Ngân hàng điện tử: Đã đến thời?

Cuộc đua công nghệ của các ngân hàng Việt đang nóng lên.
Vào một ngày nào đó, nếu bạn nhận được thông báo nhận tiền ở trên tài khoản Facebook thì cũng đừng vội bỏ qua vì sợ bị lừa đảo. Có thể thực sự một người bạn nào đó muốn chuyển tiền cho bạn thông qua tài khoản Facebook, dựa trên một dịch vụ mới mà Techcombank vừa giới thiệu gần đây. Dịch vụ này không có gì quá phức tạp: người nhận tiền sẽ nhận được mật mã để có thể rút tiền trực tiếp tại ATM.

21965_NganHang
Ngày càng nhiều người sử dụng dịch vụ E-Banking qua điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng

Bất kể bạn có phải là tín đồ của Facebook hay không, nhưng nó cho thấy một điều quan trọng: các ngân hàng đang nỗ lực tiếp cận khách hàng ở mọi kênh phân phối. Và tất nhiên, Techcombank không phải là ngân hàng duy nhất đang số hóa kênh phân phối của mình.

Thay đổi cách tiếp cận

Công nghệ số trong ngành ngân hàng chính là dịch vụ ngân hàng điện tử E-Banking, tức chỉ các giao dịch mà khách hàng không cần phải đến chi nhánh ngân hàng như SMS Banking (giao dịch từ các tin nhắn), Internet Banking (giao dịch trên thiết bị có kết nối internet) hay Mobile Banking (giao dịch trên phần mềm ở các thiết bị di động).

E-Banking thực ra không phải là điều mới mẻ. Theo tờ The Economist, các ngân hàng trên thế giới đã từng đua nhau lên mạng vào thời kỳ bùng nổ dotcom đầu thập niên 2000 và làn sóng thứ hai vào giữa thập niên 2000, nhưng đều không thành công. Tuy nhiên, đến làn sóng thứ ba này lại bùng nổ mạnh hơn nhờ sự phổ biến của các thiết bị di động như máy tính bảng, điện thoại thông minh.

Ngày nay, lượng giao dịch ngân hàng qua điện thoại và iPad trong năm 2013 đã tăng lần lượt 2,3 và 10 lần so với năm 2010, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực tại hội thảo “Phát triển ngân hàng bán lẻ hướng tới mô hình hiện đại và toàn diện” đầu tháng 12 vừa qua (ông Lực dẫn lại nguồn từ KPCB và Morgan Stanley trong báo cáo Xu thế Ngân hàng Bán lẻ trên thế giới và Việt Nam).

Ở Việt Nam, thời của E-Banking được biết đến nhiều hơn có lẽ vào lúc mà các dịch vụ Internet Banking bắt đầu được triển khai (giai đoạn 2006-2007) khi hạ tầng internet ngày càng hoàn thiện hơn. Còn dịch vụ Mobile Banking bắt đầu trở nên phổ biến kể từ 2 năm trở lại đây.

Hiện có 43 ngân hàng triển khai dịch vụ Internet Banking, trong khi mới chỉ có 32 ngân hàng triển khai Mobile Banking. Tổng số tài khoản đăng ký sử dụng Mobile Banking chưa bằng một nửa so với Internet Banking.

Có thể nói, Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao về tiềm năng phát triển của E-Banking. Đó là nhờ có khả năng tiếp cận internet cao (43,9% dân số sử dụng internet, trong khi mức trung bình của các quốc gia Đông Nam Á là 35%, theo Ngân hàng Thế giới) và số người sử dụng điện thoại thông minh đang tăng lên (36% dân số sử dụng điện thoại thông minh, theo khảo sát của Google).

Sự tiện lợi của E-Banking đối với người dùng là không thể phủ nhận. Khách hàng chỉ cần ngồi nhà là có thể kiểm tra tài khoản, thanh toán hóa đơn hay tạo một tài khoản tiết kiệm trực tuyến.Các ngân hàng cũng được lợi lớn từ xu hướng này. Đó là tiết kiệm được chi phí giao dịch trực tiếp. Theo báo cáo “Hệ thống phân phối Ngân hàng Bán lẻ 2014” của McKinsey, một trong những điểm lợi khi số hóa kênh phân phối của ngân hàng là tiết kiệm đến 30 -50% chi phí của các chi nhánh.

Hiện nay, các ngân hàng bán lẻ đang có sự thay đổi mô hình từ trọng tâm là chi nhánh chuyển dần sang khách hàng, theo ông Kalidas Ghose, Giám đốc Khối Ngân hàng cá nhân của VPBank. Cụ thể, các ngân hàng thiết kế kênh phân phối phù hợp với từng phân khúc khách hàng khác nhau, chứ không đơn thuần là bán sản phẩm đồng nhất ở các chi nhánh như trước đây. Và giờ chi nhánh cũng chỉ là một điểm bán hàng thuần túy, giống như kênh trực tuyến của ngân hàng.

Chập chững E-Banking

“Số lượng chi nhánh ở thị trường phát triển đã giảm trong khi ở thị trường đang phát triển, các chi nhánh vẫn được tăng lên”, ông Kalidas, VPBank, cho biết. Đó chính là sự trái ngược ở các thị trường đang phát triển. Số chi nhánh tăng lên có thể là vì chi nhánh vẫn là kênh truyền thống và số lượng vẫn còn quá ít so với quy mô dân số. Còn một lý do khác là các sản phẩm ngân hàng trực tuyến chưa đáp ứng được nhu cầu. Rõ ràng, khi những thách thức này chưa được giải quyết, E-Banking chưa thể phát triển mạnh.

Nhìn lại, sự nhộn nhịp trong các dịch vụ E-Banking chỉ mới đến từ phía ngân hàng, trong khi số lượng người dùng chưa thực sự tương xứng. Tại Việt Nam, số lượng tài khoản hoạt động thường xuyên của dịch vụ Internet Banking chỉ 30%, còn Mobile Banking ở mức 50%, tính đến cuối tháng 6.2014, theo Công ty Cổ phần Dịch vụ Thẻ SmartLink.

Thống kê của Statista.com cũng cho thấy vào năm 2012, tỉ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử ở Việt Nam chiếm 8,9% dân số, ngang với các nước ở khu vực Trung Đông và châu Phi, chỉ bằng 38% mức trung bình của khu vực châu Á và bằng 1/3 mức trung bình của thế giới.

Nhận xét về sự phát triển của E-Banking, ông Nguyễn Hoàng Long, cho rằng Phó Tổng Giám đốc SmartLink, tuy ra đời sớm, nhưng mức độ đầu tư của các ngân hàng vào dịch vụ Internet Banking tương đối khác nhau.

Phần đông ngân hàng cung cấp dịch vụ cơ bản, còn lại “chỉ mới số ít các ngân hàng (khoảng 20-30%) cung cấp các tiện ích cao hơn. Còn dịch vụ Mobile Banking vẫn đang ở trong giai đoạn đầu phát triển”, ông Long cho biết.

Điều này có thể là do chi phí đầu tư cho công nghệ quá lớn đối với các ngân hàng Việt Nam. Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn có hội sở ở TP.HCM (không muốn nêu tên) cho biết các ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn đầu tư với E-Banking.

“Đầu tư công nghệ có lợi khi chi phí giao dịch giảm, nhưng chi phí công nghệ lại rất lớn. Tính đi tính lại, ngân hàng vẫn chịu lỗ, chẳng hạn như Ngân hàng đang lỗ với kênh phân phối ATM, nhưng vẫn buộc phải làm”, vị này nói.

Ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB), trong buổi hội thảo ngân hàng bán lẻ đầu tháng 12, cũng cho rằng các ngân hàng Việt Nam hiện chưa đầu tư nhiều vào kênh trực tuyến và các tiện ích dịch vụ vẫn còn ít. Dù vậy, ông vẫn tin tưởng vào E-Banking. “Trong một vài năm tới, chúng ta sẽ được nhìn thấy những sản phẩm khác hẳn”, ông nói.

Theo NCĐT