Bill Marcus, một nhà báo chuyên viết về mảng kinh doanh và công nghệ với hơn 10 năm kinh nghiệm về thị trường công nghệ Trung quốc đã rút ra 10 bài học mà những nhà quản lí cần phải biết nếu muốn “đấu lại” với những công ty Trung Quốc.
10 lời khuyên này được Bill Marcus đưa ra dành riêng cho những nhà quản lí công ty công nghệ của Hoa Kì và được đăng trên trang web Computerworld. TTCN xin được đăng tải lại để giúp các doanh nghiệp Việt Nam “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”.
Ngày nay, Trung Quốc đang nằm trong một vòng quay công nghệ. Trái ngược với những kiến thức đã lỗi thời của các nước châu Âu, có đến 95% số gia đình tại Trung Quốc nối mạng internet (theo số liệu do chính phủ Trung Quốc cấp).
So sánh với năm 2013, số hộ gia đình có kết nối Internet tại Mỹ chỉ là 74,4% (theo số liệu của Cục Thống kê Dân số Hoa Kì – IDC, số liệu này bao gồm số người ở vùng đô thị, ngoại ô và nông thôn).
Theo dự đoán của IDC, số tiền chi cho công nghệ thông tin và truyền thông của trung Quốc trong năm 2015 sẽ lên tới 465 tỉ USD – tức là gấp đôi Nhật Bản, và nhiều hơn một nửa so với số tiền các công ty Mỹ bỏ ra.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch 5 năm lần thứ 30 sẽ bắt đầu kể từ năm 2016. Mục tiêu của chính phủ là nhằm hiện đại hóa nền tài chính, giáo dục, y tế và các doanh nghiệp quốc doanh khổng lồ tại Trung Quốc bằng cách hỗ trợ các công nghệ di động, internet, xã hội và thương mại điện tử.
Với tất cả những điều đó, các nhà lãnh đạo công nghệ thông tin (CNTT) Trung Quốc phải tự vật lộn với những thay đổi khi công ty của mình phải đi tắt đón đầu các chu trình công nghệ và tiến bước mạnh mẽ về con đường thương mại điện tử. Dưới đây là 10 bài học mà các công ty công nghệ tại Hoa Kì cần học hỏi.
Bài học thứ nhất: Nghĩ về thương mại điện tử đầu tiên
Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc và Phòng Thương mại Hoa Kì, năm 2013, doanh số bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc tăng nhanh hơn 2,5 lần so với Mỹ và lượng tiền chi ra vượt 13% so với Mỹ.
Ông Jan Martin Bernstorf, Phó quản lí chung của văn phòng công ty BearingPoint tại Thượng Hải – một công ty tư vấn quản lí và công nghệ đa quốc gia – cho biết: “Trung Quốc rất năng động trên phương diện thương mại điện tử, sử dụng internet cũng như tích hợp thương mại điện tử vào mô hình kinh doanh. Có rất nhiều điều chúng ta cần học hỏi từ họ”.
Bernstorf đưa ra một ví dụ: một công cụ chat đã được biến thành một cổng thương mại. Trong mùa xuân vừa qua, Alibaba và Tencent đã đưa ra hai dịch vụ di động thúc đẩy những người sử dụng smartphone dùng ứng dụng WeChat của Tencent để mua quỹ tiền tệ trên thị trường và chuyển tiền tiết kiệm. Các ngân hàng buộc phải bắt nhịp với điều này hoặc mất đi khách hàng của mình.
Thậm chí ở những khu vực nông thôn và các khu vực hạ tầng kém phát triển khác, rất nhiều người đều có khả năng sử dụng những công nghệ di động tân tiến nhất. Và vì thế, các chiến dịch thương mại điện tử trở thành “nguyên tắc” chứ không phải là “ngoại lệ”.
Bài học thứ 2: Tập trung vào chiến lược kinh doanh ngay từ ngày đầu tiên
Vì các công ty của Trung Quốc đều có xu hướng còn rất non trẻ nên họ không có nhiều những hệ thống và những quy trình được kế thừa cho các nhà quản lí CNTT nghiên cứu học hỏi. Những nhà quản lí công nghệ tự do phát triển đó phải bước ra khỏi những hạn chế thông thường của một công việc CNTT và tập trung hiểu hiểu rõ về công việc của họ ngay từ khi mới bắt đầu.
Ví dụ như Jerry Xing, Phó Chủ tịch mảng CNTT của công ty WuXi Pharma Tech, một công ty nghiên cứu về dược, đã cống hiến phần lớn thời gian của mình không phải để kiếm tiền mà để hiểu về những dự án nghiên cứu của công ty.
Ông nói: “80% thời gian tôi dành cho các nhà khoa học. Tôi đi và làm việc chung với họ trong những phòng thí nghiệm. Bây giờ tôi hiểu họ đang làm gì”. Và kết quả là Xing đã cải thiện được khả năng xử lí dữ liệu cho các nhà khoa học tại WuXi để phù hợp với từng yêu cầu cụ thể.
Bài học thứ 3: Hãy ăn cùng nhau
Tại Trung Quốc, chuyện các nhân viên trong cùng phòng ăn trưa cùng nhau là điều bình thường. Peter Weis, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Công nghệ thông tin tại Matson Navigation, một công ty vận chuyển có trụ sở tại Honolulu, đã dành 25 năm làm kinh doanh với Trung Quốc. Hai năm về trước, ông này khởi xướng các bữa ăn theo nhóm định kì không có mặt các quản lí cấp cao tại bốn thành phố ở Hoa Kì sau khi được truyền cảm hứng khi nhìn thấy việc xây dựng tình bạn thân thiết ở Trung Quốc được thực hiện như thế nào. Công ty này hiện đang tổ chức những bữa ăn tối và ăn trưa tại nhà hàng theo từng quý.
Ông cho biết: “Chúng tôi ngoài làm việc cùng nhau trong một thời gian dài thì cũng đã có những khoảng thời gian vui vẻ với nhau bởi vốn dĩ CNTT là một công việc luôn phải chạy theo dự án và chạy theo hạn chót”. Tổ chức CNTT của công ty này còn chi trả cho những hoạt động định kì của văn phòng.
Các hoạt động ngoài giờ là một yếu tố quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp ở Trung Quốc. Ông Bernstorf cho biết thêm: “Thông thường, toàn bộ bộ phận sẽ đi nghỉ dưỡng từ 2 đến 3 ngày cùng nhau. Họ có thể đi mua sắm ở Hồng Kông hay đi leo núi ở Tứ Xuyên. Thứ nhất, đây là một sự khích lệ lớn cho các nhân viên lúc bình thường không hay dành tiền cho những chuyến đi như vậy. Thứ hai, đây là một cách hiệu quả để xây dựng kĩ năng làm việc nhóm; nó làm tăng tình đoàn kết và sự sáng tạo của cả nhóm.
Bài học thứ 4: Dành cơ hội cho các nhà công ty nhỏ
Ông Noel Law, chuyên viên tư vấn công nghệ và cựu giám đốc CNTT châu Á tại Celenese, một công ty sản xuất hóa chất có trụ sở tại Texas, cho biết: các doanh nghiệp Trung Quốc và các giám đốc CNTT của họ ít có xu hướng nghiêng về những công ty bán sản phẩm có thương hiệu lớn tại châu Âu như những công ty Mỹ. Một phần lí do là bởi các nhà cung cấp tại châu Âu khó thích nghi với sự thay đổi hoặc khó thích nghi với thị trường Trung Quốc.
(Trên thực tế, cả Microsoft, Apple và chính phủ Trung Quốc vẫn luôn “tranh giành” với nhau trong suốt những tháng gần đây vì những vấn đề như chống độc quyền, bảo mật và mã hóa).
Ông Law, người đã từng làm việc cho nhiều công ty đa quốc gia tại Trung Quốc, cho biết: “Các công ty và mô hình kinh doanh của Trung Quốc ít tự khóa mình với bất cứ nhà cung cấp sản phẩm công nghệ nào, vì vậy họ không phải trả một mức giá cao cho các giải pháp CNTT”.
Ông George Kuan, cựu giám đốc CNTT tại một công ty nước giải khát và hiện đang phụ trách phát triển kinh doanh cho một nhà bán lẻ trang phục thể thao quốc tế lớn tại Trung Quốc cho biết, việc thực hiện các chiến dịch toàn cầu tại Trung Quốc thường đòi hỏi các giải pháp trong nước.
Ông Kuan bổ sung: “Tại sao lại phải trả thêm rất nhiều tiền cho những nhà cung cấp lớn trên thế giới khi có một phần mềm tương đương trong nước có giá rẻ hơn và xử lí được các yêu cầu bắt buộc của thị trường đó? Nó dễ cài đặt hơn và còn sử dụng tiếng bản địa. Các giải pháp toàn cầu rất đắt và không hỗ trợ luồng công việc tại chỗ”. Ví dụ như thay vì sử dụng SAP, các chuyên gia CNTT của Trung Quốc sẽ sử dụng Kingdee và Yonyou. Ông giải thích thêm: “Có những gói ERP mà trong vài trường hợp còn có thể mở rộng lên CRM”.
Ông Kuan cho biết: “Tôi nghĩ mọi người cần thực sự nghĩ đến kết quả thu được sau những khoản đầu tư và giá trị họ cố gắng có được. Nếu chúng ta muốn sử dụng một công ty toàn cầu lớn, chúng ta sẽ phải trả 1000 USD tiền giấy phép cho một người sử dụng. Chúng ta có thể mua một giải pháp tương đương của một công ty trong nước và chỉ phải trả 100 USD cho một người sử dụng”.
Bài học thứ 5: Hãy thử sử dụng một ứng viên hơn là chỉ tin vào hồ sơ của người đó
Tại Trung Quốc, những sinh viên tốt nghiệp đại học hiếm khi có kinh nghiệm công tác vì khi còn là sinh viên họ không được khuyến khích làm thêm những công việc bán thời gian. Thêm nữa là, kể cả các hồ sơ của những nhân viên làm thời vụ cũng không phản ánh chính xác kinh nghiệm công tác của những người này, bởi hồ sơ trong văn hóa của nước này thường được coi là sự khởi đầu của buổi trò chuyện hơn là một tài liệu dựa trên thực tế.
Ông Ronan Berder, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Wiredcraft, một công ty tư vấn phần mềm CNTT có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Tại Trung Quốc, bạn có lẽ không nên tin vào những gì được viết trong hồ sơ”.
Berder cho hay, trước khi mời ai đó đến buổi phỏng vấn, ông này sẽ xem website của ứng viên và những công trình mã nguồn mở của người đó.
Ông giải thích: “Chúng tôi sẽ đưa cho các ứng viên một bài tập thực hành, thông thường là một nhiệm vụ trên một dự án thực tế mà họ có thẻ làm trong thời gian rảnh rỗi. Các ứng viên được khuyến khích đến những văn phòng của Wiredcraft để hoàn tất bài tập này. Chúng tôi thường làm việc đó trong vòng vài ngày và có thể cho thêm thời gian đến khoảng một tháng để thử việc”. Trong một tháng đó, Berder có quyền sa thải những ứng viên mà không cần đưa ra lí do.
Theo Berder: “Chúng tôi để cho những người này làm việc trong những dự án thật, với các thành viên trong nhóm và chúng tôi có được một sự đánh giá thực tế dựa trên những điều này”. Tất cả những điều đó giúp công ty tuyển được những ứng viên tốt hơn và tránh bị “sốc” vì các nhân viên mới.
Theo ICTnews.