hại hơn, đó là khi các đòn khủng bố diễn ra dai dẳng khiến chi phí dành cho an ninh tăng cao, tâm lý bất an và sự hoảng sợ lan tràn trong xã hội khiến các nhà đầu tư tháo chạy. Khi đó, suy thoái là điều khó tránh.

Câu hỏi đặt ra với nước Pháp và châu Âu bây giờ, là vụ khủng bố Paris sẽ đưa đến kịch bản nào? Vụ 7-1 tại Pháp thua xa vụ 11-9 tại Mỹ về mức độ hủy hoại nhưng lại diễn ra trong bối cảnh không chỉ nền kinh tế Pháp mà toàn bộ khu vực đồng euro đều đang trong tình trạng u ám kéo dài.

Gánh nặng an ninh

Hôm 12-1, vài ngày sau vụ khủng bố Charlie Hebdo chấn động châu Âu, các viện thống kê quốc gia Pháp (INSEE), Đức (IFO) và Ý (ISTAT) đưa ra các số liệu về tăng trưởng khiêm tốn của khu vực. Theo đó, tăng trưởng GDP quí 3-2014 của khối xoay quanh mức 0,2%. Có những tác động tích cực từ việc giá dầu giảm và đồng euro mất giá so với đô la Mỹ. Ba cơ quan thống kê này dự báo, nếu giá dầu xoay quanh mức 56 đô la Mỹ/thùng còn tỷ giá euro/đô la Mỹ ở mức 1,21 thì tăng trưởng của khu vực đồng euro có thể ở mức 0,3% trong hai quí đầu năm 2015, bởi giá dầu giảm giúp giảm chi phí sản xuất trong khi euro mất giá đẩy mạnh xuất khẩu.

Nhưng mặt trái luôn tồn tại. Giá dầu giảm cũng khiến tỷ lệ lạm phát ở châu Âu giữ ở mức rất thấp và nguy cơ thiểu phát trở nên rõ rệt hơn. Thêm nữa, tỷ lệ tăng trưởng quá thấp của khu vực không đủ sức đẩy lùi tình trạng thất nghiệp vẫn đang tăng đều đặn tại nhiều quốc gia, như Pháp hay Tây Ban Nha.

Điều nghiêm trọng hơn là nguy cơ khủng bố có thể làm xao lãng các mục tiêu kinh tế. Nhiều nhà phân tích cảnh báo, trong khi các nguyên thủ châu Âu tập trung diễu hành tại Paris để tuyên chiến với một mối đe dọa lâu dài thì nguy hiểm lại đang ở ngay trước mắt. Ngày 25-1 tới, Hy Lạp sẽ bầu cử quốc hội và khả năng đảng thiên tả Syriza thắng cử là tương đối lớn. Đảng này chủ trương chống lại sự áp đặt cải cách từ nhóm troika (nhóm chủ tịch G-20), muốn đàm phán lại các điều kiện cho Hy Lạp vay nợ và thậm chí, dọa rút khỏi khu vực đồng euro.

Nếu kịch bản này xảy ra (dù không lớn), khu vực đồng euro có thể sẽ chứng kiến hậu họa. Các thiệt hại gần như có thể tính được khi Hy Lạp vỡ nợ 240 tỉ euro: Đức sẽ mất 56,5 tỉ euro, Pháp mất 42,4 tỉ euro, Ý mất 37,3 tỉ euro, Tây Ban Nha 24,8 tỉ euro… Tệ nhất, là một hiệu ứng domino đổ vỡ lan sang nước khác, đặc biệt là Tây Ban Nha. Vì thế, thay vì vội vàng dồn lực cho cuộc chiến chống khủng bố lâu dài, châu Âu cần giải quyết ngay đe dọa trước mắt đó.

Trường hợp của Pháp là một minh chứng. Sau các vụ khủng bố ở Paris, Pháp đã đưa ra thêm một loạt biện pháp an ninh mới. Khoảng 10.000 quân lính được triển khai để bảo vệ các địa điểm nhạy cảm và cấp độ an ninh trong vùng Paris vẫn duy trì ở mức cao nhất. Tất cả những biện pháp này đều mang đến gánh nặng kinh tế.

Chưa hết, Quốc hội Pháp trong vài ngày tới sẽ tranh luận về một “Patriot Act” của Pháp tương tự như Mỹ, một đạo luật có thể đòi hỏi chi phí khổng lồ để phục vụ công tác tình báo. Trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế Pháp (thất nghiệp 10,4%, tăng trưởng 0,1%), thêm mối lo khủng bố đồng nghĩa với việc hy vọng sớm phục hồi lại ít đi.

Vấn đề bây giờ là để xem, sau cuộc tuần hành lịch sử ở Paris, người Pháp có giữ được tinh thần ái quốc lâu dài như người Mỹ năm 2001 hay không.

Theo Thesaigontimes