Trong quá trình hoạt động của mỗi doanh nghiệp, những rủi ro, biến cố có thể đến bất chợt bất kỳ lúc nào và nơi nào. Rủi ro thường không hiện hữu khi chúng ta muốn nhìn nhận về nó mà chỉ xảy ra vào những lúc “sơ xảy” hoặc kết hợp với những rủi ro khác, nhiều khi những điều xấu cứ thế mà dồn dập đến theo kiểu “định luật Murphy” (cách trào phúng định luật bánh bơ “Nếu một việc có thể diễn tiến xấu, nó sẽ diễn tiến đúng như thế”, tiếng Anh: Anything that can go wrong, will go wrong).
Quản trị rủi ro càng trở nên cấp thiết và hiện nay đã được coi là một công cụ quan trọng trong quản trị hiệu quả và quản trị phát triển bền vững cho mọi doanh nghiệp. Công tác quản trị rủi ro có những đặc thù riêng cho mỗi doanh nghiệp.
Hoạt động quản trị rủi ro vừa được hướng tới tất cả các bộ phận nào đó trong doanh nghiệp (không cần thành lập một bộ phận quản lý rủi ro riêng lẻ) để quản lý và vừa được tập trung quản lý một cách riêng lẻ vào bộ phận nào đó, ví dụ như bộ phận kinh doanh.
Với những công cụ hỗ trợ đắc lực của hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) và các ứng dụng công nghệ thông tin khác, việc triển khai thành công khung quản trị rủi ro doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp tạo dựng được những công cụ hiệu quả vừa tạo thêm giá trị mới, vừa bảo toàn giá trị cho doanh nghiệp.
Quản trị rủi ro doanh nghiệp cung cấp một cách nhìn toàn diện, nhất quán về nhận diện rủi ro và tạo ra giá trị thông qua việc góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng việc giảm thiểu rủi ro để tăng lợi nhuận và dòng tiền cũng như sử dụng các công cụ của quản trị rủi ro doanh nghiệp để đạt mục tiêu chiến lược đã đặt ra.
Quản trị rủi ro trợ giúp doanh nghiệp xác định và xếp thứ tự ưu tiên trong việc quản lý, xử lý các rủi ro chính giúp tối ưu hóa nguồn lực doanh nghiệp, tối ưu hóa mối quan hệ rủi ro và lợi nhuận đồng thời, giám sát hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thông qua chỉ số rủi ro chính đồng thời nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…