ERP đang là đích ngắm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Không ít doanh nghiệp Việt Nam đang muốn đầu tư vào ERP. Thế nhưng, SOA mới chính là cái đích tốt.
Có 2 quan điểm về kiến trúc hướng dịch vụ (SOA – service-oriented architecture). Một cho rằng SOA sẽ thay ứng dụng hệ thống hoạch định nguồn lực (ERP) doanh nghiệp (DN). Đằng khác lại cho rằng không. Tuy nhiên, nhìn vào những thông tin, sự kiện đã và đang diễn ra trong những năm gần đây, ta thấy SOA đang được tiếp sức để trở thành “người hùng” mới trong DN.
SOA – Tại sao?
Oracle, SAP là 2 công ty toàn cầu cung cấp về giải pháp ERP cho DN từ vừa trở lên và những định hướng của họ luôn là trọng tâm của những báo cáo về xu hướng ứng dụng CNTT trong DN. Họ đã loan báo rằng sẽ hiện thực hoá SOA trong thế hệ sản phẩm tiếp theo của mình. SAP công bố 500 dịch vụ đã sẵn sàng trong SAP NetWeaver and mySAP Business Suite còn Oracle thì đầu tư mạnh tay vào SOA. Không đứng ngoài cuộc, IBM nói họ đã đầu tư hàng tỷ USD vào SOA, Microsoft thì âm thầm phát triển kiến trúc dịch vụ của mình từ năm 2002 bằng con bài chiến lược .NET framework.
Hơn 20 năm ra đời và phát triển mã nguồn mở đã làm không ít đại gia phần mềm phải đau đầu. Chẳng hạn như, thập niên 90, Linux cũng đã làm cho Microsoft phải thay đổi rất nhiều trong toàn bộ định hướng chiến lược phát triển sản phẩm của họ. Và sự ảnh hưởng của mã nguồn mở cũng đã lan sang các ứng dụng trong DN như như SugarCRM, Tiny ERP, Compiere. Chắc chắn Oracle hay SAP không vui về điều này, và cách họ làm là phải cho ra một sản phẩm vượt bậc về công nghệ: họ đã tin tưởng vào SOA.
ERP hình thành ở thập niên 90, cũng là thời đại của phương pháp phát triển ứng dụng dựa trên đối tượng và phân lớp. Nhu cầu của DN sẽ được được phân tích thành những chức năng đồng thời sử dụng tối đa những gì đã làm. Cách tiếp cận này đã giúp cho nhà phát triển thành công trong cá ứng dụng đơn, nhỏ và vừa. Đối với một ứng dụng thuộc quy mô cực lớn, phân tán nhiều nơi như ERP thì mô hình lập trình và công nghệ trong giai đoạn này không thể giúp đảm bảo được khả năng tương tác giữa các công nghệ bằng con đường ngắn nhất.
Gần như một quy luật trong nghành công nghiệp phần mềm, cứ độ một thập kỷ, tư duy lập trình lại thay đổi. Sự xuất hiện ngôn ngữ truyền tải dữ liệu XML, kéo theo những công nghệ mới làm thay đổi phương thức xây dựng phần mềm ứng dụng. Dữ liệu của các hệ thống trao đổi dễ dàng hơn, chức năng trong một chương trình trở thành khái niệm dịch vụ, quan trọng hơn nó không bị cột chặt vào bất kỳ nền công nghệ nào. Theo báo cáo của Gartner, công ty nghiên cứu thị trường CNTT, vào năm 2010, hơn 80% công ty phần mềm sẽ thiết kế ứng dụng của họ theo SOA và 60% DN triển khai SOA, đồng thời hơn 65% ứng dụng của người dùng “biến thành” nguồn cung cấp dịch vụ.
Không phải một vài công ty phần mềm đưa ra khái niệm phần mềm là dịch vụ để tạo khác biệt cho việc tiếp thị mà đó như một “lý thuyết mới” cho cả ngành. Những ý kiến bênh vực cho SOA sẽ không thay thế ERP đều đến từ sự phản biện của nhà cung cấp, thực chất họ đang đi nước đôi, lên tiếng bảo vệ sản phẩm ERP của mình nhưng đồng thời triển khai những ứng dụng dựa trên dịch vụ.
Doanh nghiệp Việt Nam và “SOA phía trước”
Sau 1 năm gia nhập WTO, đã có hơn 1.000 DN nước ngoài thành lập ở Việt Nam và đó là một trong những dấu hiệu cho sự cạnh tranh sắp tới. Bên cạnh nhưng thách thức về vốn, kinh nghiệm hay nhân lực cao cấp, có lẽ một thách thức khác đang tồn tại nhưng lại không được nhắc tới nhiều đó là kiến trúc hệ thống thông tin trong DN Việt Nam.
Sang Việt Nam, không ít công ty nước ngoài trực thuộc những tập đoàn có tiếng trên thế giới. Đương nhiên họ cũng đem theo hệ thống thông tin từ công ty mẹ. So với DN Việt Nam họ đã qua “thử sai” và trong giai đoạn khai thác những lợi thế từ kiến trúc CNTT đem lại.
Trong khi đó, các DN Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tư CNTT, và ERP, theo “quán tính” đang là cái đích ngắm. Đến cuối 2007, vẫn chưa có con số chính thức số lượng DN Việt Nam ứng dụng thành công hệ thống ERP và số lượng đang triển khai thì ngày một tăng. Chính những hứa hẹn của ERP là để kiểm soát được thông tin tức thời, đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu của DN khi có những kế hoạch, dự định mới như thế nào… Tuy nhiên, con đường đi tới mục tiêu đó lại xuất hiện những “cạm bẫy” bất ngờ.
Trước hết là xu hướng SOA. Mục tiêu của SOA và ERP giống nhau, cả 2 đều muốn hệ thống CNTT kiểm soát toàn bộ thông tin đang diễn ra trong quy trình DN. Đó có thể là thông tin về nhà cung ứng, khách hàng, đối tác, tài chánh, ngân hàng… ở một thời điểm bất kỳ.
Kiến trúc ERP mà DN Việt Nam đang nhắm tới đã bộc lộ khuyết điểm so với SOA là ở khả năng xoay sở khi quy trình, định hướng tổng thể của DN thay đổi. Nếu trong ERP hiện thực hóa các quy trình DN thành một chức năng tích hợp vào hệ thống chính, khó tháo rời và mất nhiều thời gian để cập nhật, bổ sung quy trình. SOA thì lại được ví như những mảnh lắp ghép của đồ chơi Lego có thể tháo lắp để tạo thành những kiến trúc đặc thù cho một nhu cầu nào đó. Quy trình DN trong ERP bị đóng chặt trong ứng dụng, ngược lại dịch vụ trong SOA là quy trình DN được tự do để có thể tận dụng ở nhiều nơi hay ở những mục đích khác nhau.
Cách đây 2 năm, khi chưa vào WTO, để triển khai ERP, công ty buộc phải chuẩn hóa những việc làm trong DN của mình thành những quy trình cụ thể, có mô tả đầu vào, đầu tra, những ai liên quan tới quy trình đó… Những thông tin này được cụ thể hóa thành những chức năng trong ERP. Có lẽ lúc đó sự cạnh tranh từ đối thủ chưa rõ ràng và động lực để cấu trúc lại DN cũng chưa mạnh nên đã không ít DN Việt Nam triển khai ERP không thành công bởi quy trình hoạt động thực và ERP là 2 thực tế khác nhau.
Một năm gia nhập WTO, các công ty nước ngoài ngày một nhiều, DN Việt Nam biết họ là những đối thủ chuyên nghiệp từ những nước phát triển nên khoảng cách giữa quy trình thực tế và chức năng trên ERP ngày một ngắn đi. Và cũng chính áp lực chuẩn hóa và đối thủ trước mắt ở thời điểm hội nhập không lâu lại che đi một rủi ro khác trong hệ thống ERP của DN. Đó là quy trình đang chuẩn hóa chưa trải qua thời gian để trở thành những thành phần ổn định cho ERP. Chẳng hạn như quy trình trong ERP đang triển khai sẽ ra sao khi 3 năm tiếp theo, DN có nhu cầu mua lại các nhà phân phối?? Tính ổn định trong quy trình DN Việt Nam chưa được chứng minh chắc chắn sẽ tạo ra một ERP cũng không chắc chắn và khó đảm bảo được nhu cầu ở tương lai, chưa kể chi phí cho một giải pháp ERP cũng có thể lên đến vài triệu USD!
Ngay lúc này mà cho rằng DN Việt Nam đừng nhắm vào ERP nữa mà hãy nghĩ tới SOA thì có lẽ sẽ không thuyết phục bởi chính SOA cũng chưa chứng mình được thành công ở Việt Nam. Nhưng có một cách tiếp cận SOA trong thời điểm này là những quy trình được chuẩn hóa và trở thành chức năng cho ERP cũng là dịch vụ. Như thế, DN đã tránh được rủi ro đang “núp” trong ERP. Có một cái hay khác của SOA là nó không phủ định hết những gì đã được tạo ra để có ERP. SOA sẽ sử dụng lại chúng. SOA không phải là một sản phẩm như ERP mà là một phương pháp để tái cấu trúc hạ tầng thông tin của DN.
( Theo PCWorld )