Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã trở lại và sẵn sàng để dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu trong năm 2015.
Sau một khoảng thời gian dài vật lộn với nhiều biện pháp khác nhau để tìm cách ra phương cách hiệu quả thoát khỏi cuộc Đại khủng hoảng 2008, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã dần cải thiện được tình hình để tiến tới việc phục hồi hoàn toàn sức mạnh. Nhưng vấn đề kinh tế lại không mấy tươi sáng đối với các cường quốc khác.
Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại khi phải chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ chủ lực là đầu tư công sang thúc đẩy kinh tế tiêu dùng. Nhật Bản có khả năng lại một lần nữa trượt dài vào suy thoái. Nga đang đau đầu tìm lời giải cho bài toán xuất khẩu năng lượng. Kinh tế Châu Âu lại tiếp tục tăng trưởng ảm đạm.
Vậy nền kinh tế Mỹ ra sao?
Sáu năm đã trôi qua kể từ khi cuộc khủng khoảng kinh tế xảy ra và gần như nhấn chìm hệ thống tài chính, kinh tế Mỹ trong năm 2015 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng một thập kỷ. Nền kinh tế mỹ đã thăng hoa trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 – tăng 5% so với cùng kỳ năm trước – và trở thành quý tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2003.
Tốc độ đó có thể giảm đôi chút vào các quý kế tiếp. Thế nhưng, người dân Mỹ vẫn kỳ vọng kinh tế sẽ tăng trưởng 3,1% vào năm tiếp theo, theo khảo sát của Hiệp hội Kinh tế Mỹ, trở thành năm đầu tiên kể từ 2005, nền kinh tế tăng trưởng hơn 3%/ năm.
Theo các báo cáo kinh tế mới nhất của JPMorgan Chase và HIS Global Insight, sự tăng tốc của nền kinh tế Mỹ sẽ là bệ đỡ cho kỳ vọng tăng trưởng nhanh hơn của nền kinh tế thế giới, dự báo đạt mức 3%, tăng từ mức 2,5% của năm 2014.
Niềm vui giá dầu giảm
Sự lạc quan bao trùm có nguyên nhân chính từ việc giá dầu lao dốc đến hơn 50% kể từ mùa hè. Ở một số vùng của Mỹ, giá nhiên liệu đã xuống dưới mức 2 USD/ gallon (3,8 lít). Giá giảm đi cùng với việc tăng hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu giúp mỗi hộ gia đình Mỹ tiết kiệm trung bình được 550 USD vào năm tới, theo báo cáo của Trung tâm thông tin năng lượng Mỹ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc số tiền tiết kiệm sẽ được khách hàng chi tiêu cho việc mua sắm tiêu dùng: xe hơi, đồ nội thất, thiết bị điện tử…
Thêm nữa, tình trạng tài chính của người dân Mỹ sẽ được đảm bảo hơn. Tăng trưởng việc làm được cải thiện. Các ngành kinh doanh được tiếp sức, tăng mức đầu tư cho các tòa nhà làm trụ sở và phần mềm và thị trường nhà ở được kỳ vọng sẽ cất cánh.
Giá dầu thấp cũng sẽ giúp Liên minh Châu Âu, Nhật và nền kinh tế thế giới nói chung tăng trưởng nhanh hơn năm vừa qua, theo Báo cáo kinh tế ở trên cho biết. Nhưng vấn đề chính là sự khác biệt giữa sức khỏe nền kinh tế Mỹ và phần còn lại của thế giới sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nền kinh tế các quốc gia phụ thuộc mạnh vào xuất khẩu như Trung Quốc, Đức và Nhật, sẽ phải trông chờ vào sự phục hồi nền kinh tế Mỹ để giúp đỡ họ.
Sự phục hồi tăng trưởng toàn cầu “phụ thuộc rất mạnh vào giả định nền kinh tế Mỹ tiếp tục giữ đà đi lên”, Douglas Porter, kinh tế trưởng tại Quỹ đầu tư BMO Capital, cho biết. “Nếu điều đó không xảy ra, nhiều khả năng nền kinh tế toàn cầu tiếp tục rơi trở lại.”
Vậy ngoài yếu tố giá dầu giảm, nền kinh tế Mỹ sẽ dựa vào động cơ tăng trưởng nào để làm đầu tàu cho phần còn lại của thế giới? Hãy cùng điểm qua:
Xoay chuyển cơn gió ngược trên toàn cầu
Ngay cả khi nền kinh tế Mỹ không đủ sức mạnh để đi xa hơn nữa, phần còn lại của thế giới vẫn phải cố gắng hết sức. Chắc chắn một điều, FED (Cực dự trữ liên bang Mỹ) sẽ tăng lãi suất cơ bản vào năm 2015 khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, nhằm giúp thu hút nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Mỹ. Các luồng vốn đổ vào góp phần gia tăng sức mạnh đồng USD và nhiều khả năng sẽ gây bất ổn cho các đồng tiền khác. Các chính phủ và công ty có các khoản vay bằng đồng USD sẽ khó khăn hơn trong việc trả nợ.
Các nền kinh tế tăng trưởng nóng trong thập kỷ vừa qua – các thị trường mới nổi như Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc được gọi chung là nhóm “BRICs”- gần như sẽ có tốc độ tăng trưởng trong năm 2015 thấp nhất trong 6 năm, theo dự báo của Viện Kinh tế Oxford. Giá dầu và giá hàng hóa cùng lao dốc đã đẩy nền kinh tế của Brazil và Nga vào tình thế đặc biệt khó khăn.
Trung Quốc có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm mới, mức sụt giảm gần 50% so với mức tăng trưởng nóng 2 con số trong suốt hơn thập kỷ vừa qua. Liên minh Châu Âu và Nhật sẽ gặp may với mức tăng trưởng 1%.
Khoảng cách giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới phản ánh sâu sắc đặc điểm cơ bản của nền kinh tế lớn nhất thế giới: miễn nhiễm với các thăng trầm kinh tế của phần còn lại của thế giới tốt hơn các cường quốc khác. Xuất khẩu chỉ chiếm 14% trong tổng sản lượng kinh tế quốc dân, có tỷ lệ thấp nhất trong 34 quốc gia phát triển thuộc OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế).
Các công ty Mỹ được bảo vệ tốt hơn khỏi các xu hướng gây hại trong các ngành công nghiệp đặc biệt quan trọng như Luyện kim công nghệ cao, nhờ vào thị trường nội địa. Minh chứng là một công ty có trụ sở tại Miami, cung cấp sản phẩm Hợp kim silicon, có tỷ lệ doanh thu từ thị trường Bắc Mỹ chiếm 90% doanh thu toàn cầu. Hợp chất silicon của công ty, được dùng để bổ sung vào nhôm và cao su sử dụng trong ngành công nghiệp xe hơi và các robot tự động, đã giúp thúc đẩy mạnh mẽ doanh thu của công ty.
CEO của Công ty trên, Jeff Bradley, cho biết ông rất lạc quan về triển vọng trong năm 2015. Nếu giá nhiên liệu tiếp tục sụt giảm, người Mỹ sẽ mua nhiều xe lớn hơn (kiểu SUV và bán tải), điều này sẽ thúc đẩy việc sử dụng nhiều nhôm hơn. Ngoài ra, nhu cầu các tấm năng lượng mặt trời cũng góp phần tăng doanh số bán hàng cho công ty.
“Mọi việc dường như ngày càng tươi sáng hơn, năm tới sẽ là năm phát triển mạnh nhất trong lịch sử công ty chúng tôi,” CEO Bradley cho biết.
Lực đẩy từ người tiêu dùng Mỹ
Người tiêu dùng chính là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Mỹ. Và vận may dường như đang gõ cửa từng hộ gia đình Mỹ. Mức sử dụng lao động tăng cao nhất trong 15 năm kể từ năm 2014. Với mỗi phần trăm thu nhập tăng thêm, người dân Mỹ lại có thêm cơ hội để trả các món nợ tăng cao kể từ mức của năm 2002.
Ở một góc nhìn khác, nền kinh tế Mỹ thật sự hưởng lợi chính từ sự tăng trưởng chậm của các nước khác. Các nhà đầu tư đã tìm đến Trái phiếu chính phủ Mỹ như là kênh trú ẩn an toàn cho tài sản, gián tiếp giúp kiềm chế lạm phát và lãi suất cho vay của Mỹ, bao gồm cả các tài sản thế chấp. Lãi suất thấp lại quay ngược lại trợ lực cho bất động sản. Do đó, doanh số bán nhà và xây dựng từ thị trường Mỹ có thể tăng cao vào năm tới.
Stan Humphries, kinh tế trưởng của Zillow, cho rằng người trẻ Mỹ trong độ tuổi từ 25 đến 34, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi tiêu cho giá thuê nhà đứng ở mức cao suốt thời gian dài, sẽ chuyển sang mua nhà với số lượng lớn vào khoảng cuối năm 2015. Hai ông lớn cho vay thế chấp Freddie Mac và Fannie Mae sẽ phải hạ thấp tiêu chuẩn cho vay, hiện đang là rào cản lớn. Nếu làm vậy, chắc chắn giới trẻ sẽ gia tăng mua nhà. Do đó, các công ty bất động sản sẽ có động lực để chú trọng phát triển căn hộ giá rẻ dành cho Thế hệ Y.
Một vài dấu hiệu của hy vọng từ các thị trường nước ngoài cũng đã xuất hiện. Giá dầu giảm sâu đã tạo lợi ích không nhỏ cho các quốc gia và khu vực nhập khẩu năng lượng như Liên minh Châu Âu, Nhật và Trung Quốc. Các nhà phân tích hy vọng Ngân hàng trung ương Châu Âu sẽ hiện thực hóa được các nỗ lực kích thích tăng trưởng kinh tế, thể hiện qua việc gia tăng số lượng mua vào trái phiếu chính phụ. Động thái đó sẽ gây tác động đến nền kinh tế thông qua việc bơm tiền vào thị trường để gia tăng mức cho vay và giữ lại suất ở mức thấp.
Nghi ngờ sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế Nhật
Nền kinh tế lớn bất ổn nhất thế giới trong năm tới rất có thể sẽ là Nhật Bản. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã trượt dài vào suy thoái thời điểm quý cuối cùng năm 2014. Sau lần tăng thuế tiêu dùng đợt 1, sức mua của người dân đã bị kìm hãm trở lại. Do tình hình đó, thủ thướng Shinzo Abe đã phải hoãn tăng thuế tiêu dùng lần 2, theo lộ trình sẽ bắt đầu vào năm 2017.
Ngân hàng Trung ương Nhật (JOB) đang gia tăng lượng mua vào trái phiếu chính phủ và các giấy tờ có giá khác trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy lạm phát và kích thích tăng trưởng. Nhưng cho đến nay, có lẽ các động thái trên vẫn chưa chứng tỏ được hiệu quả khi mức tăng lương vẫn thấp hơn mức tăng giá cả, góp phần đe dọa chi tiêu tiêu dùng.
Masaaki Ogawa, thuộc thế hệ chủ nhân thứ 3 của cửa hàng rau củ quả ở phố mua sắm Sugamo, trung tâm Tokyo, là một trong số rất nhiều người cảm thấy thất vọng.
“Người già có tiền, nhưng họ không muốn chi tiêu,” Ogawa than thở. “Người trẻ thì muốn chi tiêu, nhưng họ lại không có tiền.”
Theo Cafebiz