Ai cũng biết rằng, hiện nay tình trạng tham nhũng, thoái hóa, biến chất trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang là nỗi lo lắng của toàn Đảng, toàn dân. Từ lâu, Đảng ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, biện pháp về công tác xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt được như mong muốn. Có nhiều nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên, nhưng có một điều ai cũng thấy rõ nhất, đó chính là đặc tính duy tình của người Việt đã gây ra những cản trở trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền và tinh thần thượng tôn pháp luật.
Bắt đầu từ số báo này, Báo Năng lượng Mới sẽ mở diễn đàn “Luận bàn về tính duy tình của người Việt” với mục đích để cùng nhau thấy rõ những giá trị tốt đẹp của tính duy tình đối với người Việt trong lịch sử và hiện tại, đồng thời cũng thấy rõ những ảnh hưởng không tốt của tính duy tình trong việc xây dựng kỷ cương phép nước, mà cụ thể là trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và phòng chống tham nhũng.
Mỗi một dân tộc, mỗi một khu vực dân cư trên thế giới đều có những đặc tính văn hóa riêng. Và người ta đã tạm liệt kê ra những đặc trưng đó là tính Duy lý, Duy ý chí, Duy tâm và Duy tình.
Người theo chủ nghĩa duy lý là người luôn coi trọng quy luật khách quan, coi trọng lý trí và tư duy logic, đồng thời coi đây là nguồn gốc của tri thức. Về phương diện luật pháp, chủ nghĩa duy lý là nền tảng cho một nền pháp chế bình đẳng, công bằng, tạo nên một nền văn hóa pháp lý phát triển cao. Trong phương diện đạo đức, ứng xử, thì tư duy duy lý tạo được quyền bình đẳng giữa các cá nhân, tôn trọng cá tính, quyền riêng tư. Với người Việt ta khi ra nước ngoài, sang châu Âu, sẽ rất ngạc nhiên khi thấy những cặp tình nhân ngồi ăn cùng nhau và hôn nhau say đắm trong bữa ăn. Nhưng khi ăn xong, ai có tiền người đấy trả. Người phương Tây nổi tiếng là duy lý và quả thật, cách sống quá duy lý, sòng phẳng đến mức “lạnh lùng”, không dễ thích ứng đối với nhiều người Việt Nam. Tư duy duy lý là cơ sở quan trọng để xây dựng một xã hội phát triển bền vững, có trật tự, kỷ cương; cá nhân được khuyến khích tự do phát triển trong khuôn khổ của luật pháp sẽ tạo ra sự đa giá trị của xã hội.
Chủ nghĩa duy ý chí thì coi tính tích cực của chủ thể là quyết định tất cả, coi nhẹ các giá trị thực tiễn và coi cái “tôi” là nhất. Người mắc bệnh duy ý chí thường xem nhẹ điều tra nghiên cứu để nắm vững tình hình thực tế, coi trọng ý kiến chủ quan của cá nhân, từ đó có những quyết định độc đoán, bất chấp các quy luật khách quan. Trong hoạt động thực tiễn chính trị – xã hội, duy ý chí thể hiện ở việc xem thường hoặc phủ nhận quy luật khách quan của xã hội, cường điệu vai trò ý chí của cá nhân, của lãnh tụ trong sự phát triển của lịch sử, do đó mà dẫn tới chủ nghĩa phiêu lưu mạo hiểm hoặc độc tài cá nhân.
Trong lịch sử phát triển của thế giới cận đại, nhất là ở Trung Quốc, đã có nhiều bài học cay đắng về việc người lãnh đạo duy ý chí, gây ra những thảm họa vô cùng to lớn cho đất nước. Đó là các phong trào “Đại nhảy vọt”, “Đại cách mạng văn hóa vô sản” ở Trung Quốc vào những năm 60 của thế kỷ trước… Và tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là người Việt Nam ta không có những lúc duy ý chí. Chúng ta cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách xuất phát từ việc duy ý chí mà đã gây nên những hậu quả to lớn cho phát triển kinh tế, ví dụ như phong trào Hợp nhất hợp tác sau năm 1975; rồi chuyện nhập tỉnh, tách tỉnh… Và ngay bây giờ, không ít chủ trương, chính sách vẫn mang tính duy ý chí và đã không được đông đảo người dân đồng tình.
Còn đối với chủ nghĩa duy tâm, có lẽ điển hình cho đặc tính duy tâm này là người Trung Đông. Chủ nghĩa duy tâm thừa nhận ý thức và tinh thần là thuộc tính có trước, còn vật chất là thuộc tính có sau, nhất nhất mọi việc phải tuân theo sự phán xét, sắp đặt của Thượng đế. Đó cũng là điều có thể lý giải cho việc tại sao các cuộc xung đột về tôn giáo ở Trung Đông, Trung Á diễn ra liên miên từ thế kỷ này đến thế kỷ khác. Và đến bây giờ, nguy cơ xung đột tôn giáo vẫn đang được coi là tiềm tàng nhất. Nếu ai đã từng nghiên cứu kinh Koran thì sẽ thấy rằng, với những người theo đạo Hồi, cái chết – nếu là cái chết cho các lý tưởng, mục tiêu của Thánh Allah thì đó là một niềm vinh quang. Và trong kinh Koran cũng nói rõ, người theo đạo Hồi không được làm bạn với những người theo các tôn giáo khác, trong đó chủ yếu là người Do Thái.
Còn người Việt Nam ta thì lại có đặc tính duy tình. Chả thế mà từ xửa từ xưa đã có rất nhiều những tục ngữ, ca dao, những câu châm ngôn… thể hiện tính duy tình của người Việt. Nào là “Giọt máu đào hơn ao nước lã”; nào là “Trăm cái lý không bằng một tí cái tình”; “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”; “Thương người như thể thương thân”…
Người có đặc tính duy tình chú trọng phương diện tình nghĩa, đạo lý hơn các nội dung giáo lý, triết học. Kiểu tư duy này có mặt tích cực, ấy là hướng con người về chủ nghĩa nhân văn, làm điều thiện, hướng về những giá trị tinh thần cao cả, tốt đẹp. Do đặc tính duy tình cho nên người Việt Nam dễ dàng gắn kết với nhau khi đấu tranh với những hành động xâm phạm quyền lợi chung, sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”; “lá lành đùm lá rách” mỗi khi gặp thiên tai, địch họa… Tính duy tình của người Việt còn thể hiện trong truyền thống đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau và đã tạo ra phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam từ ngàn xưa đến nay. Trong “Truyện Kiều”, ai cũng biết câu kết “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Đây là điển hình cho việc coi trọng cái tình hơn cái lý, cái tài. Do đặc tính duy tình, khi người Việt tiếp nhận các tôn giáo từ bên ngoài đưa vào như Phật giáo, Thiên chúa giáo thì cũng chú trọng về phương diện tình nghĩa, đạo lý hơn các nội dung về giáo lý trong tôn giáo đó.
Nhưng cũng không thể không nói đến những hạn chế của tính duy tình trong việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền và tinh thần thượng tôn pháp luật. Bởi lẽ, làm cái gì cũng phải nói tình trước, lý sau. Rồi trong xử lý công việc, cái tình và cái lý cứ đan xen, chồng chéo. Từ đó dẫn đến các quy định của luật pháp được hiểu và thực hiện theo “cái tình của từng người”.
Cho nên làm thế nào để kết hợp hài hòa giữ duy lý và duy tình là điều rất không đơn giản.
Theo petrotimes