Kỳ vọng lớn vào chính sách giảm thuế

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay, việc giảm thêm dù chỉ 1 – 2% thuế đối với các doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất kinh doanh rất có ý nghĩa và tác động đáng kể đến hoạt động doanh nghiệp.

thue

Để đảm bảo minh bạch, đơn giản cho người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, tại dự thảo, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung quy định về việc xác định doanh thu tính thuế…Nguồn: internet

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn – Tổng cục Thuế chia sẻ, thuế thu nhập DN (TNDN) là một loại thuế trực thu phổ biến trên thế giới, đánh vào thu nhập của pháp nhân. Loại thuế này tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư, phân bổ nguồn lực xã hội, hoạt động kinh doanh, việc làm, thu nhập và tăng trưởng. Khi xét trên góc độ thu hút đầu tư thì cần phải tập trung vào mối quan hệ giữa thuế TNDN và thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo tính tương quan, cạnh tranh giữa các quốc gia.

Luật Thuế TNDN sửa đổi bắt đầu được áp dụng từ năm 2014 quy định thuế suất 22% không đăng ký định mức, hóa đơn đầu vào thanh toán không dùng tiền mặt, lỗ về BĐS bù trừ lãi sản xuất kinh doanh, ưu đãi thuế theo tiêu chí dự án đầu tư vào lĩnh vực nào, địa bàn ưu đãi cụ thể. Nhưng trên thực tế, thuế suất 20% được áp dụng từ tháng 7/2013 đối với các DN có doanh thu 20 tỷ đồng/năm, dựa trên số liệu cụ thể. Loại thuế suất 10% dành cho các DN đầu tư lĩnh vực nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế còn nhằm vào mục đích thu hút đầu tư, cụ thể là thuế suất ưu đãi có thời hạn (thấp hơn thuế suất phổ thông) đối với dự án đầu tư vào một số lĩnh vực cần khuyến khích cao hoặc tại địa bàn khó khăn; miễn giảm thuế có thời hạn đối với một số loại thu nhập của một số đối tượng; và đặc biệt áp dụng ưu đãi trong từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Đồng thời, để đảm bảo minh bạch, đơn giản cho người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, tại dự thảo, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung quy định về việc xác định doanh thu tính thuế, cũng như bổ sung nguyên tắc quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh sử dụng thường xuyên 10 lao động trở lên phải thành lập DN và phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ để nộp thuế kê khai theo quy định về quản lý thuế.

Đối với cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí… đủ điều kiện về công nghệ thông tin phải nối mạng với cơ quan thuế để cơ quan thuế kiểm soát doanh thu. Theo ông Phụng, chính sách thuế như vậy tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh đối với các DN trong nước và tạo lực hút với các DN nước ngoài.

Về góc độ DN, ông Trương Văn Tốt, Chủ tịch HĐQT CTCP Thanh niên Xung phong (Adeco) cho biết, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay, việc giảm thêm dù chỉ 1 – 2% thuế đối với các DN đang trực tiếp sản xuất kinh doanh rất có ý nghĩa và tác động đáng kể đến hoạt động DN.

Thực tế, trong thời gian qua khi nhiều loại thuế suất còn “neo” ở mức cao, không tránh khỏi tình trạng một số DN tính chuyện “giấu” doanh thu, lợi nhuận để trốn tránh hoặc giảm bớt một phần đối với thuế TNDN. Nhưng nay, khi mức thuế đã được điều chỉnh giảm xuống ở một mức hợp lý hơn, sẽ giúp cho vấn đề gian lận, trốn thuế giảm đi được phần nào. Điều này vô cùng quan trọng khi tạo ra được môi trường kinh doanh mang tính công bằng, bình đẳng hơn giữa các DN với nhau.

Mặt khác, việc giảm thuế còn giúp cho các DN tăng thêm tích lũy từ việc được giảm bớt phần đóng góp thuế chuyển vào lợi nhuận để tạo thêm nguồn lực cho DN. Bên cạnh đó, đây cũng là động lực kích thích các DN sản xuất đầu tư, tìm tòi sáng tạo, phấn đấu kinh doanh có hiệu quả bởi có kinh doanh hiệu quả thì phần được giảm từ thuế càng lớn, ông Tốt cho biết thêm.

Mặc dù việc giảm thuế đối với DN càng nhiều thì càng có lợi, nhưng nói như vậy không có nghĩa rằng DN không có ý thức và trách nhiệm đối với nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp cho ngân sách quốc gia. Vấn đề quan trọng chính là chỗ, mức thuế suất cần được tính toán sao cho hợp lý và phù hợp với đại đa số DN nói chung trong bối cảnh thực tế của kinh tế đất nước và tiến trình hội nhập khu vực, thế giới.

Đồng quan điểm về mức thuế hiện tại, ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Agrex Sài Gòn chia sẻ, phần lớn cộng đồng DN trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề đều khá hồ hởi với chính sách giảm thuế. Đặc biệt, lộ trình cắt giảm trong năm 2014 khi bối cảnh kinh doanh còn khó khăn là rất hợp lý, tiến đến năm 2016 thuế suất thuế TNDN lại được giảm thêm 2% xuống còn 20% cho phù hợp với tiến trình hội nhập, giúp môi trường cạnh tranh giữa các DN trong và ngoài nước được bình đẳng hơn.

Chẳng hạn với Agrex Sài Gòn, khi giảm 2 – 3% thuế TNDN là công ty đã dư ra được gần chục tỷ đồng/năm, thêm vào nguồn vốn tích lũy cho công ty, bù đắp vào những khó khăn do những chi phí khác như nhân công tăng cao và khó giảm xuống. Song để chính sách thực sự phát huy tác dụng cũng cần tính toán kỹ lưỡng để những ưu đãi có thể nhanh chóng đến với đúng những DN cần được khuyến khích, ưu tiên.

Cụ thể với những DN xuất khẩu sử dụng nhiều lao động, sử dụng 80 – 90% nguồn nguyên liệu nội địa, thu ngoại tệ về cho đất nước… cần được khuyến khích phát triển bằng chính sách giảm thuế của Nhà nước, tạo động lực cho DN làm ăn có lãi, nhằm đóng góp tích cực cho ngân sách quốc gia, ông Long trần tình.

Theo Tapchitaichinh