Phần lớn doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện nay mới chỉ chú trọng đến việc đa dạng hóa sản phẩm, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh… mà quên đi một yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược phát triển bền vững, lâu dài của DN, là vấn đề quản trị nhân lực, dẫn đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN chưa tương xứng với kỳ vọng.
Theo đánh giá của IBM, Key Discovery, hiện nay, các DN Việt Nam trung bình chỉ sử dụng khoảng 40% năng suất của nguồn nhân lực mà họ đang sở hữu và nguyên nhân của vấn đề này cơ bản nằm ở sự yếu kém về công tác quản trị nguồn nhân lực.
Tiền phải hòa vào lợi ích
Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng chỉ ra rằng xét trong khu vực Asean, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore 15 lần, chỉ bằng 1/5 Malaysia và bằng 2/5 Thái Lan.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu được công bố trong nhiều cuộc hội thảo cho thấy, Hệ số tiêu chuẩn phản ánh của vốn đầu tư (ICOR) của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, đồng thời các yếu tố cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất lao động ảnh hưởng rất nhỏ tới tỷ lệ tăng trưởng GDP. Nguyên nhân gồm 2 yếu tố quan trọng liên quan tới nhân lực là chất lượng đội ngũ lao động và năng lực quản trị của DN Việt Nam còn chưa tốt so với các nước.
Ts. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cho biết những khó khăn và hạn chế chủ yếu mà phần lớn các DN ở Việt Nam hay gặp phải là nhận thức chưa đúng về vai trò then chốt của nguồn nhân lực con người và quản trị nguồn nhân lực đối với sự thành công của DN; trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động chưa cao, thiếu cán bộ quản lý giỏi và các chuyên gia về quản trị nguồn nhân lực. Hay DN cùng lúc phải giải quyết tình trạng thiếu lao động có trình độ lành nghề cao nhưng lại thừa lao động không có trình độ lành nghề hoặc có những kỹ năng được đào tạo không còn phù hợp với những yêu cầu hiện tại, dẫn đến năng suất lao động thấp…
Sự gắn bó của các cá nhân trong DN không chỉ phụ thuộc vào lương
Ts. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lí kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định, “Quản trị nhân lực đầu tiên phải nói về lãnh đạo. Cái hay cái đẹp nhất của DN là khi “ông chủ” coi nghề là nghiệp là máu thịt. Làm kinh doanh chỉ nghĩ đến kiếm tiền thì chưa xong. Cách làm ăn kinh doanh của DN, tiền phải hòa vào lợi ích cho DN”.
“Một việc cũng góp phần quan trọng trong việc phát triển của DN gồm yếu tố làm việc theo nhóm. Có 3 yếu tố: Chân thành, nhiệt tình, nghĩa lý. Tuy nhiên hiện nay, DN Việt Nam lại thiếu một số yếu tố. Do vậy, để làm việc tập thể hiệu quả, DN cần khuyến khích sáng tạo, cổ vũ cái mới, thực sự chân thành và biết chia sẻ”, ông Thành nói tiếp.
Hợp tác tài chính và nhân sự
Kết quả công bố khảo sát toàn cầu của Công ty Ernst & Young Việt Nam (EY) trên 550 CFO (giám đốc tài chính) và CHRO (giám đốc bộ phận nhân sự) ở các cấp độ khác nhau cũng cho thấy sự khác biệt giữa CFO và CHRO khi hợp tác chặt chẽ. Theo đó, DN sẽ có cấu trúc tổ chức và mô hình hoạt động trưởng thành hơn; CFO và CHRO sử dụng thông tin chính xác và số liệu đã phân tích để giúp DN định hình chiến lược và cùng nhau xác định giải pháp cho những vấn đề của DN, thay vì phản ứng dựa trên những gì chiến lược kinh doanh đưa ra…
Ông Hoàng Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn Quản trị Doanh nghiệp, Công ty Ernst & Young Việt Nam, cho rằng tất cả nỗ lực của các DN trong quá trình chuyển đổi và tái cấu trúc đều nhằm mục tiêu phát triển con người, mang lại sự công bằng đối với sự đóng góp của mỗi cá nhân trong DN và nhằm nâng cao văn hóa của DN. Tái cấu trúc là cần thiết nhưng làm thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả của người lao động, gắn bó với DN, cái đó còn quan trọng hơn rất nhiều.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển DN, vấn đề quản trị nhân lực cần nhìn ở khía cạnh người quản lý. Nếu nhìn một cách hệ thống, lao động dù có năng lực nhưng để thể hiện được năng lực lại phải có cơ hội. Tài chính thực chất liên quan đến nguồn lực. Đây là yếu tố hỗ trợ người lao động sử dụng nguồn lực của mình.
Bà Phạm Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Những khó khăn, hạn chế trong quản trị nguồn nhân lực ở Việt Nam đặt ra yêu cầu cần phải thay đổi cơ bản cách thức hoạt động quản trị con người trong DN. Các DN cần có hệ thống quản trị nhân lực với những chính sách về tuyển dụng, đào tạo, trả lương, khen thưởng, đánh giá mới cho phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay của DN”.
Đặc biệt, trong sự gắn bó của các cá nhân trong DN không chỉ phụ thuộc vào lương, thưởng mà còn là môi trường làm việc của chính các DN. Đối với người giỏi, việc đánh giá năng lực hoặc lương thế nào cũng không quan trọng bằng sự tôn trọng. Do vậy, chủ DN cần tôn trọng và coi trọng nhân viên trong công ty. Vì bản chất trong sự vận hành của một DN gồm: quy trình – công nghệ – con người. Nghĩa là dù DN có đầu tư vào công nghệ nhưng nếu không có con người vận hành thì cũng sẽ không đi tới đâu.
Theo TBKD