Quá hạnh phúc, người Việt chỉ biết hát

Ở một trong những đất nước hạnh phúc nhất thế giới, người ta tối ngày ca hát. Người lớn hát, trẻ em hát, công ty tư nhân tổ chức thi hát, truyền hình quốc doanh thiết kế đêm nhạc…

Ban giám khảo chương trình "Nhân tố bí ẩn" - 1 trong 3 chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc chiếm giờ vàng cuối tuần sóng truyền hình Ban giám khảo chương trình “Nhân tố bí ẩn” – 1 trong 3 chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc chiếm giờ vàng cuối tuần sóng truyền hình
Bạn có bao giờ tự hỏi rằng ở một quốc gia không được “hạnh phúc” như Việt Nam, thì mỗi tối, trên kênh truyền hình lớn nhất đất nước, người ta sẽ phát chương trình truyền hình thực tế gì để giải trí?
Thì đây: một cuộc thi, với 14 phụ nữ làm nghề nông, cùng với 26 thanh niên thành thị, được đưa vào một ngôi làng thiết kế đặc biệt với máy quay giám sát 24 giờ. Những người nông dân (các huấn luyện viên) sẽ hướng dẫn đám thanh niên kỹ năng tồn tại bằng nông nghiệp, để rồi sau đó tìm ra người chiến thắng.
Một chương trình với format quen thuộc, na ná như bất kỳ show nào như Người giấu mặt hay Next Top Model, chỉ có điều ở đây là tôn vinh các kỹ thuật nông nghiệp và vai trò của người phụ nữ. Sự phổ biến của chương trình mang tên là “Maisha Plus” này thậm chí đã gây sức ép ngược bắt các lãnh đạo Tanzania phải thường xuyên bàn về nông nghiệp hơn.

Quá hạnh phúc, người Việt chỉ biết hát (1)

“Maisha Plus” – chương trình truyền hình thực tế về nông nghiệp trên “giờ vàng” kênh truyền hình lớn nhất Tanzania
Đó là chuyện ở Tanzania. Xin nhấn mạnh là kênh truyền hình lớn nhất, và show này được một nửa dân số Tanzania theo dõi. Ở ngoại ô, không có TV, cả làng phải tụ tập lại vào “giờ vàng” để cùng xem.
Nhưng đấy là Tanzania. Họ là một nước nghèo. Họ không hạnh phúc. Nên họ mới phải làm show truyền hình thực tế về kinh tế vi mô, về nông nghiệp. Chứ chúng ta, thì chúng ta phải hát.
Hai ngày cuối tuần nếu không đi chơi và ngồi trước máy thu hình thì bạn có rất ít lựa chọn ngoài xem hát. Trong ba ngày cuối tuần là 3 chương trình truyền hình thực tế lớn về âm nhạc, từ Nhân tố bí ẩn, Giọng hát Việt nhí, Đồ rê mí, và nếu tính cả Bước nhảy hoàn vũ nhí thì tổng cộng là 4 cuộc thi lớn liên quan đến âm nhạc choán sóng truyền hình.
Nếu chuyển sang VTV1 thì bạn sẽ nghe “Giai điệu tự hào” vào thứ Bảy và đêm qua là một chương trình truyền hình trực tiếp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ, tất nhiên cũng lại là… hát. Cứ phải hát trước đã.
Nếu không tính những chương trình ca nhạc kỷ niệm đầy tính hình thức, thì chúng ta đang có một thực tế rất vui, là những cuộc thi hát trăm hoa đua nở. Vietnam Idol kết thúc, Gương mặt thân quen chiếm chỗ, rồi Ngôi sao Việt vừa kết thúc, đã có Giọng hát Việt nhí, Đồ rê mí, tháng 9 này Vietnam Got Talent sẽ lên sóng.
Trong khung giờ vàng hiện tại, chỉ còn một cuộc thi lớn không liên quan đến âm nhạc là Vua đầu bếp.
Và người ta phải tự hỏi rằng có phải là người Việt Nam vui quá nên phải hát, hay đơn giản là nếu không hát thì chẳng biết làm gì?

Quá hạnh phúc, người Việt chỉ biết hát (2)
Trong khung giờ vàng hiện tại, chỉ còn một cuộc thi lớn không liên quan đến âm nhạc là Vua đầu bếp.
Các nhà sản xuất cũng đã rất nỗ lực trong việc tìm ra chương trình hay ở nước ngoài. Họ đã thử đem về Next Top Model, Project Runway, Iron Chef, MasterChef, những chương trình có gắn với các kỹ năng khác của cuộc sống ngoài hát, nhưng có vẻ như ca vũ là thu lợi tốt nhất – và chiếm đa số. Có lẽ không trách được các nhà sản xuất mà khán giả đã định hướng truyền hình, họ thích xem hát.
Trên sóng truyền hình của chúng ta, vào các khung giờ vàng không thể tìm thấy được một chương trình truyền hình thực tế liên quan đến thể thao, đến tài chính, đến y tế, đến hằng hà sa số các mảng chủ đề của cuộc sống muôn màu mà các kênh nước ngoài đã khai thác từ lâu. Một chương trình như “Maisha Plus” của người Tanzania, có lẽ là một giấc mơ xa vời với người nông dân Việt Nam.
Xin nhắc lại là không thể trách nhà sản xuất, họ buộc phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu.
Và khách hàng của họ thì còn đang rất hạnh phúc, không rảnh mà quan tâm đến nông nghiệp hay tài chính. Cái đó, để người Tanzania họ làm.
Theo Cafebiz