Tuyển dụng nhân sự cũng giống như một canh bạc. Nếu may mắn, bạn sẽ tìm được một người giỏi chuyên môn, năng động, sáng tạo và cầu tiến. Còn nếu không, bạn sẽ vớ phải một cỗ máy di động, giao gì làm nấy hay một kẻ vật vờ, lười nhác chực ăn bám công ty.
Ở một mức độ nào đấy, bạn vẫn có thể đảo ngược tình thế thông qua đào tạo, huấn luyện và thậm chí gọt giũa nhân viên mới để họ trở thành người giỏi giang, năng động, sáng tạo như bạn mong muốn.
Trước khi bắt đầu
Đầu tiên, hãy đích thân làm “chuột bạch” trong quy trình đào tạo của doanh nghiệp mình. Bạn có thể biết rõ mình cần gì ở nhân viên mới nhưng chưa chắc quá trình đào tạo đã thể hiện được điều đó. Thử tập dượt khóa đào tạo dưới góc độ một nhân viên mới sẽ giúp bạn hoàn thiện nó. Ngoài ra, bạn có thể lấy ý kiến phản hồi của một nhân viên khác để đảm bảo rằng những thắc mắc phổ biến sẽ được giải đáp trong khóa đào tạo.
Khi có nhân viên mới, hãy cung cấp cho họ một bộ tài liệu về quy trình và những chú dẫn về thủ tục hay bất cứ thứ gì giúp họ ghi nhớ những điều bạn muốn truyền đạt. Bạn cũng cần gạch đầu dòng các nội dung quan trọng để không bỏ sót chúng trong quá trình đào tạo. Giao cho nhân viên mới một bản gạch đầu dòng như thế để họ có thể ôn lại trong những giờ nghỉ hoặc tra cứu thêm trước khi yêu cầu bạn giải thích rõ hơn.
Những tuần đầu của quá trình đào tạo
Bắt đầu mọi thứ một cách từ tốn. Nếu bạn vội vàng nhồi nhét mọi thứ vào đầu người tập sự, bạn sẽ khiến họ khó ghi nhớ được những thông tin cụ thể. Mỗi người có một khả năng tiếp thu khác nhau, vì thế hãy để ý đến thái độ nhân viên. Khi họ đã có chút kinh nghiệm và cảm thấy thoải mái, hãy tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng, đừng bắt họ làm mãi những việc dưới sức của họ.
Hãy tiến hành thử thách khi họ bắt đầu quen việc. Giao cho họ những mục tiêu, nhiệm vụ trong tầm tay và yêu cầu họ thực hiện. Nhớ là bạn luôn có mặt khi họ cần giải thích điều gì đó nhưng không phải lúc nào cũng kè kè bên cạnh họ. Sự xuất hiện đúng lúc của bạn là điều vô cùng quan trọng vì nếu nhân viên càng chần chừ hoặc có thái độ không hay kéo dài thì càng khó sửa chữa sau này.
Hãy khen chê đúng chỗ và đúng mức, đặc biệt là khen. Đã làm việc thì phải làm cho tốt, đó là lẽ thường tình. Nhưng bạn vẫn phải biết nhìn nhận, khen ngợi nhân viên vì nếu không, họ sẽ thấy hoang mang, không biết họ làm đúng hay chưa. Còn phê bình là cách bạn can thiệp và xử lý những hành vi tiêu cực trước khi chúng trở thành thói quen. Nó cho thấy sự sát sao, nghiêm khắc của bạn và khiến nhân viên chuyên tâm với công việc hơn.
Thường xuyên có phản hồi
Hãy tổ chức họp hàng tuần với nhân viên để tăng cường sự trao đổi thông tin, thảo luận những khó khăn, vướng mắc, lấy ý kiến nhận xét, góp ý và đưa ra những giải đáp, phản hồi. Bạn không nhất thiết phải duy trì việc này sau một vài tháng đầu tiên. Tuy nhiên, bạn phải thể hiện cho nhân viên thấy bạn luôn sẵn sàng lắng nghe họ vào bất cứ lúc nào. Mục đích chính ở đây là duy trì mối quan hệ gần gũi và khuyến khích khả năng sáng tạo.
Hãy rèn luyện cho nhân viên của bạn khả năng tư duy, sáng tạo. Việc tuân thủ các nguyên tắc một cách bảo thủ và cứng nhắc chỉ khiến cho nhân viên trở nên ù lì. Còn tư duy sáng tạo sẽ khiến họ năng động hơn, đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng phải làm rõ với nhân viên rằng có một số nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ, như an toàn lao động chắng hạn, và lý giải cho họ tại sao lại thế. Sáng tạo là một chuyện nhưng vi phạm an toàn lao động, gây nguy hiểm đến tính mạng người khác lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Nếu mọi thứ suôn sẻ, bạn sẽ có được một nhân viên làm tốt công việc của mình, có nguyên tắc và có tinh thần lạc quan, nhiều lý tưởng, hoài bão nhưng cũng dễ uốn nắn. Và đó sẽ là một nhân tài giúp đưa doanh nghiệp của bạn lên một tầm cao mới.
Theo Hoclamgiau.