Khi bắt được kẻ gian, chúng ta thường làm gì? Đánh cho nó một trận nên thân để “cho chừa đến chết”… Thế nhưng khi vào nhà chùa, chúng ta có thể thấy những bảng cảnh báo “Không đặt tiền trên ban tránh tội cho kẻ gian”… Đó thực sự là lời cảnh báo rất hay và thâm thúy.
Hiểu về kẻ gian
Kẻ gian là người có tính chất và làm những việc thu lợi bất chính như trộm cắp, cướp giật hoặc lừa dối, lừa đảo… Vậy bản chất của kẻ gian là làm việc xấu, đối lập với người ngay.
Để đạt được mục tiêu thì kẻ gian thường phải lợi dụng những sơ hở nào đó của chủ thể hoặc tấn công bằng bạo lực gây gia tăng tổn thất.
Tránh tội cho kẻ gian
Nếu kẻ gian không thể hành động gì thì sự việc xấu không hề xảy ra như vậy kẻ gian sẽ không có tội mặc dù vẫn tồn tại. Như vậy điều quan trọng nhất là nếu không cho kẻ gian có cơ hội hành động thì mọi việc sẽ tốt đẹp hơn và xã hội vẫn yên bình.
Như vậy người có lỗi trước lại không phải là kẻ gian mà là người tạo cơ hội cho kẻ gian hành động.
Trong đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp cũng có thể có những kẻ gian lọt vào chờ thời cơ hoạt động. Nghĩa là kẻ gian sẽ “scan” mọi ngóc ngách để tìm những giá trị có thể thu thập và các điểm yếu để từ đó nhăm nhắm chờ cơ hội khai thác.
Ngược lại, đa số nhân viên chắc chắn là những người ngay, hoàn toàn “trong sáng”, nhưng vì nếu có tình trạng “mỡ treo miệng mèo” liên tục với họ thì thực sự là khó cưỡng, đây là cơ hội có thể chuyển biến từ “người ngay” thành “kẻ gian”.
Khi doanh nghiệp quản lý lỏng lẻo, theo định tính, kiểu “hành chính”, dựa hoàn toàn vào “báo cáo đẹp” của các cấp thiếu kiểm chứng thì lãnh đạo cũng khó có thể nhận thức được nhiều rủi ro thường xuyên và tai hại trong doanh nghiệp. Như vậy, vô hình chung, chủ doanh nghiệp đã tạo điều kiện để thúc đẩy việc biến đổi từ “người ngay” sang “kẻ gian”.
Bạn hãy xem xét có gặp phải một trong những rủi ro lớn đó là “lỗ hống thông tin” hoặc “thiếu minh bạch” dưới đây hay không:
- Niềm tin mù quáng (chắc chắn là không có vấn đề gì, sao mà dám…)
- Thông tin một chiều, thiếu kiểm chứng
- Chức năng, nhiệm vụ không rõ ràng, hoặc chồng chéo
- Không xử lý theo thời gian thực (tức thì)
- Yếu tố con người có thể can thiệp dễ dàng như sửa và xóa
- Mang tính chủ quan của người nhập liệu
- Thiếu sự đối chứng hoặc đối chứng khó khăn
- Quy trình không chặt chẽ, nhảy cóc, ngắt quãng hoặc làm tắt, làm gộp…
- Có thể can thiệp vào bất kỳ điểm nào trong chuỗi quy trình
- Lãnh đạo mất nhiều thời gian và sức lực vào công tác kiểm soát rời rạc sẽ tạo cơ hội sơ sảy
- v.v…
Những “lỗ hổng thông tin” là những vết rách trên hàng rào bảo vệ công ty và là lời mời cho những lòng tham đâu đó vô tình hay cố tình nhòm ngó tới. Tục ngữ Việt Nam có câu “Yêu nhau, rào dậu cho kín”, là một triết lý mang tính thời đại rất cao.
Để giữ được tình cảm lâu dài với người thân và tránh tội cho kẻ gian, chúng ta phải cải tạo lại “hàng rào” bằng cách vá víu lại hoặc làm lại hàng rào mới, kín kẽ hơn.
Lê Ngọc Quang