Samsung, Microsoft, LG, Intel… đang chọn Việt Nam là một trong những địa bàn sản xuất chính. Việt Nam hứa hẹn trở thành nước sản xuất và xuất khẩu hàng công nghệ, điện tử lớn trên thế giới.
Dịch chuyển sản xuất
Mới đây, Kingtec Group, tập đoàn chuyên sản xuất thiết bị chiếu sáng, nội thất, máy phát điện và thiết bị điện tử của Đài Loan, đã chọn khu công nghiệp Mỹ Phước 3 ở tỉnh Bình Dương làm nơi xây dựng nhà máy sản xuất các mặt hàng điện tử xuất khẩu đi châu Âu và châu Mỹ. Dự án có vốn đầu tư giai đoạn 1 là 30 triệu đô la Mỹ. Theo một nguồn tin có thẩm quyền, Kingtec sẽ di dời toàn bộ nhà máy ở Thẩm Quyến, Quảng Đông, Thượng Hải, Mai Châu (Trung Quốc) ra nước ngoài và Việt Nam là một điểm sản xuất mới.
Trong khi đó, Microsoft có kế hoạch dịch chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại di động thông minh Nokia ở Trung Quốc, Hungary và Mexico về Việt Nam, và nhà máy Nokia ở Bắc Ninh sẽ trở thành địa điểm sản xuất chính của Nokia trên toàn cầu.
Intel cũng tuyên bố Việt Nam là một trong những cứ điểm sản xuất quan trọng. 80% bộ vi xử lý Haswell thế hệ thứ 4 của Intel sẽ được sản xuất tại nhà máy ở TPHCM. Để đạt được điều này, nhà máy ở Việt Nam sẽ phải nhập 230 máy và thiết bị chuyên dùng từ các nhà máy của Intel ở Malaysia và Costa Rica.
Đối với Samsung, Việt Nam hiện là điểm sản xuất lớn của những thiết bị di động và tập đoàn này vẫn đang tiếp tục mở rộng đầu tư, từ 670 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư lúc mới vào Việt Nam đến nay đã tăng lên gần 7 tỉ đô la Mỹ.
LG Electronics cũng chuẩn bị đưa tổ hợp sản xuất các sản phẩm điện tử, điện gia dụng tại khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng vào hoạt động. Ban đầu, tổ hợp này chỉ được đầu tư 300 triệu đô la Mỹ, nhưng sau đó LG đã quyết định tăng lên 1,5 tỉ đô la Mỹ để đưa tổ hợp sản xuất ở Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng. Cũng giống như Intel và Samsung, dự kiến toàn bộ sản phẩm của LG từ đây là để xuất khẩu.
Một hãng điện tử khác là Wintek của Đài Loan, chuyên sản xuất màn hình cảm ứng, cũng có kế hoạch tăng gấp đôi vốn đầu tư tại Việt Nam, từ 1,2 lên 2,4 tỉ đô la Mỹ.
Công nghệ nào?
Với những dây chuyền công nghệ dịch chuyển từ các nhà máy ở Trung Quốc, có ý kiến lo ngại liệu công nghệ đã bị lạc hậu, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường?
Theo văn bản giải trình của Nokia Việt Nam gửi chính quyền tỉnh Bắc Ninh và các bộ ngành chức năng, việc dịch chuyển sản xuất từ các nhà máy ở Trung Quốc, Hungary và Mexico sang Việt Nam nằm trong chiến lược đưa nhà máy của Nokia ở Việt Nam lên vai trò chủ lực, chứ không phải nhằm chuyển giao dây chuyền cũ để mua sắm dây chuyền mới. “Microsoft sẽ đóng cửa toàn bộ các nhà máy tại Komarom (Hungary) và một phần hoạt động của các nhà máy ở Bắc Kinh và Đông Quảng (Trung Quốc). Nhà máy tại Mexico sẽ được chuyển thành trung tâm sửa chữa”, Nokia Việt Nam cho biết trong văn bản.
Sau khi mua lại Nokia, Microsoft định hướng phát triển Nokia Việt Nam thành nhà máy sản xuất chủ lực, số lượng dây chuyền sản xuất được dự tính sẽ tăng từ 6 dây chuyền trong năm 2013 lên tới 39 dây chuyền vào cuối năm 2014. Khi đó, sản lượng sẽ tăng gấp 3 lần so với cuối năm 2013.
Trong khi đó, bà Sherry Boger, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam, cho biết để làm được sản phẩm CPU thuộc dòng Haswell – Intel Core thế hệ thứ 4 (bộ vi xử lý thế hệ mới dùng cho máy tính cá nhân gồm máy tính để bàn và máy tính xách tay), Intel Việt Nam phải đưa nhiều kỹ sư đi đào tạo từ khâu đầu tiên đến khâu cung cấp sản phẩm cuối cùng.
Vì sao chọn Việt Nam?
Tờ Donga Ilbo (Nhật báo Hàn Quốc) hồi giữa tháng 7 vừa qua có đăng một bài viết phân tích những lý do khiến Samsung rời bỏ Hàn Quốc để sang Việt Nam đầu tư. Theo tờ báo này, năm 2008, Samsung Electronics xem xét hai lựa chọn, một là mở rộng nhà máy trong nước ở Gumi (phía Bắc tỉnh Gyeongsang), hai là xây dựng một nhà máy khác ở nước ngoài. Cuối cùng, Samsung đã chọn xây nhà máy ở Bắc Ninh, Việt Nam.
Lao động ở Việt Nam dồi dào, có kỹ năng và chi phí thấp được xem là lý do quan trọng cho sự lựa chọn của Samsung. Mức lương trung bình mà Samsung trả một nữ công nhân đã tốt nghiệp THPT (bao gồm cả phụ cấp làm thêm giờ) vào khoảng 353 đô la Mỹ/tháng, chưa bằng 1/10 mức trả lương công nhân Hàn Quốc. Năm 2012, Samsung thuê gần 20.000 công nhân ở Việt Nam trong khi chỉ tuyển thêm được 175 người làm việc tại nhà máy ở Gumi, bởi ở Hàn Quốc, người tìm việc thường muốn làm tại Seoul và trong ngành dịch vụ. Trong khi đó, lao động ở Việt Nam có thể bắt kịp yêu cầu chỉ sau ba tháng được đào tạo, và họ cũng sẵn lòng làm thêm giờ.
Một lý do nữa, cũng theo tờ Donga Ilbo, Samsung nhận được nhiều ưu đãi lớn tại Việt Nam. Ngoài việc được cấp miễn phí 112 héc ta đất, công ty không phải trả một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào trong suốt bốn năm đầu tiên và tiếp tục được hưởng chính sách thuế ưu đãi trong những năm tiếp theo. Nếu so với mức thuế 22%/năm mà Samsung phải đóng ở Hàn Quốc, những ưu đãi này giúp tập đoàn tiết kiệm được một khoản khổng lồ. Samsung còn được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng; chỉ bị thu một nửa tiền điện, nước và cước viễn thông.
Không chỉ Samsung, nhiều tập đoàn đa quốc gia khác cũng chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư khi vấp phải những thay đổi bất lợi về kinh tế vĩ mô ở Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nóng đưa Trung Quốc trở thành siêu cường kinh tế, đứng thứ hai thế giới, đồng thời đẩy cao thu nhập công nhân. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), tiền lương bình quân của một công nhân ở Hà Nội là 145 đô la Mỹ/tháng, thấp hơn 3,2 lần so với mức 466 đô la Mỹ của một công nhân ở Bắc Kinh. Ngoài ra, chi phí điện nước ở Việt Nam cũng rẻ hơn. Chính phủ Việt Nam lại đang tích cực mời gọi sự đầu tư của các công ty công nghệ với nhiều ưu đãi.
Một điều quan trọng là cho đến nay, Việt Nam hầu như chưa có sự ràng buộc nào đối với việc di chuyển dây chuyền sản xuất từ các nhà máy nước ngoài vào trong nước. Giới phân tích nhận định Việt Nam tương đối “mở” so với một số nước khác trong vấn đề này.
Việt Nam cũng đang trở nên cạnh tranh hơn trước thềm hội nhập đầy đủ vào Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, bên cạnh tiến trình thương thảo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay. Từ đây, hàng xuất xứ từ Việt Nam sẽ tỏa đi nhiều thị trường trên thế giới.
Trên thực tế, với sự góp mặt của các tập đoàn công nghệ điện tử lớn như Intel, Samsung, Nokia, Canon, Panasonic, LG…, những năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã có bước đột phá mạnh mẽ trong cơ cấu các ngành công nghiệp.
Theo Thesaigontimes