Với chiêu thức lừa đảo không mới nhưng các công ty bán hàng đa cấp qua sàn thương mại điện tử liên tục “dụ dỗ”, lừa đảo được người tiêu dùng. Trách nhiệm từ cơ quan quản lý hay vì người dân không tỉnh táo.
Báo Tuổi Trẻ vừa đưa tin Công an tỉnh Bình Dương bắt tạm giam lãnh đạo Công ty cổ phần thương mại Tây Thanh để điều tra vì có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt 800 triệu đồng thông qua website bán hàng đa cấp đã khiến dư luận xã hội một lần nữa lại xôn xao về các hình thức lừa đảo bán hàng đa cấp qua mạng.
Cũng mới tháng 4/2014, báo Thanh niên đưa tin Công an TP.HCM thông báo tìm bị hại liên quan đến đường dây lừa bán hàng đa cấp qua sàn thương mại điện tử, chiếm đoạt cả chục tỉ đồng.
Thủ đoạn của các vụ việc lừa đảo này cơ bản khá giống nhau: Các công ty thành lập website bán hàng đa cấp. Sau đó chào mời những người muốn trở thành thành viên của các trang này, bằng việc cấp một mã số, một món hàng, hoặc một gian hàng có giá 2 – 3 triệu đồng. Những thành viên này tiếp tục lôi kéo những người khác tham gia mua gian hàng. Người trước sẽ được hưởng hoa hồng từ đường dây lôi kéo người sau tham gia.
Vì sao báo chí truyền thông đã đưa tin về nhiều vụ lừa đảo bằng website bán hàng đa cấp, tận dụng thương mại điện tử để chiếm đoạt tiền mà nhiều người dân vẫn mắc phải?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thạc sĩ – Luật sư: Ngô Văn Hiệp – Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh cho rằng có nhiều lý do khiến người dân dễ rơi vào “bẫy”.
Thứ nhất, là do thời gian gần đây kinh tế khó khăn, nên nhiều người muốn thông qua việc làm “chân rết” cho các đơn vị bán hàng đa cấp để kiếm tiền mưu sinh.
Thứ hai, các đơn vị bán hàng đa cấp tung ra các chiêu quảng cáo, giới thiệu nghe “mùi mẫn” để đánh vào tâm lí hám lợi, lòng tham của người dân. Đó là tâm lí làm ít, kiếm được tiền nhiều, bỏ tiền ít, lợi nhuận cao thông qua việc giới thiệu người tiếp theo mua hàng để được trích hoa hồng, giới thiệu càng nhiều người, hoa hồng càng lớn.
Thứ ba, một bộ phận người dân vì hám lợi trước mắt do đó đã tê liệt ý chí trước khoản lợi nhuận lớn được một số đơn vị bán hàng đa cấp đưa ra “mồi chài” vì vậy người dân đã không nhận thức đúng, đầy đủ, bản chất bất minh của một số đơn vị bán hàng đa cấp và đã tự nguyện làm chân rết cho họ.
Thứ tư, cá biệt một số người dân hiểu được điều đó, nhưng cố tình tiếp tay cho một số đơn vị bán hàng đa cấp để trục lợi cá nhân trái pháp luật.
Về việc quản lí hoạt động bán hàng đa cấp, luật sư Ngô Văn Hiệp cho biết: Nhà nước ta thừa nhận tính hợp pháp của hoạt động bán hàng đa cấp tại Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/08/2005 của Chính phủ về quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp và Thông tư số 19/2005/TT-BTM của Bộ Thương mại ngày 08/11/2005 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 110/2005/NĐ-CP; nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên, để được kinh doanh bán hàng đa cấp thì phải được cấp phép khi thỏa mãn các điều kiện luật định. Vụ việc “Công ty Tây Thanh chưa được cấp phép bán hàng đa cấp, các website nói trên cũng chưa được cơ quan chức năng công nhận”, đã cho thấy có dấu hiệu kinh doanh trái pháp luật.
Trong trường hợp này, trách nhiệm của các cơ quan quản lý là khá mờ nhạt vì họ chưa cấp phép cho Công ty Tây Thanh. Có chăng, đó chỉ là trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh để phát hiện đơn vị nào kinh doanh trái phép.
Luật sư Lê Văn Thiên, Phó Giám đốc Công ty Luật Thái An cũng cho rằng: Cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể tiến hành các biện pháp để hạn chế loại tội phạm này. Do vậy người dân cần tỉnh táo, sáng suốt để tránh bị lôi kéo vào những mô hình “sinh lợi phi pháp”.
Trước khi tham gia vào mô hình của một đơn vị kinh doanh, một sàn giao dịch thương mại điện tử nào đó, cần tìm hiểu tính pháp lý và uy tín của các đơn vị này như kiểm tra về giấy phép kinh doanh các ngành nghề và mặt hàng như lời quảng cáo, giới thiệu.
Mọi người cũng không nên chạy theo số đông với mong muốn kiếm lợi nhuận nhanh và dễ dàng mà cần tìm hiểu kỹ càng về lĩnh vực bán hàng đa cấp khi có định tham gia để tránh rơi vào các “bẫy” lừa đảo.
Theo Cafe f