Tham nhũng Chúng ta thường hiểu tham ô, tham nhũng là thuộc về lĩnh vực “độc quyền” của các quan chức Nhà nước mà ở đó là các hành vi đục khoét tài sản của Nhà nước và nhân dân nhằm trục lợi cá nhân. Người ta vẫn cho rằng ở doanh nghiệp tư nhân thì vấn nạn này sẽ được loại bỏ, đúng là 1 giấc mơ đẹp nhưng sự thật có phải như vậy không?
Trước khi phán xét điều này, chúng ta cần định nghĩa “tham nhũng” một cách đầy đủ. Tham nhũng cần được hiểu là một hình thức ăn cắp tài sản của chủ sở hữu và người thụ hưởng, không giới hạn môi trường, địa vị xã hội cũng như qui mô. Vậy chủ sở hữu có thể là Nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân và người hưởng thụ có thể là nhân dân hoặc khách hàng hay nhân viên, v.v…
Sau đó chúng ta hãy phân tích thêm về “tâm lý tham nhũng”. Tham nhũng cũng cần có bạn đường và sự cân bằng “cung-cầu” trong đó đút lót, thao túng và bao che là những điều kiện quan trọng để nó hình thành. Tham nhũng thường đi đôi với “nhũng nhiễu” “làm khó dễ” và xảy ra một cách vô cảm vì nhân vật chỉ quan tâm đến mục tiêu duy nhất là “hưởng lợi” nhưng nó chỉ được phát triển hoặc duy trì nhờ sự “bất lực” của chủ sở hữu cộng với “nhu cầu” của đối tác có liên quan.
Từ khi khối doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh về số lượng thì tham nhũng cũng đang chuyển dịch từ “công quyền” sang “tư quyền”. Nếu như trong môi trường Nhà nước thì tham nhũng nằm ở các đối tượng quan chức thì đối với các doanh nghiệp tư nhân nó chỉ thường nằm ở các cá nhân có chức sắc hoặc liên quan đến khả năng “tạo điều kiện” nào đó. Ví dụ như cần “bôi trơn” cho cán bộ cung ứng để có được 1 hợp đồng cung cấp cho 1 siêu thị nào đó… Đa số các nhân viên “sales” (kinh doanh) hiểu rất rõ điều này vì họ thường phải thông đồng với bên mua để có thể có được doanh số. Các nhân viên giám sát kỹ thuật được hưởng lợi từ việc “làm ngơ” lỗi sản phẩm của bộ phận mình phụ trách. Thậm chí đến các nhân viên bảo vệ cũng có thể được “hưởng lợi” từ việc đóng mở cổng “kịp thời” cho các chuyến hàng vào ra… Sau đó là những “tư túi”, “ăn chặn”, “gian lận”… trong nội bộ công ty và cao hơn nữa là sự “thiếu gương mẫu” của chủ doanh nghiệp khi nhầm lẫn giữa tài sản của công ty (mặc dù là do chủ doanh nghiệp tạo ra) và tài sản cá nhân, v.v…
Tác hại và ảnh hưởng của tham nhũng thì ở đâu cũng như nhau, nhưng tổn hại đối với Nhà nước là 1 thì đối với các doanh nghiệp tư nhân nó là 10. Lý do thứ nhất là Nhà nước đã có nhiều luật chống tham nhũng và có thể xác định, quy tội một cách rõ ràng, trong khi việc này lại rất khó khăn trong khối tư nhân vì đa số họ chưa có quy chế, quy định rõ ràng để phòng chống vấn nạn này. Lý do thứ hai là tỷ lệ có thể tham nhũng được trên toàn ngân khố quốc gia là vô cùng nhỏ trong khi đối với doanh nghiệp tư nhân thì đôi khi có thể làm tiêu tan cả sự nghiệp của chủ doanh nghiệp mà việc qui trách nhiệm lại lờ mờ và người tham nhũng vẫn được tự do để đi đục khoét các nơi khác. Lý do thứ ba là tham nhũng ở khối tư nhân có tác động trực tiếp đến vận mệnh của doanh nghiệp trong khi đối với Nhà nước chỉ ảnh hưởng đến lòng tin và hình ảnh.
Làm thế nào để nhận biết sự tham nhũng trong doanh nghiệp tư nhân? Tham nhũng luôn có sự che đậy và mức độ phát triển của nó ngày càng tinh vi kín kẽ. Các cá nhân trục lợi thường lợi dụng lòng tin của chủ sở hữu trong khi thường thì chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến hiệu quả và những báo cáo tổng kết mà hay bỏ qua các bước kiểm soát các mắt xích của quy trình và không kiểm chứng các báo cáo. Đến một lúc nào đó, anh ta cảm giác thấy có điều gì đó không ổn, có lời ra tiếng vào, lúc đó mới tìm cách kiểm tra hoặc xây dựng lại quy trình kiểm soát chặt chẽ hơn thì sẽ bị chính các đối tượng đó tìm cách phản bác hoặc chống lại, đó chính là những dấu hiệu đầu tiên của sự tham nhũng trong doanh nghiệp tư nhân.
Nhưng đôi khi nhiều chủ doanh nghiệp biết là có tham nhũng mà vẫn dung túng cho điều này, tại sao vậy? Đó là bởi vì nhiều khi họ cả nể hoặc ở vị thế khó xử như đối với họ hàng, người có công, hoặc với ý nghĩ “muốn làm được việc phải để cho ăn một tí…” và nặng nề nhất là thiếu tiêu chí quản lý nên cứ như thế dần dần sự tham nhũng sẽ trở thành những “đặc quyền đặc lợi”. Sự bất lực của chủ doanh nghiệp trong việc kiểm soát và sự phụ thuộc quá mức vào yếu tố nhân sự thường tiếp tay cho những hành động tham nhũng và tạo điều kiện cho nó sinh sôi nảy nở.
Để “tiêu diệt” được tham nhũng thì vai trò quyết định là ý chí của chủ sở hữu nhưng để thực hiện được cần có sự minh bạch về thông tin và hệ thống quản trị chặt chẽ, thống nhất. Khi nhận ra điều này, chủ doanh nghiệp sẽ có những cải tiến quản lý nhưng sẽ gặp phải sự chống đối kịch liệt của những bên đang có “lợi ích” từ tham nhũng.
Một khi hệ thống quản trị được củng cố vững mạnh thì cơ hội tham nhũng hầu như không còn và các tầng lớp lãnh đạo chỉ còn con đường duy nhất để làm giàu là tối ưu hóa hiệu quả và đưa doanh nghiệp tiến lên. Hệ thống quản trị cũng như một máy sàng tự động để “nâng niu” những nhân tố tích cực được giữ lại và loại bỏ những cát bụi tiêu cực khỏi doanh nghiệp.
Lê Ngọc Quang