Sự nhập nhằng giữa Duy tình và Duy lý trong công tác quản lý, điều hành của tất cả các cơ quan Nhà nước đang làm cho xã hội rối tung cả lên và cấp trên thì nói… kiểu gì cũng đúng!
Hiện nay, có một cảnh tượng rất quen mắt, ấy là rất nhiều người vi phạm luật giao thông, thay vì chấp hành luôn việc xử phạt của cảnh sát thì họ lại rút điện thoại di động ra gọi cho ai đó và nhờ can thiệp. Cũng không ít người tự xưng là cháu ông nọ, con bà kia để hù dọa cảnh sát. Và cũng không ít trường hợp anh em cảnh sát bị cấp trên quát: “Mày vuốt mặt cũng phải nể mũi chứ”.
Sở dĩ có tình trạng trên chính là xuất phát từ tính duy tình. Người được giao nhiệm vụ bảo vệ luật pháp, hoặc đang thực thi công vụ, đầu tiên là vì sự cả nể, vì trọng chữ… “tình” mà đã chấp nhận cho người vi phạm gọi điện để nhờ vả ai đó giúp đỡ. Chấp nhận cách này, người thi hành công vụ có hai cái lợi. Lợi thứ nhất là có thêm được mối quan hệ với người vi phạm (biết đâu, mối quan hệ đó sẽ phát triển theo hướng tích cực về sau). Lợi thứ hai được người nhờ vả, có thể là cấp trên, là bạn bè, chiến hữu… ghi nhận và có tình cảm tốt hơn với mình. Trong trường hợp này, yếu tố vật chất không có. Và một khi xã hội càng phức tạp, càng lộn xộn, thì cái sự nhờ vả, hay nói một cách khác là các kiểu chạy án, chạy chức, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy chế độ, chính sách… ngày càng phát triển. Vì thế mà trong xã hội ta hiện nay xuất hiện không ít những người rất giỏi “chạy”, hay nói cách khác là “làm chân gỗ”. Những người này, rất có thể họ chẳng giữ chức vụ gì to lớn, chẳng có quyền thế gì, nhưng họ, do có mối quan hệ thân tình với quan chức cấp cao hoặc với người đang nắm giữ trách nhiệm trong một lĩnh vực nào đó, cho nên họ đã sử dụng quan hệ này thành một thứ quyền lực mềm.
Tính duy tình thể hiện rõ nhất trong công tác đề bạt, sử dụng và quản lý cán bộ hiện nay. Nhưng quy định, quy trình đề bạt cán bộ trở nên hình thức, nếu như có đối tượng được nằm trong diện bổ nhiệm có được sự “bằng lòng” của cấp trên. Chả thế mà có câu: “Bằng gì cũng không bằng… bằng lòng”. Khi không được cấp trên “bằng lòng”, thì có giỏi mấy cũng… vứt, bởi lẽ ai cũng biết sự dân chủ trong công tác cán bộ hiện nay, chỉ là hình thức ở rất nhiều đơn vị, cơ quan. Tất cả những quy định, quy trình, chỉ được tôn trọng, nếu người lãnh đạo cao nhất nơi đó công tâm và liêm khiết.
Một thực trạng mà ai cũng thấy đó là sự lộn xộn hiện nay trong quản lý trật tự đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Hà Nội thì cứ tự hào mà rằng Thủ đô “ngàn năm văn hiến”, là “thanh lịch”… Nhưng ai cũng biết quản lý trật tự đô thị của Hà Nội hiện nay là kém nhất cả nước. Nhà cửa xây cất bát nháo nhất. Bộ mặt đô thị nhôm nhoam, nhộm nhoạm nhất. Trật tự giao thông kém nhất. Phố xá bẩn nhất. Thanh thiếu niên càn quấy, nói tục, chửi càn, chắc chắn dẫn đầu cả nước. Trên đường phố, vẫn nghênh ngang những đám choai choai chở ba, chở bốn, không đội mũ bảo hiểm và khi thấy cảnh sát còn “vẫy tay chào nhau”. Còn cảnh sát giao thông, tất nhiên là có cho uống… mật gấu cũng không dám phóng xe đuổi bọn chúng. Hà Nội cũng là nơi có tỷ lệ chống người thi hành công vụ cao… nhất nước. Hà Nội cũng là nơi “khởi xướng” ra “phong trào” lái xe… hất cảnh sát lên nắp ca-pô.
Vừa rồi, có vị lãnh đạo Công an TP Hà Nội đã phải cay đắng thốt lên rằng: “Dân Hà Nội đã coi nhờn luật pháp”. Đúng là có một số không nhỏ người dân đang lao động, sống ở Hà Nội (chứ không phải là cư dân Hà Nội theo đúng nghĩa), đang coi nhờn luật pháp. Những người dân nhập cư này, chủ yếu từ nông thôn ra, chính họ làm “lộn đô lộn đáo” trật tự văn minh đô thị Hà Nội bởi cách sinh hoạt tùy tiện, bất chấp các quy tắc quản lý. Nhưng số này coi nhờn được, đâu phải vì khung hình phạt nhẹ, mà chính là từ sự nhu nhược của chính quyền các cấp, sự bất lực của công an – đặc biệt là của cảnh sát giao thông, cảnh sát quản lý hành chính trật tự trị an và các lực lượng chức năng khác. Bài học từ dân nhập cư tùy tiện này ở Hà Nội, chắc chắn đã được Đà Nẵng rút kinh nghiệm, cho nên chính quyền Đà Nẵng đã phải đưa ra đề xuất mới về xây dựng các tiêu chuẩn cho người nhập cư.
Hà Nội có lẽ cũng là đô thị có lắm chợ cóc, chợ tạm nhất cả nước. Và hình như chính quyền các phường bất lực trước tình trạng này. Sự tồn tại của các loại chợ này, đầu tiên cũng là từ sự duy tình. “Thôi, cho người ta ngồi bán một lát”; “Để cho người ta kiếm miếng cơm. Không nên cạn tàu ráo máng”… Và từ sự “châm chước” này, lúc đầu chỉ có vài ba người, nhưng người này bán được, người kia tại sao không? Thế là thành chợ. Và lúc này, những nhân viên công quyền mới lại có “ăn”.
Cách đây có đến ngót hai chục năm. Hà Nội ra quân dẹp trật tự vỉa hè và lòng lề đường… Nhưng phong trào ra quân chỉ được ít ngày thì… chết luôn. Sau này, chính quyền quận Hoàn Kiếm có sáng kiến rất chi là…vĩ đại. Ấy là dùng lòng đường phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai để… trông giữ xe máy.
Ấy vậy mà chưa có quan chức chính quyền cơ sở nào của Hà Nội bị cách chức, bị miễn nhiệm bởi để xảy ra tình trạng như vậy. Và khi nói đến việc này thì chính quyền thường đổ lỗi cho “hoàn cảnh khách quan”, không bao giờ dám thừa nhận là do xuất phát từ mặt trái của tính duy tình và cái chính là từ sự hư hỏng của cán bộ có trách nhiệm quản lý.
Với những cán bộ này, họ đã sử dụng quyền lực mà họ được giao vào việc… kiếm tiền. Vì thế, họ luôn có lý do “chính đáng” và những cách xử lý rất… duy tình. Nào là “phạt cho tồn tại”; nào là “nhắc nhở để rút kinh nghiệm”; nào là “phải tạo điều kiện cho người ta có cơ hội sửa chữa”; nào là “phải biết thương người lao động” v.v… Tất cả những cái đó, nghe thật “nhân ái”; thật “thấu tình”, nhưng không phải ai cũng biết đằng sau những kiểu xử lý như vậy, là không thể không có vấn đề… “tiền”.
Từ sự duy tình mà dẫn đến nhu nhược, cả nể, buông lỏng quản lý và gây ra sự lộn xộn. Nhưng sẽ có rất nhiều quan chức làm giàu bằng chính sự lộn xộn này. Đấy mới là bi kịch cho xã hội ta hiện nay.
Sự nhập nhằng giữa Duy tình và Duy lý trong công tác quản lý, điều hành của tất cả các cơ quan Nhà nước đang làm cho xã hội rối tung cả lên và cấp trên thì nói… kiểu gì cũng đúng!
Theo Dantri