Một số doanh nghiệp phần mềm – CNTT sống dựa vào thị trường nội địa đã phải tạm ngừng hoạt động vì không trụ được qua “cơn sóng” cắt giảm chi tiêu của cả Nhà nước và người tiêu dùng.
Nhìn chung, 2012 là một năm khó khăn của các doanh nghiệp CNTT.
Giảm mạnh doanh thu
Các doanh nghiệp phần mềm – CNTT khai thác thị trường nội địa đã từng có nhiều năm khá sung túc, hơn hẳn doanh nghiệp phần mềm sống dựa vào hoạt động xuất khẩu. Đơn cử sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, các doanh nghiệp CNTT khai thác thị trường nội địa phát triển khá tốt nhờ sự tăng trưởng mạnh các dự án đầu tư, hiện đại hóa, tin học hóa của các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp trong nước. Năm 2008, xảy ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, Chính phủ tung ra gói kích cầu, doanh nghiệp CNTT phát triển trên thị trường nội địa không hề bị ảnh hưởng, thậm chí còn phát triển tốt hơn.
Tuy nhiên, từ năm 2011 và đặc biệt trong năm 2012 thì bức tranh đảo ngược 180 độ. Thị trường nội địa trở nên vô cùng khó khăn khi kinh tế trong nước tiếp tục chịu nhiều tác động của khủng hoảng kinh tế. Hoạt động mua sắm công các sản phẩm CNTT tạm chững lại khi các dự án mới không được duyệt đầu tư để khởi công, triển khai do sức ép của Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm chi tiêu công, và sự phức tạp của Nghị định 102 về quản lý hoạt động đầu tư cho ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, sức mua từ thị trường tiêu dùng cũng giảm do kinh tế khó khăn, mọi người đều tiết giảm chi tiêu.
Trao đổi với phóng viên BĐVN, ông Dương Dũng Triều, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) nhấn mạnh câu chuyện từ tháng 10/2011 đến hết quý 3/2012, Việt Nam hầu như không có dự án tích hợp nào từ vốn ngân sách Nhà nước được ký duyệt do ảnh hưởng từ quy trình đầu tư phức tạp của Nghị định 102. “Không chỉ FPT IS vướng Nghị định 102 mà rất nhiều doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực cũng gặp khó khăn tương tự. Nhiều chủ đầu tư dù đã được cấp kinh phí song lại không có dự án CNTT nào được triển khai. Những bất cập về quy trình thực hiện dự án đầu tư ứng dụng CNTT đã khiến các dự án có vốn ngân sách Nhà nước gần như bị đóng băng”, ông Triều nhận xét.
Còn ông Phạm Tấn Công, Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Việt Nam (VINASA) chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp phần mềm hướng về thị trường nội địa nói rằng kể từ khi có ngành công nghiệp phần mềm, chưa bao giờ khó khăn như hiện nay. Hay nói cách khác, 2012 là năm khó khăn nhất của các doanh nghiệp phần mềm và CNTT”.
Đồng quan điểm này, TS. Mai Anh, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội cho biết thêm: “Nhiều doanh nghiệp trong Hội đã giảm doanh thu tới 30% so với năm trước, thậm chí một số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, đóng cửa”.
Theo tìm hiểu của phóng viên BĐVN, nhiều doanh nghiệp CNTT đã phải liên tục điều chỉnh kế hoạch kinh doanh do không thể vượt qua được những thách thức của thị trường, trong đó có cả những doanh nghiệp lớn.
Tìm lối thoát
Trong bối cảnh đầy khó khăn như kể trên, các doanh nghiệp CNTT đã áp dụng nhiều giải pháp như thắt chặt kiểm soát chi phí, nỗ lực nâng cao hiệu suất hoạt động,… Hai “chiêu thức” đang được đánh giá như “cứu cánh” thực sự cho các doanh nghiệp CNTT khai thác thị trường nội địa chính là tính chuyện khai thác thêm thị trường ngoại và theo đuổi hướng hợp tác Công – Tư (PPP).
Một trong những “tấm gương” điển hình nhất hiện nay là FPT IS. Về chuyện “hướng ngoại”, sau khi đại diện Việt Nam tham gia Giải thưởng CNTT Asean 2012 và xuất sắc giành 2 giải thưởng lớn, trong đó, 1 giải Vàng dành cho sản phẩm Phần mềm quản lý Tổng thể bệnh viện – FPT.eHospital (giải cao nhất cho sản phẩm CNTT cho khối Tư nhân) và 1 giải Bạc cho sản phẩm Hệ thống Thông tin Chính quyền điện tử – FPT.eGov (giải Nhì cho sản phẩm CNTT cho khối Chính phủ), FPT IS đang đẩy mạnh quảng bá các giải pháp này tiếp cận thị trường nước ngoài, hy vọng sớm có kết quả như những sản phẩm cho khối viễn thông, ngân hàng đã thành công trước đó. Ước tính doanh số thu về từ thị trường nước ngoài đang tăng trưởng tốt ở mức 2 con số. Ngoài ra, FPT IS còn xúc tiến nhiều hoạt động kinh doanh khác ở thị trường toàn cầu.
“Hiện các hoạt động xúc tiến hỗ trợ các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp CNTT của Việt Nam ở nước ngoài rất ít, trong khi hàng đoàn doanh nghiệp nước ngoài được chính phủ và đại sứ quán của họ hỗ trợ xúc tiến thương mại ở Việt Nam. Rất mong Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp CNTT Việt Nam theo hướng này. Cụ thể là giới thiệu các cơ hội cho những doanh nghiệp có khả năng và mong muốn toàn cầu hóa như FPT để chúng tôi có thể tiếp tục xúc tiến thương mại và đầu tư kinh doanh”, ông Triều đề xuất.
Mặt khác, FPT IS cũng đã chú trọng tìm hiểu và nghiên cứu phương thức triển khai dự án ứng dụng CNTT theo các mô hình PPP hoặc hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh (BTO) hay thuê ngoài dịch vụ CNTT (IT outsourcing) nhằm đưa ra nhiều lựa chọn cho các cơ quan Nhà nước tìm kiếm một nguồn vốn đầu tư phù hợp. Tuy nhiên, việc áp dụng các hình thức này đang dừng ở giai đoạn nghiên cứu do nhiều lý do như khung pháp lý chưa sẵn sàng, tính khả thi thu hồi vốn của các dự án…
Bàn thêm về giải pháp giúp các doanh nghiệp CNTT có thể tìm được “nguồn sống” tốt hơn từ thị trường nội địa, ở góc nhìn của một chuyên gia CNTT, TS. Mai Anh cũng cho biết: “Để gỡ khó cho doanh nghiệp, từ 2 – 3 năm trước chúng tôi đã đề xuất Chính phủ có hướng thuê dịch vụ CNTT của doanh nghiệp chứ không nên để các cơ quan Nhà nước tự làm hết. Nói cách khác, tôi đề nghị các Trung tâm tin học, Cục CNTT của các Bộ, ngành phải thu hẹp phạm vi, chỉ để những bộ phận làm công tác tham mưu, quản lý, không nên “nuôi” đội quân trực tiếp triển khai các dự án. Theo kinh nghiệm thế giới, có những hoạt động không nên thuê dịch vụ của doanh nghiệp, song cũng có những dịch vụ nên thuê dịch vụ là tốt hơn cả. Cần phải có sự nghiên cứu cụ thể, chi tiết để xác định rõ những loại dịch vụ nào có thể thuê của doanh nghiệp”.
Theo ICTnews