Thuế VAT làm khó các doanh nghiệp phần mềm?

Mức thuế VAT 10% mà Bộ Tài chính dự định sẽ áp với các sản phẩm phần mềm sẽ làm các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vốn đang khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Hết thời được ưu đãi thuế

Dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính hiện đang làm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm lo lắng bởi, họ sẽ không còn được ưu đãi với thuế (Sản phẩm phần mềm nằm trong nhóm đối tượng không chịu thuế VAT). Thay vào đó, các sản phẩm phần mềm sẽ chịu mức thuế 10%.

Bộ Tài chính cho biết, mức thuế VAT dự kiến sẽ là 10% vì thuế 0% chỉ được dành cho hang hóa xuất khẩu còn 5% áp dụng với một số mặt hàng thiết yếu.

Theo kháo sát của NSS, đa phần các doanh nghiệp phần mềm đều lo lắng trước thông tin sẽ bị áp thuế 10% với các sản phẩm họ làm ra. Theo một vị lãnh đạo doanh nghiệp phần mềm, việc áp thuế này sẽ có tác động không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động của suy thoái và bản thân các công ty phần mềm đang gặp nhiều khó khăn.

Năm 2004, nhằm khuyến khích một ngành kinh tế tri thức, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư về thực hiện ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm và làm dịch vụ phần mềm. Theo đó, DN phần mềm mới thành lập được hưởng thuế suất thuế thu nhập DN 10% trong 15 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động; được miễn thuế thu nhập DN bốn năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo. Sản phẩm và dịch vụ phần mềm tiêu dùng tại VN thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng và khi xuất khẩu được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0%.

Đi ngược lại chủ trương của Đảng, nhà nước?

Ngay sau khi có những thông tin về dự thảo luật thuế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm và CNTT Việt Nam đã có cuộc họp nhằm tìm giải pháp và kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục ưu đãi để phát triển ngành phần mềm, CNTT.

Phần đông các ý kiến của doanh nghiệp tham gia đều cho rằng, việc sửa đổi các luật thuế theo hướng áp dụng thuế suất thuế VAT 5% đối với sản phẩm phần mềm và đưa phần mềm ra khỏi diện ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp là đi ngược lại với chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về phát triển và ứng dụng CNTT (Chỉ tịch 58 của Bộ Chính trị năm 2000, Quyết định 1755 của Thủ tướng Chính phủ năm 2010; Nghị quyết số 13 của BCH Trung ương Đảng khóa XI năm 2012;..) đồng thời không thống nhất với qui định của Luật CNTT và Luật Công nghệ cao.

Và, với việc gỡ bỏ hết những ưu đãi thuế với doanh nghiệp trong nước, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư cả nước ngoài và trong nước cho lĩnh vực CNTT; các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cũng bị giảm khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại thị trường trong nước.

Điều này sẽ khiến Viêt Nam sẽ bị loại khỏi danh sách các quốc gia có lợi thế cạnh tranh trên bản đồ CNTT thế giới và quan trọng hơn, những chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về CNTT khó thành hiện thực. Đó là Đề án Sớm đưa nước ta trở thanh nước mạnh về CNTT vào năm 2020; và chủ trương “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ nền kinh tế. Coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong từng ngành, từng lĩnh vực. Phát triển mạnh công nghiệp công nghệ thông tin, thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm phát triển nhanh, bền vững.”

Đại diện VINASA cho hay, các DN đã thống nhất kiến nghị việc sửa đổi Luật Thuế VAT và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đảm bảo duy trì chính sách ưu đãi về thuế đối với phần mềm như qui định hiện hành; đồng thời kiến nghị đưa thêm dịch vụ công nghệ thông tin vào đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi như đối với phần mềm để phù hợp với xu thế phát triển của CNTT nói chung và ngành CN phần mềm nói riêng.

Theo ông Đoàn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CPTH Việt Nhật (VINICORP), nếu Bộ Tài Chính áp dụng khung thuế giá trị gia tăng mới (thuế suất 10%), hiện tại VINICORP bị ảnh hưởng chưa nhiều do Doanh thu của công ty có được chủ yếu từ thị trường gia công xuất khẩu. Tuy nhiên, khi VINICORP phát triển và mở rộng thị trường trong nước, việc áp thuế GTGT theo khung thuế mới sẽ khiến cho người tiêu dùng trong nước cảm thấy giá của sản phẩm đắt hơn khi phải trả thêm 10% thuế GTGT. Trong trường hợp như vậy để giữ được khách hàng, VINICORP cũng như các doanh nghiệp phần mềm khác phải tính đến bài toán hạ giá thành để giảm giá bán của sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng trong điều kiện chi phí sản xuất ngày một tăng cao. Đây quả là là một bài toán khó cho các doanh nghiệp nói chung không chỉ doanh nghiệp sản xuất phần mềm.

Ông Đoàn Mạnh Cường (bên trái màn hình), Giám đốc VINICORP
Hơn nữa trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, bán được sản phẩm đã rất khó nay lại thêm 10% thuế GTGT càng cộng thêm khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp là ngày càng gia tăng phát triển sản phẩm ở thị trường trong nước.

Ông Cường cũng chia sẻ, để đảm bảo tính cạnh tranh thì Chính phủ và Bộ Tài Chính nên xem xét kéo dài thời gian ưu đãi thuế TNDN đối với các doanh nghiệp sản xuất phần mềm trong nước, tạo khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp phần mềm nước ngoài như Ấn Độ, Trung Quốc,.. trên thị trường trong nước và quốc tế. Và  một chính sách thuế ổn định sẽ không chỉ giúp những doanh nghiệp mà còn cả những bạn hàng quốc tế cũng có lòng tin vào môi trường kinh doanh ổn định tại Việt Nam.

Theo NSS