Chuyển đổi số du lịch-văn hóa

Việt Nam là đất nước của các di sản văn hóa và lịch sử, hầu như địa phương nào cũng có di sản cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, trong đó chúng ta chúng ta có rất nhiều di sản thế giới vật thể và phi vật thể đã được quốc tế công nhận và vinh danh.

Đa số các di sản quốc gia và quốc tế đã đều được khai thác du lịch, được công chúng trong và ngoài nước quan tâm. Du lịch đang đóng một vai trò lớn đối với các di tích văn hóa và lịch sử là mang những giá trị truyền thống tới đời sống con người, qua đó các di tích cũng được chăm chút hơn, nâng cao giá trị và tỏa sáng hơn.

“Du lịch văn hóa” là ngành kinh doanh du lịch dựa trên các đặc điểm văn hóa, lịch sử, tâm linh, cộng đồng… ở đây du lịch và văn hóa có sự tác động tương hỗ nhau, du lịch kinh doanh trên nền tảng văn hóa và văn hóa nhờ có du lịch mà bảo tồn, duy trì và phát triển.

Sự thật là nếu không có du lịch và các dịch vụ kèm theo thì di sản dù có được bảo trì tốt đến đâu cũng rất dễ bị đơn độc hoặc đi vào lãng quên. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nơi giàu di sản văn hóa, lịch sử nhưng vẫn chưa phát triển du lịch một cách tương xứng khiến ngân sách bảo trì gặp khó khăn.

Để phát triển du lịch văn hóa rõ ràng là cần có sự tham gia của rất nhiều thành phần “cứng” và “mềm” khác nhau, trong đó có một thành phần không thể thiếu là “chuyển đổi số” (CĐS), nó là chất xúc tác và có tác dụng tăng tốc độ cho các thành tố khác để đạt mục tiêu.

Chuyển đổi số và yếu tố con người

Đặc trưng của ngành văn hóa, lịch sử và du lịch là ngành tiếp xúc với con người, với cảm xúc của con người; những công việc truyền cảm tới con người là cực kỳ quan trọng, từ những dịch vụ trực tiếp đến gián tiếp, nên là ngành có tính phụ thuộc rất cao vào yếu tố con người.

Người ta thường nói đến CĐS là ứng dụng công nghệ để thay đổi các hoạt động sản xuất và kinh doanh nhằm giảm sự phụ thuộc vào yếu tố con người thì có lẽ đối với ngành văn hóa và du lịch sẽ có nhiều khó khăn và nhiều điểm không phù hợp.

CĐS ở đây sẽ không thể dùng công nghệ hoặc những robot vô hồn để thay thế con người mà phải đóng vai trò hỗ trợ và tăng hiệu quả truyền cảm tới con người, phải là những công cụ hữu hiệu nhất giúp con người gần gũi nhau hơn, qua đó chuyển đổi phương thức kinh doanh nhằm gắn kết con người một cách hiệu quả hơn.

Số hóa là sự khởi đầu

Những di tích văn hóa và lịch sử có thể bị hư hỏng hoặc mất đi do thiên tai, nhân tai hoặc bị biến dạng qua dòng thời gian (kể cả di sản văn hóa phi vật thể cũng có thể bị mai một). Như vậy việc số hóa và lưu trữ điện tử là cần thiết cho cả nhu cầu lưu giữ lẫn nhu cầu truyền bá những giá trị của chúng.

Số hóa là việc chuyển hóa những di sản văn hóa, lịch sử vật chất và phi vật chất, trên vật thể hoặc không gian thực, bao gồm cả những di sản được phục chế hoặc hồi phục bằng kỹ thuật số (khi không còn tồn tại trên thực tế), thành những dạng file để có thể lưu giữ lâu dài và chia sẻ không giới hạn trên không gian số.

Mọi địa điểm di tích, trung tâm văn hóa, danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch, v.v… có thể có mặt trên “bản đồ số” từ đó khi truy cập mỗi địa điểm sẽ hiện ra một thế giới riêng biệt với đầy đủ thông tin để khách quan tâm tìm hiểu sâu hơn. Những chi tiết thông tin này là tập hợp nhiều tài liệu từ nội dung chữ đến nội dung nghe nhìn đa phương tiện được gọi chung là “nội dung số”.

Việt Nam chúng ta có một kho tàng di sản văn hóa, lịch sử vô giá, hết sức phong phú và với số lượng cực kỳ lớn. Việc số hóa toàn diện những di sản này thực sự là điều cấp thiết đối với quốc gia và mỗi địa phương.

Bản đồ 3D có thể được gắn với các dữ liệu GIS tạo nên hệ thống bản đồ GIS-3D thuận tiện cho việc quản lý rất nhiều dữ liệu một cách trực quan nhất cả bề nổi lẫn chiều sâu, đồng thời có thể gắn với khung cảnh 3D-360o (panorama) làm điểm nhấn cho một số khu vực có mối quan tâm cao.

Mô hình dữ liệu GIS-3D với nhiều lớp dữ liệu được thể hiện trên bản đồ số 3 chiều (minh họa).

Các di sản văn hóa và lịch sử được số hóa và bản đồ hóa sẽ làm nền tảng cho các loại nội dung số, ứng dụng số và các hoạt động khác nhằm phát triển các dịch vụ “ăn theo” như du lịch, sự kiện, giải trí, lưu trú, ăn uống…

Nội dung số là cốt lõi

Nội dung số là bất kỳ loại nội dung nào tồn tại dưới dạng dữ liệu số. Nội dung số được lưu trữ trên các thiết bị lưu trữ kỹ thuật số với định dạng cụ thể. Hình thức của nội dung số bao gồm các thông tin hoặc tập tin máy tính được phát sóng quảng bá, truyền phát trên mạng bằng công nghệ số.

Những nội dung số vẫn đang được phát triển hiện nay bao gồm quảng cáo, nội dung truyền thông, tra cứu thông tin, giáo dục trực tuyến, giải trí số (trò chơi trực tuyến, trò chơi tương tác), thương mại điện tử, dữ liệu số… Những nội dung khác như thư viện và bảo tàng số, nội dung cho mạng di động… cũng quan trọng đối với ngành văn hóa và du lịch.

Trong thời đại số phát triển vượt bậc ngày nay, những nội dung hình ảnh hoặc video clip được tạo bởi công nghệ mới như 3D, 360o, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR)… có thể tạo hiệu ứng nghe nhìn từ mọi hướng, nên người xem dễ dàng hình dung không gian một cách chân thực và sinh động, nó mang tính cuốn hút và gần gũi với con người hơn.

Video 360 độ trình diễn thực tế và có độ hấp dẫn cao, người xem có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh bằng cách kéo chuột hoặc xoay điện thoại để xem các chiều góc khác nhau (minh họa).

Nội dung số còn bao gồm nhiều nội dung sáng tạo, hoàn toàn không hiện hữu trong đời thực được thực hiện bằng nhiều công nghệ hiện đại, ví dụ việc tạo dựng, tái tạo lịch sử để tận mắt quay về quá khứ xa xôi hay mô hình hóa thiết kế cho không gian trong tương lai… một cách sống động và có thể liên quan đến thực tế hiện tại.

Tái tạo lịch sử thời kỳ Đế quốc La Mã (minh họa).
Tour ảo dẫn du khách tham quan thời kỳ lịch sử cách đây hàng nghìn năm (minh họa).

Mỗi doanh nghiệp, tổ chức hoặc chủ thể nào đó đều có thể có nội dung số riêng và mang tính chuyên sâu đặc trưng. Tóm lại nội dung số rất phong phú và phải được tạo bởi chủ nhân của mỗi thực thể mà nó hướng tới để có giá trị cao nhất và sát thực nhất.

Ví dụ về một không gian 360o hoặc mô phỏng 3D cho một khu du lịch, resort… được chủ nhân truyền đạt ý tưởng, giúp cho khách hàng quan tâm có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng và tham quan trên môi trường ảo để nghiên cứu và trải nghiệm, thấu hiểu trước khi đặt chân đến đồng thời có thể đặt vé online ngay.

Tour ảo dẫn du khách tham quan không gian đặc biệt, cùng các điểm thuyết minh hotspot (minh họa).

Tạo lực hấp dẫn

Hiện nay, du khách vẫn thường đến thăm di tích lịch sử chỉ thấy những tòa nhà, vật thể rồi nghe những thuyết minh tùy hứng của hướng dẫn viên, cũng chỉ hiểu loáng thoáng về sự kiện lịch sử liên quan, đến lúc ra về không còn gì đọng lại trong ký ức. Như vậy hoàn toàn chưa đủ, dù người thuyết minh giỏi đến đâu cũng khó có thể biểu diễn được đầy đủ tính hào hùng hoặc ly kỳ của sự kiện lịch sử. Thay vào đó có thể là những nội dung số như video clip minh họa, phim ngắn, phim 3D mô phỏng thời khắc lịch sử… thì sẽ hấp dẫn hơn và có thể được truy cập tham khảo lại bất cứ lúc nào sau chuyến tham quan.

Minigame hấp dẫn đưa người chơi trở thành du khách (minh họa).

Thực tế là đa số những người quan tâm đặc biệt đến các di sản, di tích văn hóa của nước ta hiện nay thuộc về thế hệ già hoặc cận già. Trong khi thế hệ trẻ và thế hệ măng non phải là thế hệ tiếp nối thế hệ cha anh để thừa hưởng và phát huy những di sản ngàn năm của đất nước lại có cách cư xử theo kiểu mới. Nếu như giới trẻ, thuộc thời đại số, không được tiếp cận một cách tự nhiên, hào hứng thấm nhuần theo cách của họ thì nguy cơ bị mai một là rất lớn, đó sẽ là mất mát lớn của dân tộc.

Thế hệ trẻ ngày nay có nhịp sống rất nhanh, thường không đủ kiên nhẫn đọc hoặc nghe hết câu chuyện, nếu không phải là bắt buộc, nhưng dễ bị cuốn hút bởi những thông tin nghe nhìn đa phương tiện với nội dung ngắn dễ hiểu, như vậy nếu thông tin thấm vào lòng người được thì sẽ có tác dụng lâu bền hơn.

Hiện nay, người ta đã sáng tạo ra nhiều loại game, minigame thu hút người chơi với mục đích marketing. Game là nội dung số khá phổ biến và thường ngầm chứa đựng những yếu tố mà người tạo ra nó cần đến và người chơi tự nguyện cung cấp. Như vậy nội dung game dẫn tới sự quan tâm văn hóa và lịch sử là nội dung số sáng tạo rất đáng được quan tâm.

Metaverse có thể thực sự đóng góp cho nhành du lịch và văn hóa (minh họa).

Nội dung số có lợi thế nổi trội là thời gian để tiếp cận và hấp thụ thông tin rất ngắn, thông tin mang tính trực quan, dễ hình dung, đồng thời có thể tìm lại và “nghiền ngẫm” bất cứ lúc nào, vấn đề còn lại là nội dung tạo ra phải có sức hấp dẫn được mọi tầng lớp nhất là giới trẻ.

Hạ tầng nội dung số

Hiện nay nội dung số đang có mặt khắp nơi, trên mọi phương tiện và trên mọi mạng xã hội, tạo bởi vô số tác giả với rất nhiều xu hướng và mục đích sử dụng khác nhau. Nếu như chúng ta có phương tiện tập hợp các nội dung số hiện có một cách phù hợp cũng đã đủ phục vụ cho mục đích quảng bá văn hóa và phát triển du lịch.

Để khai thác những nội dung số thực sự chuyên đề, chuyên nghiệp kết hợp với những nội dung vô cùng phong phú thu thập được từ các bên thứ 3 tại mỗi tổ chức, doanh nghiệp thì cần phải có một hạ tầng công nghệ cả phần cứng và phần mềm mạnh mẽ, việc này rất tốn kém cả về nguồn lực từ tài chính đến nhân lực nên hầu như không khả thi đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngày nay người ta có thể phát triển hạ tầng dùng chung với năng lực kỹ thuật công nghệ cao vượt bậc, có thể chịu tải số lượng lớn các nội dung số hoạt động độc lập tại nhiều vùng khác nhau. Hạ tầng này có thể được đầu tư chuyên nghiệp để cho thuê. Như vậy mỗi doanh nghiệp, tổ chức đều có thể tạo và sử dụng vô số nội dung số trên hạ tầng đó một cách hoàn toàn độc lập để phục vụ cho chính mình.

Hạ tầng nội dung số là một nền tảng có thể kết hợp với nhiều hệ thống hạ tầng công nghệ khác để hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp như truyền thông, marketing, bán hàng, chăm sóc khách hàng, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, v.v… nhằm giúp nâng cao hiệu quả khai thác hoặc kinh doanh của mỗi doanh nghiệp hay tổ chức.

Thay đổi phương thức kinh doanh

Tác động của những ứng dụng số và nội dung số vào mọi ngành kinh doanh ngày càng to lớn hơn nên việc thay đổi các phương thức kinh doanh là tất yếu ở mỗi ngành nghề, trong đó ngành văn hóa và du lịch cũng không phải là ngoại lệ.

Tuy rằng ngành văn hóa du lịch phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người, nhưng sự chuyển đổi từ phương thức truyền thống sang công nghệ số vẫn đang diễn ra mạnh mẽ và tốc độ đáp ứng sự thay đổi hiện nay vẫn là quyết định với vận mệnh của mỗi doanh nghiệp.

Thách thức của việc kinh doanh này là luôn phải sáng tạo sự độc đáo, tạo ra sự mới mẻ, những cảm xúc mới và sự truyền bá những cảm xúc đó tới công chúng. Công nghệ số đang phát triển cực kỳ nhanh chóng, luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp chớp cơ hội mới nhằm kiến tạo sự khác biệt và làm điểm nhấn cho mình.

Lê Ngọc Quang