Việt Nam thời loạn điện thoại di động

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành một nhà sản xuất và xuất khẩu điện thoại di động giá rẻ quy mô lớn. Trong năm 2010, báo cáo xuất khẩu điện thoại đạt 2,3 tỷ USD. Hai năm sau, năm 2012, con số đó đã tăng đáng kể, lên đến 8,63 tỷ USD, tăng 122% so với năm 2011.

Theo các số liệu thống kê mới nhất được TechniAsia báo cáo, trung bình đã có 145 điện thoại di động cho 100 người Việt vào năm 2012. Đối với một nước có dân số hơn 90 triệu người, tổng số điện thoại di động được người Việt Nam sử dụng đã lên đến 130 triệu chiếc.

Nghe điện thoại trên đường là thói quen phổ biến của người Việt.

Và người mua không giới hạn trong tầng lớp trung lưu. Mọi người đều có thể sở hữu và sử dụng di động, từ học sinh tiểu học đến các ông cụ đạp xích lô và hầu hết giới thanh nhiên trẻ tuổi. Người Việt Nam nói chuyện điện thoại khi đang lái xe trên đường, nơi giao thông hỗn loạn, thường xuyên xảy ra cướp giật hoặc tai nạn. Họ thậm chí không tắt điện thoại trong rạp chiếu phim. Trong quán cà phê, nhà hàng, nhiều người có thói quen sử dụng điện thoại để nhắn tin, lướt mạng internet khi đang nói chuyện với bạn bè, người thân.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, điện thoại di động đang ngấm ngầm xâm chiếm những không gian thiêng liêng và tĩnh mịch nhất, là chùa chiền và đền thờ. Khi tác giả của một bài phóng sự, anh Andrew đến thăm vãn một ngôi chùa ở phía Bắc để tận hưởng không khí thiền yên tĩnh và khói hương nghi ngút thì đột nhiên bị đánh thức bởi tiếng nhạc chuông từ bộ phim Star Wars, phát ra từ điện thoại trong túi áo một nhà sư trẻ gần đó. Vị sư trụ trì của chùa tỏ ra rất thất vọng.

Việt Nam đang đón nhận nhiều đợt sóng liên tiếp từ nền công nghệ thông tin toàn cầu. Vì thế, sở hữu những thiết bị công nghệ truyền thông tiên tiến nhất là ý nghĩ thường trực, không thể không có trong cuộc sống và công việc. Những quán cafe có internet miễn phí mọc khắp nơi, máy tính xách tay, máy tính bảng tràn ngập các văn phòng và tiếng chuông điện thoại dường như không bao giờ dừng lại.

Người nước ngoài có thể thuê điện thoại di động với giá rẻ, chỉ 1 đô la Mỹ/ngày đối với loại điện thoại phổ thông gọn nhẹ. Còn các loại điện thoại thông minh, đời mới, bạn phải đặt cọc mới có thể thuê được.

Dường như với người Việt Nam, chiếc điện thoại di động đời mới không chỉ là một phương tiện liên lạc, nó còn là hình ảnh đại diện cho chủ nhân. Ngoài việc giữ liên lạc, điện thoại di động còn thể hiện sự am hiểu công nghệ và bắt kịp với xu hướng thế giới của chủ nhân.

Tại nhiều bữa tiệc lớn hay những bữa gặp mặt nhỏ, người Việt Nam có thói quen đặt điện thoại di động của mình lên bàn để mọi người có thể nhìn thấy nó; và không tắt chuông. Phải chăng đây còn là cách “gây áp lực” cho đối phương phải có ngay một chiếc điện thoại đời mới hơn, hoặc ít nhất là tương tự?

Andrew đã từng đọc bài báo về một người phụ nữ trẻ khá nổi tiếng, có thể nói chuyện với người chết qua điện thoại di động và chỉ duy nhất cô có thể làm được việc đó. Đầy ngạc nhiên, anh cho rằng nếu điện thoại của cô thực sự kết nối với thế giới tâm linh, thì đây là điều đáng buồn và đáng tiếc. Sau khi tất cả những áp lực mà họ phải chịu đựng trong cuộc sống, người chết xứng đáng được hưởng sự yên tĩnh. Tuy nhiên, với công nghệ mới mẻ và hiện đại của Việt Nam, cõi tâm linh còn bị “làm phiền” nhiều trong tương lai!

Theo Genk